Những lựa chọn của Triều Tiên nếu Mỹ không thay đổi lập trường
Góc nhìn - Ngày đăng : 17:20, 09/12/2019
Đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ - Triều hiện bị đình trệ bất chấp hai năm nỗ lực và ba cuộc gặp thượng đỉnh. Đến nay vẫn chưa có nhiều thông tin về hướng đi mới mà ông Kim sắp chọn lựa, truyền thông nước này gần đây đều chỉ tập trung cảnh báo thời hạn đang đến gần.
Giảng viên đại học Leiden (Hà Lan) Christopher Green nhận định: “Khả năng tình hình trở nên căng thẳng là rất lớn nhưng mọi chuyện còn tùy thuộc vào các sự kiện diễn ra từ đây đến cuối năm. Cuộc họp của giới lãnh đạo đảng Lao động Triều Tiên sắp tới có thể xác định phải tái tập trung nguồn lực cho phát triển quân sự cần thực hiện một vụ phóng vệ tinh trong năm 2020. Tuy vậy, nếu đàm phán chuyển biến họ cũng có thể tìm cớ bỏ đi lời đe dọa”.
Còn theo chuyên gia Jenny Town thuộc tổ chức nghiên cứu 38 North: “Sẽ chẳng đáng ngạc nhiên nếu có một vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hay vệ tinh, thậm chí ngay trước hạn chót cuối năm. Nhưng quá khiêu khích đem lại nguy cơ mất đi sự ủng hộ từ Nga và Trung Quốc, từ đó gây ảnh hưởng mục tiêu phát triển kinh tế. Do đó, Triều Tiên có thể vẫn cân nhắc “lằn ranh đỏ” của chính quyền Moscow cùng Bắc Kinh, tránh thực hiện những động thái như thử vũ khí hạt nhân nhằm duy trì quan hệ hợp tác”.
Cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Cho Tae-yong chỉ rõ ba lựa chọn khả dĩ: thử hạt nhân, thử tên lửa, khiêu khích cách thông thường.
“Thử hạt nhân hoặc ICBM rủi ro rất cao vì làm vậy khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể khoe khoang nay chẳng còn vụ thử lớn nữa. Một trong hai hành động này sẽ buộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra thêm nghị quyết trừng phạt, nhận phải phản ứng dữ dội từ Trung Quốc. Cách thông thường như khiêu khích quân sự Hàn Quốc ở Hoàng Hải lại chẳng đụng chạm đến nhà lãnh đạo Washington hay quốc gia khác. Vì vậy chính quyền Bình Nhưỡng nhiều khả năng chọn thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) hay tên lửa tầm xa che giấu dưới dạng phóng vệ tinh”, cựu phó cố vấn Cho phân tích.
Cựu quan chức ngoại giao Mỹ từng phụ trách vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Evans Revere cũng dự đoán: “Dù không thể loại bỏ hoàn toàn kịch bản Triều Tiên thử hạt nhân hoặc ICBM, nhưng hành động như vậy rất khiêu khích đối với Mỹ. Tôi cho rằng họ sẽ phóng vệ tinh hoặc IRBM về phía Nhật Bản, vào phía bắc Thái Bình Dương”.
Giáo sư Artyom Lukin thuộc đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok cho biết: “Tôi còn nhớ cuộc đối thoại vào tháng 6 năm ngoái với một quan chức Triều Tiên sang thăm. Người này hỏi Nga sẽ làm gì nếu Triều Tiên không được Mỹ nới lỏng trừng phạt nên quyết định hành động cứng rắn, tôi trả lời rằng Nga sẽ phản ứng theo cách Trung Quốc phản ứng. Vấn đề là Trung Quốc có chấp thuận để Triều Tiên quay lại đường lối thù địch Mỹ hay không. Chúng ta chẳng thể nào biết, tuy nhiên giới chức Bắc Kinh có lẽ không ngại cho phép nhà lãnh đạo Kim thực hiện một vụ phóng tên lửa tầm xa. Thử tên lửa thì không được”.
Nhà phân tích Rachel Minyoung Lee của đài NK News nhận định ông Kim chuẩn bị ra lệnh tạm đình chỉ quyết định ngừng thử hạt nhân và ICBM sau đó ngay lập tức tiến hành thử vũ khí. Bắt đầu sẽ là tên lửa tầm trung, vệ tinh, SLBM rồi leo thang hơn nữa trong năm sau.
Cẩm Bình (theo Reuters)