Chính quyền ông Trump lần đầu viện lý do nhân quyền ở Trung Quốc để hành động

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:18, 08/10/2019

Lần đầu tiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viện dẫn vấn đề nhân quyền trong lòng Trung Quốc để đưa ra các trừng phạt với 8 công ty. Động thái này sẽ đẩy cuộc chiến kinh tế Mỹ - Trung Quốc theo một hướng mới.
Chính quyền ông Trump trừng phạt các công ty camera Trung Quốc - Ảnh: Internet

Chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm qua, ngày 7.10, đã liệt 8 công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen với cáo buộc họ có liên quan đến vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số ở Tân Cương, theo Bloomberg.

Các công ty bị liệt vào danh sách đen bao gồm hai công ty cung cấp thiết bị camera giám sát - Công ty Công nghệ kỹ thuật số Hàng Châu Hikvision và Công ty Công nghệ Chiết Giang Dahua. Đây là hai cái tên chiếm một phần ba thị trường toàn cầu về hệ thống camera giám sát.

Bên cạnh Hikvision và Dahua, các công ty bị liệt vào danh sách đen bao gồm 4 công ty về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo iFlytek, Megvii Technology, Sense Time, Yitu Technologies. Hai công ty còn lại là công ty Thông tin Hạ Môn Meiya Pico (công ty tự giới thiệu là chuyên gia về pháp y kỹ thuật số và an ninh mạng ở Trung Quốc) và công ty Yixin Science and Technology có trụ sở tại Thượng Hải, nhà cung cấp thiết bị điện tử siêu nhỏ.

Bộ Thương mại Mỹ trong một thông báo được công bố vào hôm qua đã cho biết những thực thể trên có liên quan đến hoạt động vi phạm nhân quyền tại Tân Cương, khi cung cấp các thiết bị giám sát công nghệ cao phục vụ việc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ. Các thực thể trong danh sách đen sẽ không được cấp giấy phép của chính phủ Mỹ và bị cấm làm ăn với các công ty Mỹ.

Thông báo này được công bố sau khi thị trường Mỹ đóng cửa, diễn ra cùng thời điểm mà các nhà thương lượng từ Mỹ và Trung Quốc bắt đầu chuẩn bị cho các cuộc đàm phán cấp cao tại Washington giữa tuần này.

Động thái này sẽ đẩy cuộc chiến kinh tế Mỹ - Trung Quốc theo một hướng mới, đánh dấu lần đầu tiên chính quyền của ông Trump viện dẫn nhân quyền là một lý do cho hành động. Các động thái trong quá khứ đối khi liệt các công ty vào trong danh sách đen như tập đoàn Huawei Technologies đã được thực hiện viện theo lý do dựa trên cơ sở an ninh quốc gia của Mỹ. Hay việc trừng phạt các công ty vận chuyển dầu Iran, Triều Tiên gần đây cũng là vì lệnh trừng phạt trên phạm vi quốc tế mà thôi. Còn cuộc chiến thuế quan mà tổng thống Mỹ dùng để chống lại Bắc Kinh là vì các vấn đề liên quan đến lợi ích của Mỹ để đổi lấy các biện pháp chống đánh cắp tài sản trí tuệ và kiểm soát công nghệ cũng như chính sách công nghiệp vĩ mô của Trung Quốc. Nhưng lần này, Mỹ trừng phạt 8 công ty Trung Quốc vì vấn đề nhân quyền tại Tân Cương thì là một câu chuyện khác khi nó đụng chạm đến vấn đề được Trung Quốc coi là nội bộ và không dính dáng đến Mỹ.

Còn nhớ vào hạ tuần tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra tuyên bố kêu gọi các quốc gia Trung Á nên từ chối yêu cầu của Trung Quốc trong việc buộc hồi hương các sắc dân thiểu số về Trung Quốc, nơi mà ông Pompeo cho rằng họ phải đối mặt với sự đàn áp.

Ông Pompeo nói rằng việc Bắc Kinh giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở miền tây Trung Quốc không liên quan gì đến chống khủng bố, như Trung Quốc tuyên bố. Thay vào đó, Ngoại trưởng Mỹ coi đây một nỗ lực nhằm xóa bỏ các nền văn hóa và các tôn giáo của người thiểu số. Ông Pompeo đã đưa ra ý kiến trên trong một cuộc họp với các bộ trưởng ngoại giao của 5 nước Trung Á, bao gồm: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan bên lề Đại hội đồng thường niên của Liên Hợp Quốc.

