Dịch COVID-19 phủ bóng đen lên mối quan hệ Trung - Mỹ
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:48, 16/03/2020
Trước khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc và Mỹ đã khóa chặt mâu thuẫn với hàng loạt vấn đề nóng bỏng, như chiến tranh thương mại, Biển Đông, Đài Loan, Tân Cương, Hồng Kông và số phận của tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei.
Đại dịch COVID-19 lần này đã tạo ra một cơ hội hiếm có để hai nước gác lại những bất động và ngồi lại với nhau cùng hợp tác cải thiện mối quan hệ vốn đang rất “trắc trở” này. Trớ trêu thay, không bên nào có vẻ quan tâm đến việc này. Các trao đổi chính thức bị đình chỉ, du lịch và liên kết văn hóa bị hạn chế hoặc bị phá vỡ trong bối cảnh căng thẳng và sự mất niềm tin giữa hai cường quốc ngày càng gia tăng.
Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hứa sẽ hợp tác cùng nhau chống lại sự bùng phát của coronavirus trong cuộc điện đàm hồi đầu tháng 2, nhưng hầu hết các nhà quan sát nghi ngờ rằng chưa có bất kỳ cơ hội thực sự nào về điều này.
Sự ngờ vực đó được minh chứng ngay sau khi Mỹ hồi cuối tháng 1 đã tiến hành những biện pháp đầu tiên nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus bằng việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng, khuyến cáo công dân nước này tránh đi tới Trung Quốc, đồng thời cấm nhập cảnh đối với những người từng đến Trung Quốc.
Trong những tuần tiếp theo, hơn 60 quốc gia đã áp đặt một số hình thức hạn chế đi lại đối với Trung Quốc và khoảng 20 nước đã sơ tán công dân của họ khỏi Vũ Hán - tâm chấn của dịch COVID-19. Nhưng Bắc Kinh dường như đặc biệt chỉ nổi giận với mỗi mình Mỹ.
Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc hôm 24.2 đã khuyến cáo người dân không nên đến Mỹ do phản ứng dữ dội của người Mỹ đối coronavirus, dẫn đến tình trạng đối xử không công bằng với khách du lịch Trung Quốc, cộng thêm những bất ổn không xác định đối với an ninh nội địa tại Mỹ.
Tuy có vẻ đây là một phản ứng trực tiếp đối với hành động tương tự của Washington gần một tháng trước, các chuyên gia và nhà quan sát cho biết động thái của Bắc Kinh chủ yếu mang động cơ chính trị và có thể không có nhiều tác động tới những hạn chế đi lại đã được áp dụng trước đó.
Thêm vào đó, nhiều quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc cũng cáo buộc những biện pháp trên của Washington là phản ứng “thái quá”, "thiếu thiện chí", gieo rắc nỗi sợ hãi thay vì đưa ra bất kỳ sự trợ giúp đáng kể nào giữa lúc nước này đang phải gồng mình chiến đấu với sự lây lan của coronavirus.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho đến nay đã không chỉ trích đích danh Trung Quốc, và ông luôn dành những lời có cánh đối với những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc đối phó với COVID-19. Nhưng không vì thế mà các quan chức hàng đầu trong chính quyền của ông, có những bình luận tương tự. Họ đã trực tiếp đổ lỗi cho Bắc Kinh vì “ném thế giới vào hỗn loạn”.
Chẳng hạn, sau khi Trung Quốc trì hoãn lời đề nghị giúp đỡ của Nhà Trắng trong cuộc chiến coronavirus trong nhiều tuần, các quan chức cấp cao, bao gồm cả Larry Kudlow, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, đã bày tỏ sự thất vọng về việc Bắc Kinh thiếu minh bạch trong kiểm soát dịch bệnh và hợp tác quốc tế.
Với các dấu hiệu của coronavirus hiện được đẩy lùi ở Trung Quốc, Bắc Kinh dường như đang muốn lấy lại danh tiếng toàn cầu vốn đã bị tổn hạn kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát và đặc biệt nhạy cảm về những bình luận “không tốt” liên quan tới công tác phòng dịch của nước này.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng gay gắt khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhiều lần gọi coronavirus là "virus Vũ Hán" vì cho rằng thuật ngữ này "mang tính thù ghét" và "thiếu tôn trọng khoa học". Và sau khi Cố vấn Nhà Trắng Robert O’Brien nói Trung Quốc phản ứng chậm chạp trong những ngày đầu COVID-19, khiến thế giới mất đi hai tháng để chuẩn bị ứng phó với dịch, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có những bình luận đáp trả quyết liệt.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 12.3 nói rằng, những lời lẽ "vô đạo đức và vô trách nhiệm" của một số quan chức sẽ không giúp ích gì cho nỗ lực chống dịch của Mỹ, đồng thời hy vọng những người này hãy tập trung sức lực vào việc ứng phó với coronavirus và thúc đẩy hợp tác thay vì đổ lỗi cho Trung Quốc.
Trong khi đó, Triệu Lập Kiên, một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì lại cho rằng, quân đội Mỹ có thể đã mang coronavirus đến thành phố Vũ Hán của Trung Quốc nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh cho cáo buộc gây sốc của mình. Động thái này đã buộc Bộ Ngoại giao Mỹ triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Bắc Kinh Thôi Thiên Khải để trao công hàm phản đối.
Tháng trước, Trung Quốc đã trục xuất 3 phóng viên của tờ báoWall Street Journal có trụ sở tại New York (Mỹ) vì một bài viết đăng tải hôm 3.2 bình luận về công tác phòng chống COVID-19 của Trung Quốc mà chính quyền Bắc Kinh cho rằng "mang tính hạ thấp Trung Quốc, và phân biệt chủng tộc".
Đáp lại, Washington đã áp đặt quy định hạn chế nhà báo Trung Quốc. Theo đó, tổng số các phóng viên Trung Quốc thường trú tại Mỹ của các hãng tin thuộc quản lý bởi nhà nước Trung Quốc sẽ bị giới hạn ở mức 100 người, giảm 60 người so với hiện nay.
Trong một bài bình luận đăng trên tạp chí National Review, Bruno Macaes, cựu Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Bồ Đào Nha và là thành viên cao cấp không thường trú tại Học viện Hudson, cho biết đại dịch coronavirus đã mở ra một chiến trường mới cho sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo ông Macaes, thay vì cạnh tranh trong nền tảng thông thường, quen thuộc của hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu, các mối đe dọa mới như biến đổi khí hậu và đại dịch đang thay đổi cục diện quyền lực địa chính trị bằng cách phơi bày sự yếu kém của các hệ thống và giá trị chính trị phương Tây và đưa Trung Quốc vượt lên trên.
"Hiện tại Mỹ phải đối mặt với một mối đe dọa tinh vi và nguy hiểm hơn nhiều so với những nguy cơ từ năng lực sản xuất của Trung Quốc hoặc các công nghệ kỹ thuật số quan trọng. Dịch COVID-19 đã buộc Mỹ phải cạnh tranh với Trung Quốc trên nền tảng trung lập”, ông Macaes khẳng định.
Trang Nhung (theo SCMP)