Ghi điểm từ đại dịch, Đài Loan trở thành điểm gai góc trong quan hệ Mỹ - Trung

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:14, 05/05/2020

Rất nhiều nơi trên thế giới dường như đã “nổi lên” từ đại dịch với vị thế mạnh hơn trước, Đài Loan là một trong số đó. Theo các nhà quan sát, điều này được xem là sự bất lợi đối với Bắc Kinh.
Nhân viên y tế đang phun thuốc khử trùng tại một trường đại học ở Đài Loan hôm 17.4 - Ảnh: Getty

Do sự gần gũi về mặt địa lý với Trung Quốc đại lục cùng sự trao đổi thường xuyên của người dân hai bờ eo biển, Đài Loan đã được dự đoán là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19.

Đài Loan đã phải đơn độc chống đỡ đại dịch mà không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ chính thức nào từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay các tổ chức quốc tế khác. Đây là hậu quả của áp lực lâu dài từ phía Bắc Kinh lên quốc tế, nhằm cô lập hòn đảo có nền dân chủ vốn luôn bị chính quyền Trung Quốc đại lục tuyên bố là một phần “lãnh thổ không thể tách rời”, cũng như bảo lưu phương án vũ lực nhằm thống nhất hai bờ eo biển.

Trong nhiều tuần đầu, Đài Loan phải chật vật để sơ tán người dân khỏi tâm dịch Vũ Hán trong khi Bắc Kinh không chấp nhận những đề nghị cơ bản như cho phép nhân viên y tế Đài Loan được bay tới Vũ Hán để hỗ trợ.

Cũng trong khoảng thời gian đó, bất chấp đại dịch COVID-19 hoành hành, Trung Quốc vẫn tiếp tục gây áp lực quân sự khi nhiều lần triển khai máy bay ném bom và máy bay chiến đấu bay vòng quanh Đài Loan hoặc thực hiện các cuộc tập trận gần hòn đảo.

Bất chấp những rào cản đó, Đài Loan được xem là nơi dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống lại coronavirus. Hòn đảo ghi nhận tổng cộng khoảng 400 ca nhiễm bệnh và 6 người tử vong trên tổng số 23 triệu dân.

Nhờ có phản ứng nhanh trong việc xử lý coronavirus cùng sự minh bạch trong việc thông báo tình hình, truy dấu hiệu quả tiếp xúc của người nhiễm và khuyến cáo công chúng sử dụng khẩu trang ở những nơi công cộng, Đài Loan dường như đã kiểm soát được đại dịch. Thành công ban đầu của Đài Loan đã giành được sự công nhận từ ít nhất 35 quốc gia, những nơi đã xin lời khuyên và muốn hợp tác với hòn đảo.

Theo Bloomberg, sự cởi mở của Đài Loan được phương Tây coi là tương phản với cáo buộc thiếu minh bạch khi dịch bệnh mới bùng phát cũng như các chiến lược ngoại giao sau đó ở bên kia eo biển.

Mỹ tích cực ủng hộ Đài Loan khiến căng thẳng Washington - Bắc Kinh leo thang

Trong khi chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch về thông tin trong đại dịch COVID-19, Mỹ đã không ngừng ca ngợi sự thành công của Đài Loan trong các nỗ lực ứng phó với đại dịch nhằm tạo ra sự đối lập rõ ràng giữa hai bờ eo biển.

Mới đây, Mỹ đã thể hiện sự đồng thuận qua cuộc điện đàm thảo luận với Đài Loan về vấn đề COVID-19.Ông Kharis Templeman, cố vấn Dự án về Đài Loan trong khu vực Ấn Độ Dương tại học viện Hoover, thuộc trường Đại học Stanford (Mỹ), nhận định: “Mặc dù vị thế địa chính trị của Trung Quốc về tổng thể khó có sự thay đổi lớn, nhưng vị thế của Đài Loan đã được nâng lên nhờ vào thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh. Do đó, chắc chắn thiện cảm của các nước đối với Đài Loan đã tăng lên”.

Đáng chú ý, Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu phát động chiến dịch chia sẻ từ khóa #TweetforTaiwan vào hôm 1.5 để kêu gọi sự ủng hộ cho việc khôi phục tư cách quan sát viên của Đài Loan tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đài Loan từng là quan sát viên từ năm 2009 đến năm 2016, cho đến khi Bắc Kinh gây áp lực nhằm loại bỏ vị trí này.

Văn phòng các vấn đề quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 2.5 cũng bày tỏ rằng Đài Loan nên có vị trí để cùng các quốc gia thảo luận về COVID-19 và các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu khác. Các động thái của Washington tích cực thúc đẩy vị thế quốc tế của Đài Loan, một vấn đề vốn nhạy cảm nhất trong quan hệ giữa Mỹ - Trung, được cho là một tín hiệu cho thấy mối quan hệ giữa hai bên khả năng cao trong giai đoạn hậu COVID-19 sẽ không còn như trước và đang có dấu hiệu xấu đi.

