Mỹ khiến xuất khẩu Trung Quốc vừa mới ngóc đầu đã bất ngờ đổ gục

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:37, 09/09/2019

Các nhà phân tích đã dự đoán đầy lạc quan về mức tăng 2,0% với xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 . Nhưng rốt cuộc thì chẳng những không có tăng 2% mà lại giảm đi 1% nên con số vừa được đưa ra chẳng khác gì gáo nước lạnh cho những người đang tưởng mình sắp được vào phòng xông hơi.

Xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 8 khi các chuyến hàng đến Mỹ chững lại. Điều này chỉ ra sự yếu kém của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nhấn mạnh nhu cầu cấp bách về kích thích nhiều hơn khi chiến tranh thương mại Trung-Mỹ leo thang. Bắc Kinh dự kiến ​​sẽ công bố nhiều biện pháp hỗ trợ hơn trong những tuần tới để ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế mạnh hơn khi Mỹ tăng áp lực thương mại, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất cho vay đầu tiên trong bốn năm.

Hiện tại cay đắng

Vào thứ sáu tuần trước, ngày 6.9, ngân hàng trung ương đã cắt giảm mức dự trữ yêu cầu của các ngân hàng (lần thứ 7 kể từ đầu năm 2018) để giải phóng thêm tiền cho vay. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc họp nội các với các tín hiệu cho thấy chính sách nới lỏng hơn có thể sắp xảy ra.

Xuất khẩu tháng 8 giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu hải quan cho thấy vào Chủ nhật hôm qua 8.9. Thực ra, điều đáng lo nằm ở chỗ sau khi xuất khẩu giảm 1,3% vào tháng 6, thì chỉ số này của Trung Quốc đã ngóc đầu trong tháng 7. Vì thế, các nhà phân tích đã dự đoán đầy lạc quan về mức tăng 2,0% với xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8. Nhưng rốt cuộc thì chẳng những không có tăng 2% mà lại giảm đi 1% nên con số vừa được đưa ra chẳng khác gì gáo nước lạnh cho những người đang tưởng mình sắp được vào phòng xông hơi.

Sở dĩ các nhà phân tích ban đầu lạc quan về tín hiệu xuất khẩu của Trung Quốc là họ kỳ vọng rằng việc đồng nhân dân tệ bị mất giá sẽ bù đắp một số áp lực chi phí. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ vì lo ngại hàng rào thuế quan thấp thoáng trong tương lai mà sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sớm như họ đã làm tốt trong tháng 7 hay nói nôm na là “bán chạy thuế”. Nhưng rốt cuộc thì không có làn sóng xuất khẩu ồ ạt nào xảy ra trong tháng 8 và nó lại chỉ thêm ra một điều là việc Trung Quốc làm đồng nội tệ yếu không giải quyết được bài toán kích thích xuất khẩu. Cần nhớ Trung Quốc trong tháng 8 vừa qua đã lần đầu tiên sau 11 năm neo tỷ giá 7 tệ đổi 1 USD như cách hóa giải hàng rào thuế quan của Mỹ và Washington đã coi đây là một công cụ thao túng tiền tệ.

"Xuất khẩu vẫn còn yếu ngay cả khi đồng nhân dân tệ mất giá đáng kể, cho thấy nhu cầu thấp từ bên ngoài là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến xuất khẩu (của Trung Quốc) trong năm nay", Zhang Yi, chuyên gia kinh tế tại Zhong Hai Sheng Rong Capital Management cho biết.

Nhưng phải thấy rằng con số 1% tụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc bị chi phối nhiều từ Mỹ. Trong số các đối tác thương mại lớn của mình, xuất khẩu tháng 8 của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, rơi khá mạnh nếu so với mức giảm 6,5% trong tháng 7. Nhập khẩu từ Mỹ trong tháng 8 cũng sụt giảm 22,4%. Mỹ cũng đau nhưng Trung Quốc bị thương lớn hơn.

Từ thực tế trên, nhiều nhà phân tích dự đoán tăng trưởng xuất khẩu sẽ còn chậm hơn nữa trong những tháng tới, đặc biệt khi hàng rào thuế quan của Mỹ tiếp tục được kích hoạt ở các nấc mới vào 1.10 và 15.12 tới đây.

"Va chạm thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ”, Steven Zhang, trường phòng kinh tế tại Morgan Stanley Huaxin Securities nói.

Không chỉ vậy, xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu, Hàn Quốc, Úc và các nước Đông Nam Á (ASEAN) cũng trở nên tồi tệ hơn so với tháng 7, trong khi các chuyến hàng đến Nhật Bản và Đài Loan có mức tăng trưởng tốt hơn một chút so với tháng trước nhưng không bù đắp nổi mức sụt giảm chung.

Dữ liệu Chủ nhật hôm qua cũng cho thấy hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm trong tháng thứ 4 liên tiếp kể từ tháng Tư. Nhập khẩu trong tháng 8 giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, không thay đổi so với mức giảm 5,6% của tháng 7.

Đây cũng chẳng phải là tín hiệu gì tốt cho kinh tế Trung Quốc vì nó phản ánh nhu cầu và sức mua trong nước giảm. Nói cách khác, tiêu dùng và đầu tư nội địa của Trung Quốc vẫn còn yếu mặc dù đã có hơn một năm áp dụng các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng.

Tương lai không sáng sủa

Tháng 8 đã chứng kiến ​​sự leo thang kịch tính trong cuộc chiến thương mại kéo dài cả năm. Đầu tháng 8, Washington công bố mức thuế 15% đối với một loạt các mặt hàng Trung Quốc (ban đầu là 300 tỉ USD nhưng sau đó là khoảng 125 tỉ USD do phần còn lại được lui đến 15.12) kể từ ngày 1.9. Bắc Kinh đã trả đũa bằng việc nâng thuế với 75 tỉ USD hàng Mỹ và để đồng tiền nhân dân tệ mất giá mạnh để bù đắp một phần sức ép thuế quan. Sau đó, Mỹ trả đũa tiếp bằng việc công bố nâng thuế từ 25% lên 30% với 250 tỉ USD hàng Trung Quốc từ 1.10 và áp thuế 15% với hơn 160 tỉ USD hàng Trung Quốc từ 15.12.

Trước những đòn qua lại liên tiếp, Trung Quốc và Mỹ hôm thứ năm tuần trước (5.9) đã đồng ý tổ chức các cuộc hội đàm cấp cao vào đầu tháng 10 tại Washington, cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên kể từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung tại Thượng Hải vào cuối tháng 7 thất bại.

Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ có ý định điều chỉnh các mức thuế theo kế hoạch đối với hàng hóa Trung Quốc. Những kỳ vọng của thị trường về một nền hòa bình lâu dài giữa hai nước dường như khó nắm bắt hơn bao giờ hết.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, hôm thứ sáu ngày 6.9 cho biết, Mỹ cũng muốn có kết quả "ngắn hạn" từ các cuộc trao đổi thương mại Mỹ-Trung vào tháng 9 và tháng 10 nhưng cảnh báo rằng xung đột thương mại có thể mất nhiều năm để giải quyết.

Anh Tú