Chiêu bài cấm vận du lịch của Trung Quốc không hề hiệu quả

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:28, 06/08/2019

Lượng du khách thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc đông đảo không ít lần bị sử dụng như công cụ gây sức ép. Nhưng dù tác động kinh tế mà động thái cấm vận du lịch gây ra khá lớn, giới quan sát chỉ ra rằng chiêu bài này chẳng thể giúp giới chức Bắc Kinh đạt mục tiêu mà họ mong muốn.
Lượng du khách Trung Quốc đông đảo sụt giảm gây ra tác động kinh tế lớn - Ảnh: SCMP

Vào tuần trước, giới chức Bắc Kinh thông báo ngừng cấp giấy phép cho người dân tại 47 thành phố sang Đài Loan du lịch theo diện cá nhân kể từ ngày 1.8 với lý do “đảng Dân tiến cầm quyền không ngừng thúc đẩy hoạt động đòi độc lập, kích động tâm lý thù địch với đại lục”.

Học giả Lâm Dĩnh Hựu thuộc đại học Trung Chính (CCU) cho biết cấm vận trên là một phần trong nỗ lực gây áp lực lên Đài Loan, bên cạnh vụ điều chiến đấu cơ vượt ranh giới phân cách hai bờ hồi tháng 3 và cuộc tập trận cuối tháng 7.

“Tất cả đều cho thấy Trung Quốc thời gian gần đây thực thi chính sách cứng rắn hơn”, ông Lâm nhận định.

Đài Loan là ví dụ mới nhất cho việc giới chức Bắc Kinh dùng khách du lịch ép buộc các chính quyền khác. Theo số liệu chính thức, công dân Trung Quốc năm 2018 chi đến hơn 120 tỉ USD cho tổng cộng 149,7 triệu chuyến đi nước ngoài.

Trung Quốc 2 năm trước từng áp dụng chiêu bài tương tự với Hàn Quốc do chuyện triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo giai đoạn cuối (THAAD).

Lệnh cấm du lịch theo đoàn khiến lượng du khách Trung đến Hàn từ 8,1 triệu năm 2016 xuống còn 4,2 triệu năm 2017 - gây thiệt hại ước tính 6,24 tỉ USD. Ngay cả khi căng thẳng qua đi thì số lượng cũng chẳng thể tăng lại như trước.

Tuy nhiên, chính quyền Seoul vẫn triển khai THAAD, còn Trung Quốc làm mất lòng hàng xóm: Khảo sát năm 2017 của Viện nghiên cứu chính sách ASAN cho thấy mức độ người dân Hàn ưa Trung Quốc giảm mạnh.

Theo giáo sư Trương Bác Hội đến từ đại học Lĩnh Nam, THAAD là vấn đề an ninh quốc gia nên Hàn Quốc không thể vì tác động kinh tế từ cấm vận du lịch mà từ bỏ.

Hàn Quốc từng hứng chịu đòn cấm vận du lịch - Ảnh: Nikkei Asian Review

Palau là một nạn nhân khác. Giới chức Bắc Kinh muốn ép đảo quốc Thái Bình Dương “bỏ Đài theo Trung”, nhưng họ đến nay vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với hòn đảo tự trị.

Trong lúc chiến tranh thương mại kéo dài, Trung Quốc đầu tháng 6 năm nay ra văn bản nhắc nhở du khách nâng cao nhận thức an toàn, phản ứng một cách tích cực và phù hợp với các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ vốn đang dùng nhiều biện pháp “làm khó” khách Trung Quốc như kiểm tra xuất nhập cảnh hay phỏng vấn tại gia.

Bộ Văn hóa - Du lịch Trung Quốc trong khuyến cáo riêng kêu gọi công dân đặc biệt chú ý an toàn lúc du lịch Mỹ còn lưu ý đến các vụ xả súng, cướp của, trộm cắp thường xuyên xảy ra.

Tại Đài Loan, lượng khách du lịch đại lục vài năm qua không ngừng giảm - từ 4,2 triệu (2015) xuống 2,7 triệu (2018). Chính quyền Đài Bắc dự báo lệnh cấm du lịch diện cá nhân mới đây sẽ làm nửa cuối năm 2019 mất đi khoảng 700.000 lượt khách, gây thiệt hại hơn 890 triệu USD.

Một số nhà phân tích đánh giá giới chức Bắc Kinh đang cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan năm sau, đồng thời cũng có thể là động thái nhằm cảnh cáo hòn đảo tự trị không cho người biểu tình Hồng Kông tị nạn.

Cẩm Bình (theo SCMP)