Ai có thể giúp Ấn Độ - Pakistan hòa giải?
Góc nhìn - Ngày đăng : 17:13, 01/03/2019
Trong vài lần hai quốc gia Nam Á xảy ra đối đầu quân sự như chiến tranh Kargil năm 1999 hay xung đột biên giới 2002, các Tổng thống Mỹ thường dùng đến ngoại giao cá nhân để thuyết phục.
Căng thẳng cũng từng bùng nổ vào năm 2008, khi nhóm phiến quân Lashkar-e-Toiba (LeT) tại Pakistan xâm nhập vào thành phố Mumbai rồi tiến hành tấn công khủng bố khiến 166 người thiệt mạng.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice vào thời điểm đó sang New Delhi kêu gọi chính quyền nước này không thực hiện hành động đáp trả mạnh mẽ vốn đã được lên kế hoạch, đồng thời yêu cầu phía Islamabad hợp tác điều tra vụ việc một cách đầy đủ - minh bạch.
Nhưng hiện nay thì chưa chắc Tổng thống Trump hay Ngoại trưởng đương nhiệm Mike Pompeo đủ khả năng làm vậy. Thế giới đơn cực không còn mà thay vào đó là kỷ nguyên cạnh tranh với nhiều cường quốc.
Ảnh hưởng của Mỹ cũng giảm đi vì chính họ bỏ bê khu vực. Tổng thống Trump tập trung vào vấn đề tại Venezuela, CHDCND Triều Tiên hay Iran hơn là tình hình tại Nam Á.
Tổng thống Trump còn có xu hướng thân Ấn Độ và xa lánh Pakistan. Vì nghi ngờ Islamabad thiếu nỗ lực trong loại bỏ những nhóm khủng bố trú ẩn trên lãnh thổ nước này nên ông quyết định cắt khoản viện trợ quân sự hơn 1 tỉ USD vào đầu năm 2018.
Trái ngược với thái độ trên, nhà lãnh đạo Washington công khai ca ngợi Thủ tướng Narendra Modi, ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quân sự song phương cũng như đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPCOM).
Khi vai trò quốc gia quyền lực trung lập của Mỹ suy giảm thì Trung Quốc đạt được mức độ ảnh hưởng ngoại giao với Pakistan chưa từng có trong hai thập niên vừa qua. Cường quốc châu Á cung cấp cho Islamabad khí tài quân sự, công nghệ lẫn thiết bị hạt nhân và tên lửa, hàng tỉ USD đầu tư nhiều dự án chiến lược.
Tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa gần địa điểm Ấn Độ tiến hành không kích hôm 26.2 tập trung nhiều dự án do Trung Quốc đầu tư. Bất cứ hành động quân sự nào nữa cũng sẽ là mối đe dọa lớn.
Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn chưa thể hiện được họ có ảnh hưởng ngoại giao mang tính quyết định. Phía cường quốc châu Á chỉ mới đưa ra tuyên bố kêu gọi kiềm chế, triển khai biện pháp cải thiện quan hệ song phương.
Yếu tố có thể kiềm chế Ấn Độ - Pakistan có lẽ chính là việc cả hai đều sở hữu vũ khí hạt nhân thay vì sự can thiệp từ bên ngoài. New Delhi với quân số gấp đôi cùng vũ khí hiện đại đủ sức phát động tấn công mạnh mẽ, nhưng quốc gia láng giềng do thực lực yếu hơn sẽ sẵn sàng dùng đến vũ khí hạt nhân hơn - động thái mang lại hậu quả khôn lường.
Cẩm Bình (theo The Guardian)