Mỹ không tin số liệu Trung Quốc đâu phải chỉ từ Vũ Hán
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:23, 16/02/2020
Nhà Trắng trong tuần này cho biết, họ không có sự tin tưởng cao đối với thông tin từ Trung Quốc, liên quan đến số lượng các trường hợp nhiễm Covid-19, một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ nói với CNBC. Trong khi đó, Trung Quốc đã miễn cưỡng chấp nhận sự giúp đỡ từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.
Không tin từ thời Đại nhảy vọt
Sự nghi ngờ của Mỹ đối với số liệu Trung Quốc xuất phát từ những năm 1950, khi chính quyền Mao Trạch Đông đặt ra kế hoạch sản xuất không tưởng khiến các quan chức địa phương thổi phồng dữ liệu. Các chuyên gia cho biết, những rủi ro với dịch SARS bùng phát năm 2003 đã làm 8.098 người mắc bệnh, khoảng 800 người tử vong trong 9 tháng, và sự khác biệt trong báo cáo dữ liệu kinh tế trong hai thập kỷ qua chỉ càng làm cho chính phủ Mỹ tin rằng Trung Quốc không thể tin tưởng được. Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro thậm chí đã gọi Trung Quốc là vườn ươm bệnh dịch.
Kể từ khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán, loại virus mới này đã lây lan từ khoảng 300 người vào giữa tháng 1 đến gần 70.000 người hiện giờ - với số lượng ca mắc mới tăng lên hàng nghìn người mỗi ngày. Các quan chức y tế thế giới cho biết phản ứng của Trung Quốc đối với virus này đã có sự cải thiện so với các đợt bùng phát dịch trong quá khứ.
Trung Quốc đã minh bạch hơn, các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá. Theo WHO, các nhà chức trách y tế Trung Quốc đã nhanh chóng phân lập trình tự di truyền của virus và chia sẻ nó trên cơ sở dữ liệu công cộng trong vài tuần, giúp cho các nhà khoa học có cơ hội phân tích kịp thời.
Nhưng những lời khen ngợi từ WHO đã không khiến các quan chức hàng đầu của Mỹ ngưng chỉ trích việc xử lý ổ dịch của Trung Quốc. Hôm thứ Năm, cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, nói với các phóng viên rằng, Mỹ khá thất vọng với Trung Quốc vì thiếu minh bạch.
Niềm tin sứt mẻ từ thời dịch SARS
Theo Yanzhong Huang, nhà nghiên cứu y tế công cộng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Seton Hall, cho biết, sự hoài nghi đối với các cuộc khủng hoảng liên quan đến sức khỏe cộng đồng của Trung Quốc bắt nguồn từ năm 2003.
Vào thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc cố gắng che đậy sự bùng phát của Hội chứng hô hấp cấp tính nặng, thường được gọi là SARS. Dịch khi ấy nhanh chóng lan rộng đến hơn hai chục quốc gia và khiến các quan chức y tế thế giới phải tuyên bố nó là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu.
Theo ông Huang, sự quản lý kém và sự chậm trễ từ Bắc Kinh đã bị các nhà lãnh đạo thế giới đổ lỗi cho sự lây lan nhanh chóng của căn bệnh do loại virus giống như cúm, gây ra các triệu chứng như sốt, ho, ói, ớn lạnh và mệt mỏi chưa từng thấy trước đây.
Trường hợp sớm nhất của virus SARS được cho là đã xuất hiện vào tháng 11.2002. Các nhà chức trách y tế Trung Quốc đã được cảnh báo về căn bệnh hô hấp bí ẩn vào giữa tháng 12, nhưng phải mất thêm vài tháng sau, căn bệnh này mới được công bố.
Khi các quan chức y tế báo cáo vào ngày 11.2.2003, đã có hơn 300 trường hợp nhiễm SARS ở tỉnh Quảng Đông, nơi dịch bệnh bắt đầu. Các quan chức cũng thừa nhận rằng không có thuốc hiệu quả để điều trị bệnh và dịch bệnh chỉ được ngăn chặn tạm thời.
Chỉ khi ấy, lãnh đạo Trung Quốc mới thực hiện các bước chủ động, bao gồm làm việc với WHO và các quan chức khác để ngăn chặn dịch bệnh, Huang nói. Nhưng sự việc chậm thông báo ngay từ đầu sau đó đã gây cho cộng đồng những lo lắng, sợ hãi và suy đoán lan rộng.
Ông Huang nói chắc chắn có những điểm tương đồng giữa với phản ứng SARS và với Covid-19 dù nói thêm rằng phản ứng của Trung Quốc lần này đã tốt hơn rất nhiều so với trước đó.
Mất niềm tin từ hoài nghi thao túng tiền tệ
Khi chính quyền Trump chính thức coi Trung Quốc là một kẻ thao túng tiền tệ vào tháng 8 năm ngoái, điều này đã nhận được sự ủng hộ từ các chính trị gia của cả lưỡng đảng Mỹ.
“Trung Quốc đã thao túng tiền tệ khá lâu từ trước và cả sau khi Tổng thống Trump nhậm chức”, Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer (đảng Dân chủ) nói vào thời điểm đó. “Sau cùng, ông Trump nên nhắc Bộ trưởng Tài chính việc đóng nhãn Trung Quốc là một kẻ thao túng tiền tệ. Đó là tất cả những gì ông ấy cần làm để biến nó thành hiện thực”.
