Doanh số bán mì ăn liền tăng mạnh có phải vì dân Trung Quốc siết chi tiêu?
Góc nhìn - Ngày đăng : 17:14, 07/10/2019
Từ đó, một cuộc tranh luận đã nổ ra, mang tính quan trọng vì Bắc Kinh đang dựa vào sức chi tiêu dùng của người dân để duy trì nền kinh tế nước nhà, vào lúc Trung Quốc đang có cuộc chiến thương mại với Mỹ. Nếu người tiêu dùng giảm chi tiêu thì sức tăng trưởng có giảm mạnh hơn so với dự kiến.
Doanh số bán tăng mạnh vì có mì ăn liền “cao cấp”
Giới truyền thông nhà nước Trung Quốc cực lực bác bỏ nhận định rằng người tiêu dùng đã ngưng tiêu tiền. Các cơ quan truyền thông này đều nhấn mạnh: việc phục hồi doanh số bán mì ăn liền là thành tựu của việc cải thiện một sản phẩm, doanh số bán cao hơn thật sự là một sự tăng chi tiêu dùng, vì các loại mì ăn liền có giá bán cao hơn đều đã được bán sạch.
Hồi tháng 9, Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) viết xã luận: “Sự phục hồi doanh số bán mì ăn liền và rau củ đóng gói không phải do người tiêu dùng giảm cấp độ chi tiêu, mà vì các công ty, xí nghiệp đã tranh thủ thời cơ thị trường để giúp nhân dân Trung Quốc tăng sức tiêu dùng thông qua sự đa dạng và tung ra các sản phẩm cao cấp”.
Tingyi Holding, nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất Trung Quốc, nêu trong báo cáo nửa đầu năm 2019 rằng trong năm 2018, doanh số bán tăng 3,68 % đạt 11, 5 tỉ nhân dân tệ (1,6 tỉ USD), và mức tăng này là nhờ các sản phẩm mì ăn liền “cao cấp”, với mỗi gói mì có giá bán 24 tệ. Giá này đắt hơn so với một tô mì thịt bò bán ở một số thành phố Trung Quốc.
Lãnh đạo Viện Lương thực công nghệ-khoa học Trung Quốc, ông Meng Suhe nói việc đa dạng hóa các loại mì ăn liền là một ví dụ của sự nâng cấp tiêu dùng. Theo tính toán của Viện, tổng giá trị doanh số bán của 22 nhà sản xuất mì ăn liền lớn của Trung Quốc đã đạt 51,5 tỉ tệ trong năm 2018 (tức tăng 3,3%) trong khi sản lượng tăng 0,73% đạt 34,4 tỉ gói mì.
Mì ăn liền là biểu tượng ngành công nghiệp Trung Quốc phát triển nhanh - Ảnh: Bloomberg
Doanh số bán xe con giảm phản ánh người dân đã “nhịn” tiêu tiền
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 7.10, mì ăn liền đã trở thành một sản phẩm tiêu dùng mang tính biểu tượng, đi cùng cuộc công nghiệp hóa của Trung Quốc suốt 40 năm qua. Doanh số bán tăng đáng kể cùng với việc tăng nguồn nhân công công nghiệp. Nhưng doanh số bán giảm xuống khi tầng lớp trung lưu Trung Quốc tăng lên, và họ dùng nguồn thu nhập lớn hơn vào việc mua các sản phẩm cao cấp hơn.
Sau năm 2014, lượng tiêu thụ mì ăn liền ở Hoa lục và Hồng Kông đã bắt đầu giảm, phần nào vì các khởi nghiệp giao thức ăn đã trợ giá cho các loại thức ăn “mang đi” được bán giá rẻ. Doanh số bán mì ăn liền giảm còn 38,5 tỉ gói vào năm 2016, nhưng tăng trở lại lên hơn 40 tỉ gói hồi năm 2018, tức chiếm hơn 38,8% tổng doanh số bán toàn cầu, theo Hiệp hội Mì ăn liền thế giới. Các nhà phân tích kỳ vọng doanh số bán sẽ tăng cao hơn nữa trong năm 2019.
Vì sự phổ biến và tầm quan trọng của chúng, doanh số bán mì ăn liền và xe con thường được so sánh, để đánh giá liệu người tiêu dùng Trung Quốc đang nâng mức chi tiêu - bằng cách mua sản phẩm đắt tiền, hay giảm chi tiêu - bằng cách mua các sản phẩm thay thế rẻ tiền hơn, để tiết kiệm được nhiều hơn.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất xe hơi toàn Trung Quốc, doanh số bán xe con Trung Quốc đã giảm mạnh suốt 15 tháng qua. Các nhà phân tích nói đó là một chỉ dấu của sự suy giảm trong tăng trưởng thu nhập, mức nợ cao hơn và lo ngại viễn cảnh việc làm đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu dè sẻn hơn.
Cuộc tranh luận diễn ra khi mức tăng doanh số bán lẻ tiếp tục giảm chậm trong vài tháng gần đây, nhất là doanh số bán xe giảm mạnh, theo Ủy ban Thống kê nhà nước Trung Quốc. Dù vậy, doanh số bán lẻ các loại thức ăn tăng 10,6% từ tháng 1 đến tháng 8.2019, tức cao hơn mức tổng tăng trưởng 7,5%.
Lãnh đạo ngân hàng Credit Suisse Private Banking Asia-Pacific, ông Tao Dong nêu trong 5 năm qua, doanh số bán mì ăn liền ở Trung Quốc đã tăng lên 40 tỉ gói/năm. Ông nói: “Ngành này đã có nhiều cải tiến, nhưng doanh số tăng là từ thị hiếu của người tiêu dùng, chứ không phải vì thay đổi lớn ở kích cỡ. Hiện các sản phẩm giá rẻ là những mặt hàng phổ biến. Mặt khác là doanh số bán các sản phẩm hạng sang như xe con đã giảm. Phía sau tất cả các điều này là sức tiêu dùng của người dân đã giảm”.
Tính theo đầu người, lượng tiêu dùng mì ăn liền của người Trung Quốc là 29 gói/người năm 2018, vẫn kém xa người Hàn Quốc vốn ăn 74,6 gói/người.
Bên cạnh đó, sức tăng trưởng thu nhập của người Trung Quốc lại rất đáng thất vọng. Mức tăng trưởng này đã giảm còn 6,6% trong nửa đầu năm 2019 (trong khi năm 2014 đạt mức cao nhất hơn 8%), theo Ủy ban Thống kê nhà nước Trung Quốc.
Ngay cả các gia đình có thu nhập cao, chủ yếu là nhờ đầu tư hơn là nhờ lương, cũng đã cẩn trọng hơn trong cách tiêu tiền. Công ty tư vấn Hurun Report (chuyên về tài sản và đầu tư) cho biết chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa cao cấp đã giảm 0,3% trong năm 2019, do nhu cầu đã giảm mạnh.
Lãnh đạo ngân hàng Credit Suisse Private Banking Asia-Pacific, ông Tao Dong lưu ý: “Sức tiêu dùng được dựa trên kỳ vọng nguồn thu nhập có được trong tương lai. Nhưng khi viễn cảnh thu nhập tương lai không chắc chắn thì người tiêu dùng hẳn nhiên sẽ cẩn trọng hơn, chuyển qua thắt lưng buộc bụng”.
Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)