Trung Quốc 'xoa dịu' Mỹ bằng Luật Đầu tư nước ngoài mới
Góc nhìn - Ngày đăng : 16:07, 15/03/2019
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Quốc hội Trung Quốc vào sáng 15.3 đã thông qua FIL, với chỉ 8 phiếu chống, 8 phiếu trống và gần 2.929 phiếu thuận. FIL sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2020.
Trung Quốc “xử lý nghiêm” cán bộ tiết lộ bí mật thương mại
FIL hứa hẹn đối xử công bằng với các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc, cấm các công ty và chính quyền địa phương Trung Quốc buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ, đồng thời cấm cán bộ chính quyền “xì” các bí mật thương mại - mà họ có được từ các doanh nghiệp nước ngoài - cho các công ty trong nước một cách trái phép. Các biện pháp xử lý kỷ luật sẽ gồm “xử lý hành chính” hoặc thậm chí buộc tội hình sự.
Trước đó vào ngày 6.3, ông Ninh Cát Triết, Phó Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC, một cơ quan hoạch định chính sách kinh tế thuộc chính phủ Trung Quốc) cho biết Trung Quốc sẽ cấm cán bộ đòi công ty nước ngoài chuyển giao bí mật công nghệ, để đổi lấy quyền được tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Ông Ninh nói: “Dự thảo luật này sẽ làm rõ hệ thống xúc tiến và bảo vệ đầu tư của nước ngoài. Hệ thống pháp lý sẽ bảo đảm các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không thể bị chính quyền dùng biện pháp hành chính để đòi chuyển giao công nghệ, ngược lại sẽ cung cấp sự bảo đảm pháp lý bao quát hơn và có lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài”.
Phát biểu của ông Ninh tiếp sau ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hôm 5.3, với Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2019 là từ 6% đến 6,5%, cùng lời hứa các công ty nước ngoài sẽ được đối xử bình đẳng với các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc.
Thủ tướng Lý Khắc Cường báo cáo hoạt động năm 2019 của chính phủ Trung Quốc - Ảnh: AP
Ông Jade Parker, phó chủ tịch mảng Trung Quốc thuộc Hội đồng Thương mại Mỹ - Trung, nói: “Chúng tôi đã xem bản thảo cuối của FIL và hài lòng với việc dùng ngôn ngữ mới vào phút cuối, nhằm bảo vệ thông tin thương mại và bí mật thương mại của các công ty nước ngoài. Thông tin sẽ xử lý hình sự vì việc chia sẻ thông tin nhạy cảm của công ty nước ngoài đã cho thấy quyết tâm ngăn chặn nạn ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả và sẽ mở ra hướng mới bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Việc thực hiện luật mới sẽ là chìa khóa để đánh giá độ thành công, nhưng từ nhiều năm qua, giới doanh nghiệp đã vận động chính quyền Trung Quốc buộc tội hình sự đối với sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nên chúng ta cần thừa nhận đây là một sự tiến bộ tích cực”.
Ông cũng nói thêm: “Chúng tôi hy vọng việc vận dụng FIL từ đầu năm 2020 sẽ thêm cơ hội cho các công ty nước ngoài làm việc với các nhà quản lý, để giải quyết những lo ngại của chúng ta xung quanh các hợp đồng liên doanh, xem xét vấn đề an ninh quốc gia và tham gia vào việc lập các cơ quan xác lập các tiêu chuẩn”.
Nhà kinh tế học Lưu Lợi Cương của tập đoàn kinh tế Citigroup nói: “Tôi nghĩ những phàn nàn của Mỹ và châu Âu đã được phản ánh trong việc làm bộ luật này. Theo dự thảo luật, các quan chức sẽ bị cấm sử dụng các biện pháp hành chính để buộc chuyển giao công nghệ”.
Bắc Kinh muốn vuốt ve cơn bực của Tổng thống Mỹ
SCMP nêu FIL là một thông điệp rằng Bắc Kinh muốn mở sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, và Bắc Kinh hy vọng luật mới sẽ giúp cải thiện hình ảnh Trung Quốc với các nhà đầu tư toàn cầu, vào lúc sức thu hút của Trung Quốc như một điểm đến đầu tư lý tưởng đã bị phai nhạt vì chi phí sản xuất ở đây tăng cao, cộng thêm sự nghi kỵ Trung Quốc ngày càng tăng ở các nước khác. FIL còn nhằm xoa dịu những lo ngại của Mỹ, vào lúc Mỹ - Trung đàm phán nhằm có thể đạt đến một thỏa thuận thương mại vào cuối tháng 3 này.
Theo AP, chưa thể rõ những từ ngữ trong luật mới có xoa dịu được Tổng thống Mỹ Donald Trump hay không.