Chỉ có một ít bằng chứng để ủng hộ quan điểm cho rằng Trung Quốc đã thao túng tiền tệ trong những năm gần đây, David Dollar, thành viên cao cấp tại Trung tâm John L. Thornton Trung Quốc tại Viện Brookings, chuyên về hệ thống kinh tế Trung Quốc, cho biết. "Nhưng quay lại khoảng năm 2005, 2006, thật xác đáng khi nói rằng Trung Quốc đang can thiệp để giữ tiền tệ ở mức thấp, ông nói. Trong lịch sử, họ đã đáp ứng định nghĩa về người thao túng tiền tệ 15 năm trước".
Mỹ đã dán nhãn Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ trước khi đưa họ ra khỏi danh sách vào tháng 1, thời điểm hai nước chuẩn bị ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Tuy nhiên, Dollar nói rõ ràng rằng Trung Quốc trong lịch sử đã gắng làm suy yếu đồng nhân dân tệ để duy trì lợi thế thương mại với Mỹ và các quốc gia khác. Theo Dollar, chuyện này cũng như các tranh chấp khác liên quan đến thương mại đã gây mất lòng tin giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mất niềm tin vì dữ liệu GDP không ổn
Khi nói đến các biện pháp kinh tế nội bộ, ngay cả các quan chức Trung Quốc cũng phải học cách để tin tưởng vào dữ liệu. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường năm 2007 đã gọi dữ liệu GDP của các tỉnh là do con người tạo ra. Những bình luận đó bị rò rỉ và giờ Mỹ gọi là các chỉ số đáng tin cậy của Trung Quốc như thế là chỉ số Lý Khắc Cường.
Chỉ số Lý Khắc Cường là một con số được các nhà kinh tế sử dụng để kiểm tra các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc, như tiêu thụ điện, hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt và số tiền cho vay được giải ngân. Ông Lý Khắc Cường nói với các quan chức Mỹ rằng những con số này chính xác hơn dữ liệu GDP của tỉnh do các quan chức địa phương cung cấp dưới áp lực làm tăng số lượng cho đẹp.
Thomas Rawski, giáo sư kinh tế và lịch sử tại Đại học Pittsburgh, nơi nghiên cứu tập trung vào phát triển nền kinh tế hiện đại của Trung Quốc, cho biết: “Khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp, và chúng ta thấy điều này ở cả cấp quốc gia và cấp tỉnh, họ công bố dữ liệu cho thấy mọi thứ tốt hơn so với chính họ có. Do vậy, dù nỗ lực hết mình cũng không dễ để đo lường một nền kinh tế lớn như vậy. Trên hết, cũng có những câu hỏi về việc liệu có cần quan tâm đến việc báo cáo con số chính xác hay không”.
Rawski đã quan sát sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào khoảng năm 1997, đó là khi ông bắt đầu thấy dữ liệu xa rời thực tế. Ông đã xuất bản một bài báo vào năm 2001 rằng tuyên bố dữ liệu về sản lượng sản xuất là không phù hợp với các số liệu cơ bản về tiêu thụ điện.
Trong dịch bệnh lần này, Rawski nghĩ nó hoàn toàn giống như các vấn đề về GDP. “Trong cả hai trường hợp, có rất nhiều vấn đề kỹ thuật cũng như những gì tôi gọi là vấn đề xác thực. Và có câu hỏi về động lực của những người thu thập và báo cáo dữ liệu ở tất cả các cấp, và bạn phải tự hỏi liệu có khuyến khích trong việc bóp méo. Tôi nghĩ rằng câu trả lời rõ ràng là có”.
Trung Quốc khẳng định minh bạch thông tin
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters tại Berlin (Đức) hôm 14.2, Ngoại trưởng Trung Quốc bác bỏ cáo buộc cho rằng Trung Quốc không đủ minh bạch khi dịch Covid-19 bùng phát trong bối cảnh Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc và Bí thư Thành ủy Vũ Hán bị cách chức trong tuần này.
“Ngay từ đầu chúng tôi đã cởi mở và minh bạch trong cung cấp thông tin cho cộng đồng quốc tế, để cùng hợp tác đối phó với dịch bệnh", Ngoại trưởng Trung Quốc nói, lưu ý số ca nhiễm Covid-19 được báo cáo bên ngoài Trung Quốc chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng số trường hợp trên toàn cầu.
Nhà ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định: “Chúng tôi không chỉ đang bảo vệ cuộc sống, sự an toàn và sức khỏe của công dân Trung Quốc, mà còn đóng góp cho sức khỏe người dân trên toàn thế giới. Điều đó đáng được ghi nhận”.
“Chỉ có dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, chúng ta mới có thể kiểm soát được dịch bệnh bất ngờ này. Điều này không chỉ để bảo vệ sức khỏe của người dân Trung Quốc, mà còn ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh này trên thế giới. Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp quan trọng nhất, nghiêm ngặt và quyết đoán nhất để chống lại dịch bệnh”, ông Vương nói.
Anh Tú (theo CNBC)