Chính quyền bắt nạt doanh nghiệp là cơn ác mộng ở Trung Quốc
Góc nhìn - Ngày đăng : 16:05, 16/03/2019
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) kể khi ông Lâm Vỹ Quang lập công ty công nghệ môi trường Tam Đạt Mạc ở thành phố Tứ Bình (tỉnh Cát Lâm) hồi năm 2006, lãnh đạo thành phố mở rộng vòng tay hoan nghênh ông Lâm.
Nhưng 13 năm sau, nhà khoa học chuyển thành doanh nhân Lâm tuyệt vọng muốn ra đi, sau khi hàng tỉ đô-la đầu tư chỉ đẩy ông vào “một cơn ác mộng đêm dài”, kéo đến cuộc đấu pháp lý tốn kém và kéo dài với chính quyền thành phố, với những cán bộ bị ông Lâm cáo buộc “bất công thứ dữ” và hành xử trái pháp luật.
Cơn ác mộng bắt đầu từ một cuộc gọi mời nhà đầu tư nước ngoài
Ông Lâm người tỉnh Phúc Kiến (tây nam Trung Quốc). Ông tốt nghiệp đại học Hạ Môn năm 1985, sau đó ông chuyển qua Singapore học lấy bằng tiến sĩ về công nghệ màng nước tiên tiến.
Sau một thời gian ngắn làm việc cho một công ty tại Singapore, ông Lâm trở về Phúc Kiến lập Công ty Công nghệ màng nước Tam Đạt Mạc năm 1996, nhờ tranh thủ mối quan hệ thân quen với trường cũ, trong khi thành phố cũng muốn phát triển lãnh vực dược phẩm.
Nhờ trường cũ đầu tư, công ty của ông Lâm “phất” và năm 1997, ông chuyển công ty và gia đình qua Singapore, nơi ông có quốc tịch.
Thành công sớm khiến ông Lâm tìm thêm cơ hội thịnh vượng ở nơi khác. Và khi Phó Chủ tịch thành phố Tứ Bình, ông Wang Hongzhi thăm Singapore trong một chuyến đi tìm nhà đầu tư năm 2006, ông Lâm ngỡ mình có cơ hội.
Tứ Bình luôn bị các thành phố khác ở vùng đông bắc Trung Quốc bỏ xa trong chuyện thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, điều khiến ông Lâm nghĩ thành phố này sẽ là một đối tác đầu tư lý tưởng. Ông nhớ lại: “Tôi xúc động vì sự chân thành của vị phó chủ tịch, nên tôi quyết đầu tư ở Tứ Bình”.
Ban đầu mọi sự êm đẹp, với công ty Tam Đạt Mạc mua nhà máy xử lý nước thải của công ty với giá 90 triệu Nhân dân tệ (NDT, tương đương 13,4 triệu USD). Công ty đồng ý nâng cấp nhà máy, sử dụng công nghệ xử lý nước thải của công ty và điều hành nhà máy trong 30 năm, đổi lại là được thu một nguồn phí xử lý nước thải trong từng năm.
Sau đó, công ty tham gia hai thỏa thuận phụ khác với chính quyền thành phố, qua đó công ty đầu tư và giúp tài trợ cho một dự án bất động sản và một công viên khoa học.
Nhưng mọi sự thật sự chua chát, khi chính quyền thành phố giao hai dự án trên cho một nhà đầu tư khác thuộc tỉnh Giang Tô.
Thành phố Tứ Bình - Ảnh : SCMP
Ông Lâm tố cáo cán bộ thành phố hù dọa, bắt nạt
Theo ông Lâm, thái độ của cán bộ chính quyền thành phố quay ngoắt sau khi nhà đầu tư mới vào cuộc, thẳng thừng áp đặt nhiều đòi hỏi nơi công ty Tam Đạt Mạc.
Cùng lúc, chính quyền thành phố bắt đầu “xù” thỏa thuận trả tiền nộp phí xử lý nước thải hàng năm cho công ty của ông Lâm, khiến mảng tài chính của nhà máy bị cạn kiệt.
