Những biện pháp trả đũa thuế quan Mỹ của Trung Quốc
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:26, 10/05/2019
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vừa bắt đầu đợt làm việc kéo dài 2 ngày tại Washington. Một thỏa thuận sẽ giúp chặn đứng kế hoạch tăng thuế của Tổng thống Donald Trump, nếu không cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu sẽ leo thang.
Tổng thống Trump quyết định tăng mức thuế mà 200 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc phải chịu từ 10% lên 25% từ ngày 10.5, đồng thời cảnh báo khả năng nhắm đến số mặt hàng tổng trị giá 325 tỉ USD thoát 2 vòng đánh thuế trước. Trước thềm đàm phán, ông còn tuyên bố đối tác châu Á phải trả giá vì phá vỡ những gì hai bên đã thống nhất.
Bộ Thương mại Trung Quốc phủ nhận cáo buộc trên, đồng thời lưu ý bất đồng khi đàm phán là chuyện bình thường. Nước này cũng lên tiếng đe dọa đáp trả.
Ông Jake Parker - Phó chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung (nhóm vận động đại diện cho gần 200 doanh nghiệp Mỹ quy mô lớn làm ăn với Trung Quốc) cho biết: “Dù dự đoán Trung Quốc sẽ sớm đáp trả bằng thuế quan tương ứng, nhưng chúng tôi cũng khuyến cáo doanh nghiệp thành viên chuẩn bị cho kịch bản bị kiểm tra hải quan gay gắt hơn, các địa phương thực hiện quy định một cách khó khăn hơn, tìm nguồn hàng khác thay thế hàng Mỹ”.
Dùng thuế trả đũa thuế
Khi Tổng thống Trump đánh thuế 200 tỉ USD hàng Trung Quốc với thuế suất 10% vào năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh lập tức áp thuế nhập khẩu 5% - 25% lên 60 tỉ USD hàng Mỹ. Nâng mức thuế này là phương án rõ ràng nhất.
Trung Quốc còn có thể khôi phục rào cản đặc biệt nhắm vào một số sản phẩm cụ thể, là mặt hàng xuất khẩu của các tiểu bang ủng hộ Tổng thống Trump, chẳng hạn như ngừng nhập đậu tương Mỹ hay buộc ô tô và xe thể thao Mỹ chịu thuế suất cao nhất 25% - những biện pháp họ từng thực hiện cho đến khi đàm phán đem lại kết quả khả quan hơn.
Tuy nhiên, thuế quan trả đũa không đủ sức khiến Mỹ chấp nhận “xuống nước”. Vài doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, mặc dù vậy tác động đến toàn bộ nền kinh tế lớn nhất thế giới khá hạn chế. Hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc dù cố gắng đa dạng hóa vẫn phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu sang nước ngoài (trong đó có Mỹ).
Một phương án thuế quan nữa là đánh thuế số hàng hóa Mỹ chưa bị đáp trả, bao gồm cả sản phẩm bán dẫn và máy bay Boeing. Nhưng công ty Trung Quốc cần thiết bị bán dẫn - mặt hàng rất ít nguồn thay thế. Còn nếu bỏ Boeing họ chỉ có thể tìm đến Airbus, từ đó phải đối mặt nguy cơ bị tăng giá.
Huy động người tiêu dùng trả đũa
Như từng dùng lúc nổ ra xung đột ngoại giao với Hàn Quốc hay Nhật Bản, chính quyền Bắc Kinh có thể khuyến khích người tiêu dùng trong nước tẩy chay hàng Mỹ. Họ chỉ cần kiềm chế hoạt động này ở quy mô vừa phải.
Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc một khi được giải quyết sẽ rất khó kiềm chế. Khả năng đạt thỏa thuận thương mại bị đe dọa nếu phong trào tẩy chay cụ thể hóa thành một đợt biểu tình. Làm vậy cũng khiến chính người tiêu dùng Trung Quốc mất đi lựa chọn lúc mua hàng, công nhân làm việc cho đơn vị sản xuất hàng hóa Mỹ (iPhone, xe hơi) chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Lựa chọn khác
Trung Quốc nắm trong tay nhiều lựa chọn cứng rắn, nhưng kèm theo đó là hàng loạt vấn đề nghiêm trọng.
Họ có thể thông qua hải quan hoặc cơ chế kiểm tra phức tạp trì hoãn nhập khẩu từ Mỹ. Xe thể thao đa dụng Lincoln của Ford, táo, cam, anh đào từng là nạn nhân.
Mạnh mẽ hơn là làm đình trệ chuỗi cung ứng toàn cầu. Do cần rất nhiều linh phụ kiện Trung Quốc cung cấp để tạo ra thành phẩm nên doanh nghiệp Mỹ từng yêu cầu giới chức Washington miễn trừ thuế những mặt hàng này. Cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vỹ vào tháng 9.2018 đề xuất biện pháp hạn chế một số sản phẩm có vai trò quan trọng với Mỹ.
Như vậy, chính quyền Bắc Kinh đạt mục đích phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, với cái giá phải trả là danh tiếng nhà cung cấp đáng tin cậy bị tổn hại vĩnh viễn. Vị thế công xưởng thế giới trong mắt công ty nước ngoài sẽ lung lay.
Cuối cùng là “tuyệt chiêu” giảm giá đồng Nhân dân tệ, giúp xuất khẩu Trung Quốc ít đắt đỏ hơn, bù đắp phần nào chi phí thuế quan. Rủi ro kèm theo là khiến dầu cùng các mặt hàng nhập khẩu tăng giá, thúc đẩy lạm phát, kích động làn sóng chuyển tiền ra nước ngoài đem đến bất ổn cho thị trường tài chính.
Cẩm Bình (theo The New York Times)