Hoàng Chi Phong có thể là lý do khiến Trung Quốc đột ngột trở mặt với Mỹ

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 22/09/2019

Thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng với cú trở mặt trong quan hệ Mỹ - Trung mà hậu quả sẽ khiến kinh tế thế giới bị tác động mạnh.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ không giấu ý định ủng hộ nhóm Hoàng Chi Phong - Ảnh: Internet

Mọi thứ vốn diễn ra rất tốt đẹp trong việc hâm nóng quan hệ hai nước khi sáng thứ sáu, ngày 20.9, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ đã tạm thời miễn hơn 400 loại sản phẩm Trung Quốc khỏi danh sách thuế quan vốn đang bị đánh thuế 25% và dự định sẽ thành 30% vào 15.10. Đó là một thiện chí từ phía Mỹ mà trước đó, Trung Quốc có mơ cũng khó thấy và cánh cửa để tiến đến thỏa thuận thương mại giữa hai nước vào đầu tháng 10 đã mở toang.

Nhưng khi ‘hòa bình trong tầm tay’ thì đến chiều thứ sáu, mọi thứ thay đổi đột ngột. các quan chức Trung Quốc được cử sang Mỹ thảo luận về giao dịch nông sản đã hủy chuyến thăm nông dân ở Montana và Nebraska vào tuần tới mà không có lời giải thích nào. Đây vốn là chuyến thăm được lên lịch từ trước và có ý nghĩa biểu tượng cao trong việc thể hiện Trung Quốc quan tâm nông sản Mỹ.

Điều gì đã khiến Trung Quốc trở mặt ngay được người Mỹ trao món quà gỡ thuế đầy ý nghĩa như vậy? Đại sứ quán Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng từ chối đưa ra bình luận về cú hủy kèo này. Do sự việc xảy ra đúng vào cuối tuần nên chưa thể nghe thông tin chính thức được phát đi từ Bộ Ngoại giao hay Bộ thương mại Trung Quốc.

Nhưng giới quan sát tin rằng việc các quan chức Trung Quốc sang Mỹ phải hủy lịch làm việc để lên đường về nước trước thời hạn nhất định phải có chỉ thị từ Bắc Kinh. Ngay cả các quan chức đàm phán hàng đầu như Phó thủ tướng Lưu Hạc trong những vấn đề đàm phán chủ chốt vẫn không thể tự quyết mà cần xin ‘nghị quyết’ là chúng ta có thể hiểu sự phức tạp của vấn đề.

Vậy phía Trung Quốc có điều gì không hài lòng về phía Mỹ trong thời gian qua để tới mức họ bỏ lỡ cơ hội ngàn ngày có một khi Mỹ đã chịu chìa bàn tay trước? Có lẽ nó không đơn thuần là vấn đề kinh tế, thương mại vì trước đó, Trung Quốc có một loạt bước lùi nhượng bộ Mỹ như miễn và hoàn thuế với một số mặt hàng Mỹ, miễn thuế quan bổ sung đối với một số hàng hóa nông sản Mỹ, gồm cả đậu tương và thịt lợn của Mỹ.

Nhưng Hoàng Chi Phong có thể là vấn đề gai góc khiến Trung Quốc khó chịu với Mỹ. Như đã biết, nhóm Hoàng Chi Phong không chỉ tới Mỹ mà còn được mời tham gia phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ. Nhóm Hoàng Chi Phong đã nhân cơ hội lên án Trung Quốc đồng thời kêu gọi Mỹ thông Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông năm 2019. Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi còn tổ chức một cuộc họp báo với sự hiện diện của nhóm Hoàng Chi Phong, Hà Vận Thi và đưa ra tuyên bố ủng hộ Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông năm 2019.

Cho dù nhánh hành pháp của Mỹ chưa tiếp xúc với nhóm của Hoàng Chi Phong hay có động thái nào thể hiện thái độ nhưng việc cả lưỡng viện bên nhánh lập pháp đón tiếp Hoàng Chi Phong long trọng như vậy cũng đủ khiến các nhân vật cứng rắn tại Bắc Kinh nóng mặt.

Có thể những người kỹ trị như ông Lưu Hạc sẵn sàng đặt vấn đề Hoàng Chi Phong và các vấn đề chính trị sang một bên để tìm kiếm thỏa thuận thương mại. (Theo lời của tổng thống Mỹ, chính ông Lưu Hạc là người chủ động xuống nước đề nghị Mỹ khoan áp thêm thuế vào 1.10 vì đó là ngày quốc khánh Trung Quốc). Tuy nhiên, nhóm những nhân vật chủ chiến, xuất thân dính líu từ quân đội Trung Quốc, đang lên tiếng thể hiện thái độ cứng rắn. Họ cho rằng một thỏa thuận thương mại là không cần thiết với lập luận Trung Quốc có thể kháng chiến trường kỳ và khiến Mỹ phải tung cờ trắng trước. Việc các quan chức đi đàm phán vừa phải bỏ lịch, trở về nước sớm là dấu hiệu cho thấy phe cứng rắn tại Bắc Kinh đang thắng thế.

Còn nhớ vào thượng tuần tháng 9, Hoàng Chi Phong đã có mặt tại Đức và mới nhận được sự ủng hộ từ một số nghị sĩ, chỉ tham gia một hội nghị do một tờ báo tổ chức quan hệ Đức - Trung rạn nứt sâu sắc. Người của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận quan hệ Trung-Đức chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi sự cố này và Trung Quốc phải phản ứng mạnh mẽ dù trước đó ít ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa đi thăm Trung Quốc với nhiều cam kết.

Lần tới Mỹ vừa qua, nhóm của Hoàng Chi Phong còn oai phong hơn cả lần tới Đức khi họ được cả lưỡng viện Mỹ chào đón và rục rịch bỏ phiếu Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông năm 2019 mà nhóm Hoàng Chi Phong kêu gọi.

Chưa hết, Các ủy ban quốc hội Mỹ sẽ bắt đầu bỏ phiếu vào tuần tới về Dự luật Nhân quyền và Dân chủ của Hồng Kông năm 2019, với các biện pháp được xem xét bao gồm đánh giá hằng năm về tình trạng kinh tế đặc biệt của Hồng Kông và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những người làm suy yếu quyền tự trị của đặc khu này.

Lãnh đạo của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cho biết ủy ban này đã lên lịch - tranh luận và bỏ phiếu - với dự luật vào tuần tới. Nhiều khả năng nó ​​sẽ được thông qua và nó sẽ được đưa ra bỏ phiếu ở thượng viện. Một phát ngôn viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết ủy ban này cũng đang nghiên cứu vấn đề này, đồng thời hy vọng sẽ kịp lên lịch bỏ phiểu vào tuần tới.

Dự luật sau khi vượt qua cả hai viện của Quốc hội thì sẽ được đệ trình lên Tổng thống Donald Trump để ký trước khi chính thức trở thành luật.

Cứ mỗi lần bỏ phiếu về Dự luật này ở từng khâu từng cấp những ngày tới thì không khác gì cứa qua cứa lại vào vết thương trong lòng Trung Quốc khi họ đang chuẩn bị đại lễ 70 năm thành lập nước CHND Trung Hoa. Như vậy, với quan hệ Mỹ - Trung vừa lên da non mà cứ bị cứa qua, cứa lại thì sao tránh nổi cảnh rỉ máu, khó chịu.

Trung Quốc thấy bị uy hiếp khi Quốc hội Mỹ họp báo ủng hộ nhóm Hoàng Chi Phong

Anh Tú