Trung Quốc gặt hái được gì khi hỗ trợ các nước chống COVID-19?
Góc nhìn - Ngày đăng : 13:37, 23/03/2020
Nhân vật này còn nói Trung Quốc có khả năng đáp ứng mọi đề nghị của các nước cần giúp, nhất là các nước có hệ thống y tế công yếu kém cực độ, và đây là “cơ hội sửa sai”, tức những sai sót của Trung Quốc khi chống dịch giai đoạn đầu.
Còn theo hãng tin AP, đó là nỗ lực mới nhằm phát đi hình ảnh Trung Quốc là một quốc gia hành động kiên quyết để đặt đại dịch COVID-19 vào tầm kiểm soát, để thoát khỏi sự phê phán Bắc Kinh đã có những phản ứng sai lầm trong lúc đầu chống dịch.
Tử việc tỏ ra thân thiện...
Giới truyền thông nhà nướcTrung Quốc hiện đang rầm rộ đưa tin về việc chở vô số khẩu trang, quạt máy cũng như cử chuyên gia y tế - gồm các bác sĩ, nhà khoa học và các nhà dịch tễ học - ra nước ngoài để chia sẻ kinh nghiệm Trung Quốc chống dịch đạt thắng lợi.
Giáo sư Julian Ku thuộc khoa luật ở Đại học Hofstra (New York, Mỹ) nói: “Trung Quốc hy vọng hưởng lợi từ việc phương Tây nhận thức được rằng khó kiểm soát được dịch. Những thất bại của chính phủ Trung Quốc sẽ được xem nhẹ đi khi các chính phủ khác cũng thất bại trong việc đối phó hiệu quả”.
Chuyên gia y tế Trung Quốc đến Ý giúp chống dịch COVID-19 - Ảnh: AP
Trung Quốc đã mau mắn cử chuyên viên và phương tiện qua Ý, và ngày 16.3, ông Tập đã nói chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte, khẳng định Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Ý để đóng góp vào mối quan hệ hợp tác chống dịch COVID-19, và xây dựng một “Con Đường Tơ lụa Sức khỏe”, đồng thời tin tưởng hai nước sẽ tăng cường quan hệ tin cậy lẫn nhau và hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Ý là quốc gia duy nhất trong khối 7G (7 nước kinh tế phát triển nhất thế giới) tham gia dự án cơ sở hạ tầng Một Vành Đai Một Con Đường (BRI) hồi năm 2019. BRI do ông Tập phát động gồm xây cảng, sân bay, đường sá và các dự án giao thông kết nối các châu Á-Âu-Phi theo mô hình Con đường Tơ lụa nổi tiếng trong thế kỷ 21.
Trung Quốc cũng đã tặng 20 triệu USD cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) như một phần đóng góp chống dịch COVID-19. Trung Quốc cũng chở các bộ trang phục bảo hộ và bao tay đến Liberia, 100.000 bộ xét nghiệm đến Philippines, đưa chuyên gia y tế đến Ý, Iran, Iraq, chở trang phục bảo hộ và phương tiện đến Lào, Pakistan, đồng thời hứa ‘‘làm mọi điều có thể” để hỗ trợ y tế cho Cuba, Ai Cập, Belarus, Ethiopia, Chile…
Hơn 10 chuyến bay của Trung Quốc cũng đã chở hàng triệu khẩu trang và các sản phẩm cơ bản đến Cộng hòa Czech. Bộ trưởng Nội vụ Jan Hamacek của Czech nói Trung Quốc là “quốc gia duy nhất có thể hỗ trợ lớn đến thế cho châu Âu”.
Ông Daniel Russell, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ cấp cao, nay làm việc ở Viện nghiên cứu Chính sách Xã hội châu Á (ở Mỹ) nói: “Không phải là tình cờ khi ông Tập Cận Bình gởi lời chia buồn và gởi tặng khẩu trang N95 cho những quốc gia đã thể hiện một sự sẵn sàng thân thiện với Trung Quốc”.
Ngoại trưởng Pháp đã xác nhận Trung Quốc có gởi trả lại các thiết bị y tế do Pháp chuyển qua giúp chống dịch. Ngày 16.3, một máy bay chở theo 1 triệu khẩu trang từ Trung Quốc đã đến Pháp, như một cách cảm ơn.
gười phát ngôn Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Đạo đức truyền thống của Trung Quốc là đền ơn đáp nghĩa bằng lòng tốt to lớn hơn”, và ông trích một câu thơ của Khổng Tử: “Mộc đào người tặng ném sang - Quỳnh dao ngọc đẹp mang ra đáp người - Phải đâu báo đáp vậy thôi - Để cùng tốt đẹp đời đời kết giao”.
...đến tranh thủ cơ hội quảng bá
Trong cuộc nói chuyện với Thủ tướng Abiy Ahmed của Ethiopia hồi tháng 2, ông Tập hứa Trung Quốc cấp phương tiện y tế gồm bộ kit xét nghiệm cho các nước châu Phi, và giúp tạo một hệ thống kiểm soát - phòng dịch cho toàn châu lục này.
Ông Matt Ferchen, trưởng nhánh nghiên cứu Trung Quốc của Viện nghiên cứu Trung Hoa Mercator (ở Đức) nói Trung Quốc đã trải qua sự tệ hại nhất của COVID-19 ở trong nước, và Bắc Kinh đang tung chương trình tuyên truyền để tự quảng bá là “nhà đóng góp hào phóng cho lợi ích công cộng toàn cầu” trong cuộc chiến chống dịch.
Ông còn nói Trung Quốc xem BRI là một diễn đàn tự nhiên để trải rộng nỗ lực ngoại giao, nhất là ở các nước đang phát triển : “Đấy không là điều bất ngờ, nhưng BRI chính là biểu tượng một nỗ lực do Trung Quốc dẫn đầu để quảng bá lợi ích của sự kết nối, trong khi COVID-19 vạch ra những nguy cơ và yếu điểm của sự kết nối cấp toàn cầu”.
Ông Bàng Trung Anh, một chuyên gia đối ngoại ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nói tính bền vững của BRI đang bị đe dọa khi đã có sự nghi ngờ BRI ở các nước Đông Nam Á, trong khi COVID-19 đã “gây rối loạn cho các dự án BRI, dây chuyền cung ứng toàn cầu và tính kết nối”.
Ông cho rằng quan hệ hợp tác chống dịch đang tốt, và sau dịch này, Trung Quốc và các nước đối tác cần bàn khả năng mở rộng BRI sang mảng y tế công, với ưu tiên là nâng cấp hệ thống y tế công ở các nước châu Phi và Đông Nam Á.
Bà Tôn Vân, một nhà nghiên cứu và là chủ nhiệm chương trình Trung Quốc ở Trung tâm Stimson (một tổ chức nghiên cứu ở Washington) nói cuộc chiến chống dịch COVID-19 của thế giới quan trọng hơn chuyện ai là đối tác BRI. Bà còn nói Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ y tế cho các nước dù họ tham gia BRI hay không.
Nhà nghiên cứu nói: “Trung Quốc có chuyên môn vô đối và có kinh nghiệm để chia sẻ. Tôi cho rằng khi nào còn kiểm soát được tình hình trong nước, Trung Quốc sẽ đóng góp tất cả khả năng có được. Trong ý nghĩa đó, COVID-19 là cơ hội vàng để Trung Quốc thể hiện tinh thần trách nhiệm và vai trò lãnh đạo”.
Mỹ Trinh (theo AP, SCMP)