Ông Lâm phàn nàn: “Nhiều yêu sách vi phạm quyền lợi pháp lý của chúng tôi, hoặc đơn giản hơn, đó là những đòi hỏi trái phép”, và cho biết chính quyền toan tính gây sức ép để công ty phải bỏ cuộc đầu tư mà đến cuối năm 2018 đã lên tới con số tổng cộng hơn 343 triệu NDT.
“Chiêu” của chính quyền là để Ủy ban Bảo vệ Môi trường thành phố phạt tiền nặng, với lý do nhà máy xử lý nước thải của Tam Đạt Mạc vi phạm nhiều quy định bảo vệ môi trường.
Phản ứng lại, công ty kháng nghị với Văn phòng pháp lý Tứ Bình, nơi hồi đầu năm 2019 đã tuyên khoản phạt của Ủy ban trên là trái pháp luật.
Tuy nhiên, chính quyền thành phố đã thu hồi nhà máy, bán lại cho một xí nghiệp nhà nước mà không bồi thường cho công ty của ông Lâm.
Công ty cũng đàm phán với chính quyền thành phố để rút khỏi cuộc đầu tư. Nhưng ông Lâm nói chính quyền đã đòi nhiều điều “bất công thứ dữ”, để buộc ông phải bán phần đầu tư với giá thật rẻ bèo.
Chính quyền cũng yêu cầu Tam Đạt Mạc gom cả 3 dự án lại thành một trong bất kỳ thỏa thuận nào. Ông Lâm nói đòi thế là không có cơ sở pháp lý và công ty không thể chấp nhận, vì dàn xếp như vậy thì Tam Đạt Mạc sẽ lỗ nặng.
Ông Lâm đã nhiều lần phàn nàn việc tịch thu nhà máy xử lý nước thải với tân Chủ tịch thành phố Tứ Bình, ông Quách Linh Kế. Nhưng các bộ phận khác trong chính quyền vẫn phản đối yêu cầu bồi thường của Tam Đạt Mạc.
Dù ông Lâm thừa nhận “không khôn ngoan” khi công ty đầu tư vào hai dự án công viên khoa học và nhà ở (hai lĩnh vực không là chuyên môn chính của công ty), nhưng chính quyền Tứ Bình toan tính chiếm công ty bằng những lời hù dọa, bắt nạt.
Ông thừa nhận cơ hội giành lại quyền kiểm soát nhà máy xử lý nước thải rất mong manh, nhưng ông muốn chính quyền bồi thường xứng đáng cho khoản đầu tư của ông.
Nhà máy xử lý nước thải Tứ Bình - Ảnh: SCMP
Trong một bức thư gởi lãnh đạo Tứ Bình, ông viết: “Sau khi lập Tam Đạt Mạc, chúng tôi đã đạt được vài thành quả từ sự đầu tư của quý vị”, đồng thời cho biết mọi sự bắt đầu thay đổi, sau cuộc thay đổi ban lãnh đạo thành phố hồi vài năm trước, và hiện tình hình công ty rất “căng”.
Ông Vương Khắc Thành là Chủ tịch thành phố Tứ Bình khi công ty ông Lam đầu tư vào nhà máy xử lý nước thải, vào năm 2010 đã được chuyển giữ một chức vụ trong ngành thuế tỉnh Cát Lâm, nhưng rồi ông bị kết án 10 năm tù vì tham nhũng hồi năm 2018.
Phó Chủ tịch Wang Hongzhi, người thuyết phục ông Lâm đầu tư hồi 10 năm trước, thì qua đời năm 2010.
Khi SCMP liên lạc, Chủ tịch Quách (nhậm chức năm 2018) hy vọng sẽ có một giải pháp mà chính quyền thành phố và công ty của ông Lâm cùng chấp thuận: “Chúng tôi đã có nhiều vòng đàm phán với Tiến sĩ Lâm từ khi tôi làm Chủ tịch hồi tháng 5 năm ngoái. Nếu không thể giải quyết bất đồng thông qua đàm phán, thì chúng tôi phải đưa nhau ra tòa”.
Trong khi đó, ông Lâm nói vẫn hy vọng Chủ tịch Quách sẽ giải quyết bất đồng, mà không va phải sự chống đối của các cán bộ chính quyền khác: “Điều tôi muốn bây giờ là giải quyết các rắc rối của chúng tôi thông qua các biện pháp pháp lý. Những gì chúng tôi đã chứng kiến ở Tứ Bình chỉ hoàn toàn là sự bất công”.
