Giá dầu giảm là tin tốt cho hầu hết quốc gia châu Á
Góc nhìn - Ngày đăng : 23:10, 16/03/2020
Tính bất ổn đã tăng lên, tác động qua lại giữa dịch bệnh với giá dầu vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên chiến lược gia Patrik Schowitz thuộc hãng quản lý tài sản JP Morgan nhận định dưới góc nhìn kinh tế thì giá dầu thấp là điều tích cực trong trung hạn: giúp hạ chi phí nhập khẩu, có tác dụng như cắt giảm thuế cho doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Chi phí nhập khẩu hạ cải thiện cán cân thanh toán, qua đó kích thích kinh tế tăng trưởng. Trung Quốc với tư cách nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới sẽ tiết kiệm được không ít; Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan cũng hưởng lợi.
Nhưng lợi ích không lớn vì nhu cầu dầu suy yếu bởi COVID-19. Giao thông, du lịch tại châu Á thì thiệt hại nặng nề. Nhu cầu từ nhà xuất khẩu cũng chịu ảnh hưởng bởi giá dầu thấp.
Ngân hàng trung ương nhiều nước phản ứng rất nhanh với cú sốc kép dịch bệnh - giá dầu, Trung Quốc luôn đi đầu trong cắt giảm lãi suất. Bên ngoài châu Á, tiên phong chính là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Áp lực thiểu phát từ giá dầu thấp tạo cơ hội cho các ngân hàng trung ương châu Á tiếp tục nới lỏng chính sách. Ngân hàng trung ương Ấn Độ cần làm điều này. Kể từ dịch bệnh bùng phát đến nay vẫn chưa hạ lãi suất điều hành, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hiện đã ở mức 7%.
Không như các nhà nhập khẩu, cán cân tài chính của hai nhà xuất khẩu dầu Malaysia và Indonesia chịu sức ép từ giá dầu thấp nên bị giới hạn khả năng kích thích kinh tế hơn nữa.
Theo chiến lược gia Schowitz, nửa đầu năm 2020 sẽ chứng kiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm mạnh, sau đó là phục hồi kinh tế trong cuối năm. Như vậy kinh tế toàn cầu năm nay vẫn có thể kết thúc một cách tiêu cực dù hơi khiêm tốn.
Cẩm Bình (theo SCMP)