Điểm nóng bầu cử Indonesia: Bao nhiêu công nhân Trung Quốc tràn vào Vạn đảo?
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:25, 15/04/2019
Tổng thống Joko Widodo, người đang muốn thắng thêm một nhiệm kỳ, chủ trương thúc đẩy cơ sở hạ tầng đầy tham vọng trong suốt nhiệm kỳ qua. Để làm điều đó, ông đã mở cửa đón đầu tư từ Trung Quốc và chấp nhận các khoản vay từ nước ngoài.
Đối thủ của ông, cựu tướng quân đội Subianto, cáo buộc tổng thống Widodo đã bán nước này cho người nước ngoài trong khi các nhà lập pháp đối lập tuyên bố Indonesia đang phải đối mặt với dòng công nhân Trung Quốc.
Indonesia có lịch sử lâu dài và đôi khi dữ dội về tâm lý bài Hoa. Đây luôn là vấn đề gây tranh cãi, đặc biệt là trong các năm có bầu cử. Mạng xã hội vốn chi phối truyền thông ở Indonesia trước thềm cuộc bầu cử đã liên tục đưa với những tin đồn nóng hổi về số lượng công nhân Trung Quốc tăng cao ở nước này.
Vào tháng 1 năm nay, một video quay cảnh hàng ngàn công nhân biểu tình tại một khu công nghiệp ở Morowali trên đảo Sulawesi đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Đoạn video nói đây là những công nhân Indonesia biểu tình chống lại người lao động đến từ Trung Quốc đang kiếm được mức lương cao hơn và cướp việc làm của người bản xứ.
Tuy nhiên, bộ trưởng Lao động đã bác bỏ các tuyên bố và đăng trên Twitter rằng cuộc biểu tình trong video là về tiền lương chứ không phải vấn đề công nhân Trung Quốc. Cảnh sát đã bắt giữ một nghi phạm bị cáo buộc truyền bá thông tin sai lệch.
Các bài đăng trên mạng xã hội được chia sẻ rộng rãi khác đã cho thấy hình ảnh của du khách Trung Quốc tại các sân bay với chú thích mang tính báo động cho rằng đó là công nhân bất hợp pháp tràn vào nước này.
Trong chiến dịch tranh cử, ứng cử viên đối lập Subianto đã không đề cập trực tiếp đến công nhân Trung Quốc nhưng đã nhắm đến những thay đổi của tổng thống đối với các quy định của công nhân nước ngoài, nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình đăng ký của công nhân nước ngoài tới Indonesia.
Ông Subianto tuyên bố: "Chúng ta không chống người nước ngoài nhưng chúng tôi cần quan tâm người dân của chúng ta, nếu chúng ta mở cửa cho công nhân nước ngoài, thì còn lại cho chúng ta là gì?".
"Mỹ muốn xây một bức tường để ngăn chặn người di cư. Ở Úc, những người cố gắng nhập cư (phi pháp) bị tống đến các hòn đảo xa xôi", ông nói đầy ý tứ trong bài phát biểu trước chiến dịch.
Hiện Trung Quốc là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ ba của Indonesia sau Singapore và Nhật Bản, theo cơ quan giám sát đầu tư của chính phủ Indonesia. Những số liệu này cho thấy các công ty Trung Quốc đã đầu tư gần 10 tỉ USD vào Indonesia kể từ năm 2014.
Nhưng các dự án lớn do Trung Quốc hậu thuẫn này đã gặp phải những khó khăn nghiêm trọng. Một dự án xây dựng tàu cao tốc giữa Jakarta và thành phố gần nhất, Bandung, trị giá 6 tỉ USD đã bị đình trệ bởi sự chậm trễ trong giải phóng mặt bằng.
Ở bắc đảo Sumatra, các nhà môi trường đang đấu tranh tại tòa án để ngăn chặn một đập thủy điện trị giá 1,6 tỉ USD được hỗ trợ bởi Ngân hàng Trung Quốc. Các nhà đấu tranh nói dự án sẽ đe dọa quét sạch một loài đười ươi đang bên bờ tuyệt chủng.
Còn ở trên đảo Borneo, một công ty nhà nước Trung Quốc chuẩn bị xây dựng các nhà máy thủy điện trị giá gần 18 tỉ USD. Indonesia hy vọng sẽ thu hút được 60 tỉ USD đầu tư từ Trung Quốc, nhưng khó có thể đạt được con số đó, Fung Siu, chuyên gia tình báo kinh tế khu vực châu Á cho biết.
Các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn này thường tìm cách sử dụng lao động Trung Quốc như một cách để cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả. Cách chính xác nhất để đo lường số lượng lao động nước ngoài đã đăng ký ở Indonesia là xem xét số lượng giấy phép lao động được cấp.
Trung Quốc nhận được giấy phép lao động nước ngoài nhiều nhất và con số này đang tăng lên - gấp đôi kể từ năm 2013. Dù vậy, tổng số giấy phép được ban hành năm 2018 chỉ hơn 3 vạn, ít hơn đáng kể so với con số "hàng triệu người" như tin lan truyền trên mạng
Ngân hàng Thế giới ước tính rằng nhìn chung, lao động nước ngoài chiếm một phần nhỏ, chỉ 0,06%, lực lượng lao động của Indonesia trong năm 2016, ít hơn đáng kể so với Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Tuy nhiên, có thể có công nhân Trung Quốc ở Indonesia nhiều hơn số lượng giấy phép lao động chính thức, mặc dù rất khó để biết có bao nhiêu. Liên đoàn Công nhân Indonesia (KSPI) tuyên bố những người lao động Trung Quốc có tay nghề thấp đang lên đến hàng trăm ngàn theo dạng "du lịch".
Chính phủ cũng nói rằng công nhân Indonesia được hưởng lợi từ việc đào tạo nhờ nguồn lao động Trung Quốc có tay nghề cao, và rằng cuối cùng thì các công nhân Trung Quốc cũng trở về nhà để lại các đội bản xứ tiếp quản công việc. Tuy vậy, vấn đề này vẫn gây chia rẽ, dễ gây kích động nên thường bị thao túng trong các cuộc bầu cử tại Indonesia.
Anh Tú