Bên lề kỳ họp hàng năm của Quốc hội Trung Quốc, Bí thư thành ủy Tứ Bình là ông Hàn Phúc Xuân bác bỏ các phàn nàn của ông Lâm, nói Tam Đạt Mạc phá lời hứa và không chịu thỏa thuận.
Bí thư Hàn nói: “Chúng tôi bán nhà máy xử lý nước thải cho Tam Đạt Mạc với giá 90 triệu NDT, dù chúng tôi định giá tài sản này là 160 triệu NDT. Cho đến nay, Tam Đạt Mạc chỉ mới trả chưa tới 80 triệu NDT và nhà máy không hoạt động theo đúng tiêu chuẩn đặt ra”.
Bí thư tỉnh ủy Cát Lâm, ông Ba Âm Triều Lỗ nhắc lại quan điểm rằng vụ tranh chấp phải được giải quyết thông qua đàm phán.
“Vùng đông bắc Trung Quốc lộn xộn, cán bộ tự tung tự tác”
Doanh nhân Lâm 55 tuổi, là một trong nhiều doanh nhân Hoa kiều lâm cảnh lao đao ở vùng đông bắc Trung Quốc, vùng nổi tiếng với ngành công nghiệp nặng thuộc nhà nước.
Cán bộ chính quyền vùng này từ lâu cũng bị chỉ trích là quan liêu, không thân thiện với môi trường làm ăn, kỳ thị với các công ty tư nhân. Một số nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẵn sàng liều, để rồi chỉ thấy nỗi sợ hãi tệ nhất của họ đã thành hiện thật.
Ông Trịnh Vĩnh Niên, giám đốc Viện Đông Á ở Đại học quốc gia Singapore từ chối bình luận trực tiếp về vụ Tam Đạt Mạc, nhưng nói vùng đông bắc Trung Quốc nổi tiếng quan liêu, không bảo vệ quyền lợi của các nhà đâu tư.
Ông nói thêm: “Vấn đề chính ở đây là môi trường đầu tư kém ở vùng đông bắc Trung Quốc. Sự thật là các cán bộ vùng này không hề có ý tưởng nên làm ăn thế nào với các nhà đầu tư nước ngoài. Ở đó rất lộn xộn, cán bộ tha hồ làm điều họ muốn. Đó là chuyện nguồn lực cán bộ và là lý do nền kinh tế yếu kém”.
Ông Trịnh còn nói vùng đông bắc Trung Quốc cần chấn chỉnh nạn quan liêu, để khôi phục sự tin tưởng của giới đầu tư, và những thay đổi này phải toàn diện, chứ không là thay đổi vài lãnh đạo cấp cao.
Ông nói: “Chúng tôi cần cạnh tranh thật sự, để các công ty tư nhân thật sự có thể làm việc hết mình, và chính phủ Trung Quốc cần có một gương điển hình ở vài lĩnh vực, nếu không thì giới đầu tư sẽ không tin những gì bạn nói hoặc hứa hẹn”.
Vài năm trước, ông Trương Quốc Bảo, cựu phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC, một cơ quan hoạch định chính sách kinh tế thuộc chính phủ Trung Quốc) nói tại một cuộc hội thảo ở tỉnh Hắc Long Giang, rằng ông đã được nghe các vấn đề trên, và ông đã chứng kiến một số nhà đầu tư nước ngoài khóc hết nước mắt vì phải bỏ doanh nghiệp và rời khỏi vùng đông bắc Trung Quốc.
Ông Trương còn nhắc các vụ như của nhà hóa học Lưu Tú Tài của Đại học Wisconsin-Milwaukee (Mỹ).
Ông Lưu đã mất cả một sản nghiệp ở tỉnh Sơn Đông hồi năm 2010, sau khi công nghệ để sản xuất dầu nhờn và thuốc trị tiểu đường từ sáp ong - được cấp bằng phát minh - của ông bị một công ty nhà nước chiếm đoạt, và một khoản đầu tư khác của ông ở tỉnh Cát Lâm cũng tan tác 3 năm sau đó.
Vĩnh Thụy (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)