Ngay lập tức, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng đã phản ứng: “Về các vấn đề liên quan đến Tân Cương, tôi sẽ nhắc lại rằng các vấn đề Tân Cương hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và không nước ngoài nào có quyền can thiệp. Gần đây, các quan chức Mỹ đã nhiều lần chỉ trích chính sách Tân Cương của Trung Quốc bất chấp sự thật dưới cái cớ nhân quyền. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều đó.

Các vấn đề liên quan đến Tân Cương không phải là về sắc tộc, tôn giáo hay nhân quyền, mà là chống lại chủ nghĩa ly khai, bạo lực và khủng bố. Các nỗ lực chống khủng bố và chống cực đoan ở Tân Cương đã đạt được kết quả đáng chú ý và đã không có một cuộc tấn công khủng bố bạo lực nào trong ba năm qua. Các biện pháp có liên quan đã bảo vệ hiệu quả các quyền đối với sự sống, sức khỏe và sự phát triển của người dân thuộc mọi dân tộc và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp chống khủng bố quốc tế. Gần một ngàn nhà ngoại giao nước ngoài, các quan chức từ các tổ chức và nhà báo quốc tế đã đến thăm Tân Cương. Tất cả đều công nhận và hoan nghênh những nỗ lực của địa phương để đấu tranh và ngăn chặn khủng bố theo luật pháp. Chúng tôi kêu gọi Mỹ tôn trọng thực tế và sự thật đồng thời ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác dưới cái cớ nhân quyền”.

Thậm chí, trong phản ứng gay gắt, người của Bộ ngoại giao Trung Quốc còn quay sang chất vấn Mỹ rằng: “Nếu Mỹ thực sự quan tâm đến quyền con người, họ nên làm việc một cách nghiêm túc để giải quyết các vấn đề nội tại, như bạo lực súng đạn, chênh lệch thu nhập, phân biệt giới tính và an sinh xã hội. Cần hết sức coi trọng những lo ngại trong báo cáo của Cao ủy Nhân quyền và giải quyết bạo lực, giam giữ lâu dài và cản trở viện trợ nhân đạo nhắm vào người nhập cư và người tị nạn, cũng như cách ly trẻ em tị nạn khỏi gia đình họ. Cần chấm dứt hành vi vi phạm nhân quyền của người dân các quốc gia khác bằng cách áp đặt tùy hứng các biện pháp trừng phạt đơn phương”.

Thực ra, những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Tân Cương cũng không phải là chuyện gì mới mẻ. Trước đó, Thượng viện Mỹ hôm 11.9 đã thông qua một dự luật về các vấn đề nhân quyền tại Tân Cương (Trung Quốc). Dự luật có tên là “Đạo luật Chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ 2019”, yêu cầu chính phủ Mỹ tích cực gây áp lực lên Liên Hợp Quốc và các tòa án quốc tế khác phải hành động về vấn đề nhân quyền tại Tân Cương, và kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ xem xét trừng phạt các quan chức chính quyền và các cá nhân chịu trách nhiệm thành lập và duy trì các “trung tâm đào tạo” ở vùng lãnh thổ cực tây của Trung Quốc.

Nhưng việc Bộ thương mại Mỹ hưởng ứng lời kêu gọi của Thượng viện để đưa ra trừng phạt 8 công ty Trung Quốc về vấn đề Tân Cương ngay lúc này cũng là rơi vào thời điểm rất nhạy cảm. Trên Bloomberg, giới quan sát cho rằng đây là động thái lên gân của Mỹ trước vòng đàm phán thương mại thứ 13 đang cận kề. Ngoài ra, đây cũng được xem như động thái nhắc khéo của Mỹ về tình hình Hồng Kông đang có diễn biến leo thang trong các cuộc biểu tình cuối tuần qua.

Không công ty nào trong số 8 cái tên nêu trên đưa ra bình luận sau khi bị liệt vào danh sách đen. Bloomberg cho biết Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cũng chưa đưa ra bình luận. Trong khi đó, Bộ ngoại giao Trung Quốc phải đến chiều nay mới tổ chức họp báo trở lại. Phản ứng chính thức từ Bắc Kinh sẽ được chúng tôi chuyển đến sớm nhất cho độc giả.

Anh Tú