Mỹ không nên bỏ lỡ cơ hội để ép buộc Trung Quốc

Góc nhìn - Ngày đăng : 17:55, 12/02/2019

Nền kinh tế Trung Quốc đang được cho là suy yếu nhanh chóng trong thời gian gần đây, đồng nghĩa với việc Mỹ, hơn bao giờ hết, có nhiều “đòn bẩy tài chính” nhằm thúc đẩy các đề xuất có lợi trong các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận BÌnh - Ảnh: Bloomberg

Khi đề cập đến các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump và các nhà đại diện đàm phán luôn bày tỏ niềm lạc quan cũng như sự tự tin khi có nhiều “đòn bẩy tài chính” hơn bất kỳ chính quyền Mỹ trước đó.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang mong muốn đạt được nhanh chóng thỏa thuận “đình chiến thương mại” với Mỹ để tránh thiệt hại nhiều hơn cho nền kinh tế Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới đang hứng chịu những áp lực thuế quan ảnh hưởng không nhỏ tới thặng dư thương mại và các ngành công nghiệp xuất khẩu.

Nhiều suy đoán cho rằng, Tổng thống Trump đã yêu cầu các đại diện đàm phán của mình cần đẩy nhanh các thỏa thuận được thực hiện, nhằm chấm dứt biến động thị trường gần đây. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa rằng Mỹ đã từ bỏ một “cơ hội lịch sử” để tiến gần hơn trong việc tái cấu trúc mối quan hệ lớn với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang có khuynh hướng nhất trí nhượng bộ.

“Nước giữ cho thuyền nổi, nhưng cũng có thể đánh chìm nó”. Đây là một câu tục ngữ tóm tắt ngắn gọn về tình hình kinh tế khó khăn hiện tại của Trung Quốc. Các khoản nợ đã “ngậm nước” trong hệ thống tài chính Trung Quốc trong 10 năm qua hiện đang nhấn chìm nó.

Trong những ngày đen tối nhất của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch kích thích cơ sở hạ tầng trị giá 4 nghìn tỉ Nhân dân tệ (tương đương 593 tỉ USD), được mô tả chính xác nhằm kéo nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi suy thoái.

Tuy nhiên, kế hoạch cơ sở hạ tầng này dường như “không bao giờ chấm dứt”. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, vào năm 2017, ngân sách 4 nghìn tỉ chi tiêu đã tăng lên thành 14 nghìn tỉ Nhân dân tệ.

Ban đầu, Trung Quốc được hưởng lợi từ các chính sách cải cách, mở cửa kinh tế trong những năm 1990. Việc gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) và làm gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ trong vòng một thập kỷ, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào các ngành công nhiệp xuất khẩu.

Điều này khẳng định tầm quan trọng của việc xuất khẩu có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia đông dân nhất thế giới. Do đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã in tiền để tài trợ thêm cho chương trình kích thích kinh tế khổng lồ.

Lịch sử cho chúng ta biết rằng, sự tăng trưởng được tài trợ bởi tín dụng và “in tiền” quá nhanh có thể dẫn đến nhiều “bong bóng tài sản” và nguy cơ khủng hoảng tài chính. Một thước đo rộng dựa trên dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và các cơ quan tài chính khác cho thấy tổng tín dụng của Trung Quốc đạt mức 48 nghìn tỉ USD, gấp khoảng 3,7 lần tổng doanh thu các sản phẩm trong nước.

Điều đó cho thấy “việc tạo ra tín dụng” và chi tiêu đầu tư nhanh chóng đã dẫn đến giá trị tài sản tăng vọt. Điều này làm ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu khiến cho nền kinh tế Trung Quốc trì trệ trong bối cảnh ngành xuất khẩu mất đi khả năng cạnh tranh.

12 tháng qua đã chứng kiến ​​các chỉ số kinh tế quan trọng của Trung Quốc như sản xuất công nghiệp, bán xe hơi, bán lẻ và đầu tư đều giảm xuống mức thấp trong nhiều năm.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hồi tháng 12 năm ngoái đã đưa ra các biện pháp nhằm hướng đến sự tăng trưởng hợp lý tín dụng và tài chính xã hội để đối phó với những thách thức mới của nền kinh tế. Đồng thời, họ sẽ tiếp tục cải thiện hơn nữa kênh truyền tải chính sách tiền tệ.

Trong các vòng đám phán thương mại gần đây, các đại diện Mỹ hiện đang tập trung vào việc yêu cầu Trung Quốc thực hiện hai thay đổi chính. Một là mua thêm hàng hóa của Mỹ. Hai là từ bỏ chính sách công nghiệp mang lại lợi thế “độc quyền”.

Nếu Mỹ chủ yếu tập trung vào mục tiêu đầu tiên sẽ dẫn đến sai lầm lớn vì cuối cùng nó sẽ làm xói mòn các phần tiên tiến của nền kinh tế Mỹ, điều này không thúc đẩy các lợi ích dài hạn của Mỹ và chỉ được coi là biện pháp ngắn hạn cho tình hình phức tạp này.

Theo ước tính của chính phủ Mỹ, việc giảm thuế suất và điều chỉnh các quy tắc sở hữu nước ngoài sẽ là một hướng đi tốt, nhưng điều này sẽ không chấm dứt các hành động “gián điệp” và đánh cắp hàng loạt bí mật thương mại, gây thiệt hại hàng năm cho nền kinh tế Mỹ, ít nhất 300 tỉ USD.

Mỹ ngay lúc này, cần một cam kết từ chính phủ Trung Quốc trong việc đảm bảo các hoạt động trên không tái diễn, đồng thời thống nhất các hậu quả pháp lý tài chính cho các hành vi gián điệp, đánh cắp tài sản trí tuệ. Theo nhiều nhà phân tích, chính quyền của Tổng thống Donald Trump nên tiếp tục thúc đẩy việc này cho đến khi chứng kiến sự thay đổi vĩnh viễn trong hành động của Trung Quốc.

Để Trung Quốc là thành viên mang tính xây dựng của hệ thống thương mại thế giới đa phương, Bắc Kinh phải tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài, hoạt động bên trong và bên ngoài Trung Quốc.

Tóm lại, chính quyền Tổng thống Trump cần nắm bắt và tận dụng hiệu quả “đòn bẩy tài chính” có được trong bối cảnh còn chưa đầy một tháng sẽ kết thúc 90 ngày “đình chiến thương mại”. Để phung phí cơ hội này sẽ là một thảm họa không chỉ đối với chính phủ Mỹ, mà còn đối với cả phương Tây.

Hoàng Vũ (theo Bloomberg)