Theo hãng tin Mỹ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đối diện sức ép phải đạt đến một thỏa thuận với Mỹ, sau khi sức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bị giảm xuống mức thấp 6,6% hồi năm 2018.
Washington đã cáo buộc Trung Quốc ép các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc, hoặc “ăn cắp” công nghệ của các công ty Mỹ. Đây là lý do Mỹ quyết tiến hành chiến tranh thuế với Trung Quốc.
Hồi tháng 7.2018, ông Trump đã dẫn việc Trung Quốc “ăn cắp” quyền sở hữu trí tuệ, buộc các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc, khi ông áp mức thuế trừng phạt trị giá 250 tỉ USD lên các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Châu Âu, Nhật Bản và các đối tác thương mại khác đã phản đối các chiến lược áp thuế trừng phạt của ông Trump, nhưng cũng đồng ý với phàn nàn của Mỹ, rằng Trung Quốc vi phạm các quy định mở cửa thị trường.
Các quan chức Trung Quốc phủ nhận rằng Bắc Kinh không “ăn cắp”, không gây sức ép để các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ và các bí mật thương mại. Nhưng họ cố gắng xoa dịu Tổng thống Trump cùng chính phủ các nước khác, bằng lời hứa sẽ có sự bảo vệ pháp lý tốt hơn.
Ngôn ngữ luật mới còn mơ hồ, chung chung
Nhưng các tổ chức doanh nghiệp nói họ cần được thấy luật này sẽ được vận dụng kiểu nào để cải thiện hoạt động cho các công ty nước ngoài, khi mà các đại biểu Quốc hội Trung Quốc vội vã thông qua FIL.
Theo AP và SCMP, ngôn ngữ sử dụng trong FIL được cho là quá chung chung, nhiều chi tiết sẽ chỉ sáng tỏ trong các quy định và quy trình thực hiện FIL.
Đại biểu Quốc hội Trung Quốc nghe giới thiệu luật FIL - Ảnh : Newsroom
Ngày 14.3, Văn phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham) phàn nàn Trung Quốc không tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp nước ngoài, và FIL quá “mơ hồ”, chung chung và không đi vào chi tiết, không giải quyết các vấn đề gồm chuyện sẽ phải đối xử bình đẳng với các công ty Mỹ và Trung Quốc thế nào.
Ông Timothy Stratford, chủ tịch AmCham, nói dự thảo luật là “một bước tiến bộ, nhưng trong quá khứ, các công ty từng bị thất vọng sau khi nghe những câu từ tích cực”.
Văn phòng Thương mại Liên hiệp châu Âu ở Trung Quốc nói về nguyên tắc thì Văn phòng hoan nghênh luật mới, nhưng còn phải chờ xem Trung Quốc thực hiện luật thế nào, và chữ “các biện pháp hành chính” sẽ cho phép các quan chức Trung Quốc thoải mái sử dụng các chiến thuật thúc ép khác để buộc công ty nước ngoài phải chuyển giao bí mật công nghệ.
Theo SCMP, trong khi luật mới nhằm tạo “sân chơi bình đẳng” cho các công ty nước ngoài ở Trung Quốc, vẫn có những điều khoản hạn chế mà các công ty nước ngoài ở Trung Quốc phải tuân thủ.
Ví dụ điều khoản 35 của FIL nêu chính phủ Trung Quốc có thể tiến hành xem xét các khoản đầu tư nước ngoài, khi thấy cần bảo vệ an ninh quốc gia.
Giáo sư Hà Vệ Phương thuộc Viện nghiên cứu pháp lý ở Đại học Bắc Kinh đã đặt dấu hỏi về khả năng Trung Quốc thực hiện luật mới. Ông nói: “Chúng tôi cần sự giám sát dân chủ và công lý để đảm bảo thực thi nếu có bất kỳ quy định nào được ban hành sau đó. Thực thi thực sự dựa vào những thay đổi cấu trúc và một hệ thống tư pháp độc lập. Vì vậy, tôi không thể nói rằng tôi sẽ lạc quan hơn khi sẽ có nhiều quy định hơn”.
Ông Hà nhấn mạnh: “Sẽ còn tồi tệ hơn nếu chúng ta thiếu cơ chế thực thi sau khi chúng ta ban hành luật, bởi vì thế giới bên ngoài sẽ không tin tưởng bạn cho dù bạn ban hành luật nào trong tương lai. Chúng ta cần kiểm tra và cân bằng để đảm bảo thực thi, nếu không, tất cả việc ban hành luật có thiện chí sẽ vẫn vô ích”.
Vĩnh Thụy (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, AP)