Mỹ sẽ gây áp lực lên Trung Quốc trên nhiều trận tuyến mới
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:48, 07/10/2018
Ngày 17.9, ông Trump tuyên sẽ áp thuế lên từng mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, nếu nước này trả đũa mức thuế trị giá 200 tỉ USD mà ông đánh lên hàng hóa Trung Quốc.
Bắc Kinh vẫn trả đũa bằng mức thuế trị giá 60 tỉ USD lên hàng hóa Mỹ nhập khẩu, nhưng chưa có dấu hiệu ông Trump thực hiện lời dọa, dù hôm 1.10, ông nói “chúng tôi có thể áp thêm mức thuế 267 tỉ USD nữa”.
Các nhà phân tích nói Mỹ đang cân nhắc các giải pháp không áp thuế nữa, nhằm tránh sự phản đối của dân Mỹ ngay trước kỳ bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ (sẽ tổ chức ngày 6.11 tới). Họ nói cảm xúc của cử tri Mỹ trước cuộc bầu cử giữa kỳ có thể là lý do chính để Mỹ không tăng đánh thuế. Ông Josh Green, đồng sáng lập kiêm giám đốc công ty Panjiva chuyên cung cấp dữ liệu thương mại toàn cầu, nói tăng thuế đối với tất cả các hàng hóa Trung Quốc có nghĩa tăng giá hàng hóa tiêu dùng gồm điện thoại di động, hàng dệt may, đồ chơi (hiện chưa bị Mỹ đánh thuế nặng).
Bà Orit Frenkel, người phụ trách mảng thương mại các sản phẩm kỹ thuật cao ở Văn Phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) hồi những năm 1980, nói đánh thuế tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu sẽ khiến các nhà đàm phán thương mại phải đắn đo.
Bà Frenkel hiện điều hành công ty tư vấn toàn cầu Frenkel Strategies, còn lưu ý việc ông Trump đạt thành công khi đàm phán thương mại Mỹ-Canada-Mexico có thể khiến ông càng thêm tin vào sức mạnh của việc áp thuế, vốn đã buộc Canada phải chấp nhận thỏa thuận với Mỹ.
Nhưng đòn áp thuế chưa có tác dụng đối với Bắc Kinh vốn chưa chịu thua ý chí Mỹ, trong cuộc chiến thương mại từ khi các mức thuế trả đũa bắt đầu hồi đầu tháng 7. Giáo sư Allen Carlson của đại học Cornell nói có lẽ ông Trump rất thất vọng khi Trung Quốc vẫn chưa đầu hàng. Từ đó, Mỹ đổi chiến lược.
Các giải pháp mới của Mỹ để chống Trung Quốc
Các giải pháp mới gồm hành động quân sự, gồm trừng phạt Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA); tăng cường tập trận hải quân quanh các vùng lãnh hải của Trung Quốc; trừng phạt kinh tế và tăng cường chống Trung Quốc, gồm cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ.
Hồi cuối tháng 9, Mỹ cấm vận PLA với lý do họ đã mua vũ khí Nga. Trung Quốc liền phản ứng, cấm tàu tấn công đổ bộ Wasp của hải quân Mỹ thăm Hồng Kông trong tháng 10, và hủy cuộc đối thoại ngoại giao-an ninh với Mỹ.
Derek Scissors, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu American Enterprise, nói đòn trừng phạt PLA là “bước một” trong loạt giải pháp không áp thuế để o ép Bắc Kinh: “Trung Quốc không biết đòn này ập tới, nhưng họ đã phát hiện ra tầm cỡ mở rộng của cuộc xung đột, và chúng ta có thể chờ một đòn phản ứng tương tự”.
Các phản ứng gia tăng căng thẳng cũng có thể xảy ra, nếu Mỹ tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận trên không và trên biển vào tháng 11 tới, ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan.
CNN hôm 4.10 dẫn lời nhiều quan chức Lầu Năm Góc, rằng kế hoạch này vẫn còn đang được xem xét, nhưng đã phát triển đến giai đoạn đặt tên cho chiến dịch quân sự này. Các quan chức Mỹ thừa nhận các cuộc tập trận này sẽ lại khiến Bắc Kinh căng thẳng thần kinh và sẽ tiếp tục phản ứng rằng đó là sự vi phạm chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc.
Căng thẳng quân sự Mỹ-Trung vừa được nhồi thêm, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hủy cuộc gặp người đồng cấp Ngụy Phụng Hòa ở Bắc Kinh trong tháng 10.
Tổng thống Mỹ không lùi bước trước Trung Quốc
Cùng ngày 4.10, phát biểu tại hội nghị của Viện Hudson, một tổ chức nghiên cứu bảo thủ, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã tuyên bố: “Mỹ sẽ tiếp tục đưa máy bay, đưa tàu hoạt động ở bất kỳ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép và nhu cầu bảo đảm quyền lợi quốc gia của Mỹ. Chúng tôi sẽ không để bị bắt nạt. Chúng tôi sẽ không nhượng bộ”.
Tâm điểm diễn văn của Phó tổng thống Mỹ là bảo vệ Mỹ khỏi việc Trung Quốc “can thiệp vào nền dân chủ của Mỹ”, tác động đến dư luận Mỹ, can thiệp cuộc bầu cử giữa kỳ và cuộc bầu cử tổng thống 2020.
Ông Pence tuyên bố Mỹ “sẽ tiếp tục ngẩng cao đầu bảo vệ an ninh và kinh tế quốc gia”, nhưng không để lộ bất kỳ dấu chỉ nào cho thấy Mỹ đang chuẩn bị đánh thuế lên toàn bộ hàng Trung Quốc nhập khẩu.
Ông nói Mỹ sẽ kháng cự trước mọi dạng tấn công của Trung Quốc, vì “Bắc Kinh đang ráo riết sử dụng các công cụ chính trị, kinh tế, quân sự và tuyên truyền để gieo ảnh hưởng và can thiệp vào chính sách đối nội và chính trị của nước Mỹ chúng ta”.
Ông Pence tuyên bố thông điệp của Mỹ gởi lãnh đạo Trung Quốc là Tổng thống Trump sẽ không chịu thua, dân Mỹ sẽ không chịu bị thao túng, tác động”.
Trước đó, ông Trump nói Bắc Kinh toan tính tác động cử tri Mỹ, với báo nhà nước Trung Quốc China Daily mua 4 trang quảng cáo của báo Des Moines Register (báo lớn nhất của bang nông nghiệp Iowa) để nêu bật tác động của thuế lên nông dân Mỹ trồng đậu nành.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên tục phủ nhận các cáo buộc can thiệp bầu cử ở Mỹ. Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh nói ông Pence vu khống Trung Quốc.
Vĩnh Thụy (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)