Một cuộc điện đàm hồi tuần trước giữa người đứng đầu Cơ quan Y tế Đài Loan và quan chức y tế hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump đã khiến Trung Quốc tức giận. Bắc Kinh yêu cầu Washington “ngay lập tức sửa lỗi, ngừng lợi dụng bối cảnh đại dịch để thao túng vấn đề Đài Loan và dừng liên lạc chính thức với Đài Loan”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng thúc giục “phía Mỹ tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc”.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đã cáo buộc Washington "cố gắng làm chệch hướng chỉ trích trong nước về cách thức xử lý COVID-19" sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ phát động một chiến dịch kêu gọi đưa Đài Loan giành lại tư cách quan sát viên của WHO.

Phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 2.5 cho rằng, Mỹ đang tham gia vào chiêu trò chính trị, bằng cách ủng hộ Đài Loan tham dự cuộc họp Đại hội đồng Y tế (WHA, cơ quan điều hành tối cao của WHO) trực tuyến từ ngày 17.5. “Chúng tôi mạnh mẽ phản đối các hành động can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Mỹ đang cố gắng chuyển hướng chỉ trích trong nước về các cách thức đối phó dịch chưa phù hợp”, phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc cho hay.

“Những hành động thao túng chính trị của Mỹ về một vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc sẽ đầu độc bầu không khí hợp tác của các quốc gia thành viên vào thời điểm cần sự đoàn kết nhất. Những hành động của Washington là vô ích và không thể đánh lừa cộng đồng quốc tế”, người phát ngôn của phái đoàn Trung Quốc tại LHQ cho hay.

Hiện tại, Đài Loan đang nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng quốc tế không chỉ nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh mà còn vì hòn đảo này đã cam kết vận chuyển hàng triệu khẩu trang y tế tới châu Âu, Mỹ và một vài đồng minh ngoại giao khác trên thế giới. Đài Loan cũng tổ chức hội thảo trực tuyến với các nước như Ấn Độ, Philippines để thảo luận về COVID-19, theo ông Wang Ting-yu, một nhà lập pháp trong đảng của bà Thái và là thành viên Ủy ban Đối ngoại và Quân sự quốc gia Đài Loan.

Nhưng chỉ là nhất thời?

Phương pháp tiếp cận chống coronavirus thành công của Đài Loan do Trung tâm Theo dõi Sức khỏe Quốc gia triển khai. Biện pháp này bao gồm sự kết hợp giữa việc chủ động xét nghiệm với việc sử dụng các công nghệ xử lý dữ liệu mới bao gồm sàng lọc sớm các chuyến bay, xác định và ngăn chặn nhanh các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm. Tích hợp cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế với dữ liệu nhập cư, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định về kiểm dịch bằng cách theo dõi qua điện thoại di động. Chính quyền hòn đảo đã nhanh chóng áp dụng hơn 120 biện pháp y tế cộng đồng khác nhau.

Nhà phân tích Rupert Hammond-Chambers, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn Bower Group Asia và là chủ tịch của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Đài Loan, nhận định, “nghịch cảnh” của Đài Loan đã giúp họ củng cố cách thức phản ứng trước đại dịch.

“Đài Loan đang đứng ở vị thế cao chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên về lâu dài, sức mạnh tài chính và các chiến lược chính trị mạnh tay của Trung Quốc sẽ làm giảm thiểu phần lớn ảnh hưởng tích cực mà Đài Loan đã gây dựng được với các quốc gia khác”, ông Chambers cho hay.

Graeme Smith, học giả tại Đại học Quốc gia Úc, người đang nghiên cứu về ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực châu Á, nhận xét rằng đại dịch COVID-19 đóng vai trò là “bàn đạp lý tưởng” trong chiến dịch lâu dài của Đài Loan nhằm đạt được sự công nhận về mặt ngoại giao.

Trong khi đó, bà Shelley Rigger, giáo sư Khoa học chính trị tại trường Davidson, đồng thời là tác giả cuốn sách “Why Taiwan Matters: Small Island, Global Powerhouse” (tạm dịch Vì sao Đài Loan lại là vấn đề: Hòn đảo nhỏ nhưng có ảnh hưởng toàn cầu) nói rằng: “Quyền phủ quyết của Trung Quốc trong nhiều tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục khiến cho Đài Loan phải đứng ngoài quan sát”.

Tuy nhiên, những tiếng nói tích cực mà Đài Loan đạt được sẽ có tầm ảnh hưởng nhất định. “Điều đó thực sự có ý nghĩa bởi vì nếu mọi thứ trở nên tồi tệ thì Đài Loan sẽ vẫn được hưởng lợi từ vị thế và hình ảnh tích cực của mình”, bà Rigger nhận định.

Hoàng Vũ (theo Bloomberg)