Mỹ có thể phản ứng ra sao khi Thổ Nhĩ Kỳ nhận S-400?

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:06, 15/07/2019

Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã bắt đầu nhận hệ thống phòng không S-400 bàn giao từ Nga. Nền kinh tế lớn nhất Trung Đông gần như chắc chắn sắp phải chịu trừng phạt từ Mỹ.
Những bộ phận đầu tiên của S-400 vừa đến Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Reuters

Lầu Năm Góc từ lâu đã dọa không bán F-35, đồng thời loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình sản xuất tiêm kích này. Nhưng đây không phải tất cả.

Căn cứ trình tự thì Tổng thống Donald Trump cần chọn ra ít nhất 5 trong tổng 12 biện pháp khác nhau theo Đạo luật Chống lại những đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA). Mức độ trừng phạt trải rộng từ nhẹ như chấm dứt hỗ trợ bởi ngân hàng xuất nhập khẩu cho đến nặng như ngăn chặn tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ.

Một nguồn tin giấu tên tiết lộ, chính quyền Mỹ vẫn đang cân nhắc mức độ trừng phạt cũng như thời gian công bố. Hiện có lo ngại thời gian công bố quá gần ngày kỷ niệm ba năm âm mưu đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ 15.7 – sự kiện Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tố cáo do một đối thủ chính trị của ông (sống lưu vong ở Mỹ) đứng sau sắp xếp.

Tuy nhiên vẫn còn khả năng khác. Hội kiến ông Erdogan bên lề hội nghị G20 tại Nhật Bản, Tổng thống Trump đổ lỗi cho chính quyền tiền nhiệm Barack Obama đặt điều kiện khi Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua hệ thống Patriot, làm cho giới chức Ankara quyết định chuyển sang S-400 – động thái cho thấy đương kim lãnh đạo Washington có thể không ban hành những loại trừng phạt tồi tệ nhất.

Danh sách biện pháp trừng phạt

12 biện pháp theo CAATSA bao gồm lệnh cấm giao dịch tài sản, hạn chế nợ cùng đầu tư có lợi cho bên chịu trừng phạt, ngăn chặn tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ, yêu cầu các tổ chức tài chính quốc tế (như Quỹ Tiền tệ quốc tế) không cho thực thể bị trừng phạt vay tiền, cấm ngân hàng Mỹ mở rộng khoản vay vượt quá 10 triệu USD,… Đạo luật còn cho phép xử lý người tham gia bao che giao dịch hay cấp chỉ huy của đối tượng chịu trừng phạt.

Ý tưởng nhận nhiều ủng hộ nhất hiện tại là nhắm vào một số công ty trong ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ. Trừng phạt có thể khiến những doanh nghiệp này không mua được linh kiện Mỹ hay bán sản phẩm sang Mỹ.

Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) có nhiệm vụ xác định Thổ Nhĩ Kỳ nhận bộ phận S-400 (bắt đầu từ ngày 12.7) có vi phạm CAATSA hay không. Trong lúc đó Bộ Tài chính Mỹ sẽ xem xét biện pháp trừng phạt khả dĩ và phân tích tác động khi thực thi. Chương trình cụ thể sau đó đến tay Tổng thống Trump – người nắm quyền ký ban hành.

Bất cứ trừng phạt nào cũng đều phải đợi đến sau lúc Mỹ hủy bỏ thương vụ bán F-35. Lầu Năm Góc nhiều lần khuyến cáo S-400 đem đến nguy cơ thông tin về khả năng tàng hình của tiêm kích này rơi vào tay Nga.

Ngoài từ chối bán, chính quyền Mỹ còn có khả năng giảm dần sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào chương trình sản xuất F-35.

Nhân tố X

Quan hệ cá nhân Trump - Erdogan tốt đẹp biến Tổng thống Mỹ trở thành “nhân tố X” mà giới chức Ankara hy vọng sẽ giúp họ thoát trừng phạt khắc nghiệt, hay ít nhất trì hoãn một thời gian.

Tổng thống Trump là “nhân tố X” trong áp đặt trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: TIME

Điều này không dễ thực hiện. Cựu quan chức Nhà Trắng Juan Zarate đánh giá CAATSA khá quy tắc về hành vi cấu thành vi phạm và cách thức xử phạt.

“Vấn đề là Thổ Nhĩ Kỳ “ra tay” trước (nhận bàn giao S-400) – động thái mà Mỹ lẫn các đối tác NATO khác không hề hoan nghênh”, theo ông Zarate.

Nếu Tổng thống Trump cố miễn trừ trừng phạt với lý do an ninh quốc gia, Quốc hội Mỹ hoàn toàn có thể ra nghị quyết không tán thành đúng như CAATSA quy định.

Chủ tịch Wolfango Piccoli thuộc công ty tư vấn Teneo Intelligence nhận xét niềm tin vào ông Trump của Tổng thống Erdogan rất thiếu sót. CAATSA không cho Tổng thống Mỹ bất cứ phương thức nào tránh áp đặt trừng phạt.

Cẩm Bình (theo The Hindustan Times)