Đài tiếng nói Hoa Kỳ ca ngợi ‘Pho'nomenal Việt Nam’ trên đà phục hồi kinh tế

Góc nhìn - Ngày đăng : 18:39, 03/06/2020

Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) vừa có bài viết trong mục Đông Á - Thái Bình Dương với tựa đề: Vietnam Economy's Virus Recovery Touted as 'Pho-nomenal'. Tạm dịch là: Nền kinh tế Việt Nam phục hồi khỏi vi-rút được ví như 'Pho-nomenal'. Một Thế Giới xin dịch lại bài viết này.
Việt Nam phục hồi lại các hoạt động xã hội - Ảnh: Internet

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã mỉm cười vào Chủ nhật (31.5) trong chuyến đi thăm một khu công nghiệp, nơi ông thăm hỏi công nhân, con em họ và ca ngợi các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy. Chuyến đi thể hiện một phần của việc Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế sau khi kiểm soát thành công dịch bệnh COVID-19.

Tin xấu ở nơi khác lại là tin tốt với một số trường hợp, giống như Việt Nam, nơi không có ca nhiễm mới trong cộng đồng suốt hơn 40 ngày. Họ mở cửa trở lại và giành lợi thế so với các nền kinh tế khác. Ngân hàng HSBC gọi đó là Pho nomenal Việt Nam trong một báo cáo tuần trước, đồng thời đánh giá đây là nền kinh tế duy nhất trong khu vực sẽ tăng trưởng vào năm 2020. (Pho nomenal là cách chơi chữ của từ Phở hay viết không dấu là Pho vốn được coi là biểu tượng của Việt Nam với từ Phenomenal có nghĩa là hiện tượng)

Devendra Joshi và Herald van der Linde, hai chiến lược gia về vốn của HSBC nhận xét: “Chúng tôi nghĩ rằng những cơn gió ngược chiều do COVID-19 và căng thẳng thương mại tạo ra, vốn đang làm tổn thương rất nhiều nền kinh tế khác, lại đang biến thành cơn gió thuận chiều cho Việt Nam".

Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ là một ví dụ về tin tức bất lợi cho một số người, chẳng hạn như người tiêu dùng đang trả giá cao hơn vì hàng rào thuế quan. Trong bối cảnh đó, cuộc chiến thương mại đã đẩy các công ty chuyển từ Trung Quốc đến Việt Nam.

Việt Nam cũng không tránh khỏi tác động xấu từ vi-rút, khiến các trường học và công ty phải đóng cửa hàng tuần hoặc hàng tháng và dẫn đến nền kinh tế trong quý I chỉ tăng 3,8%, tỷ lệ thấp nhất trong một thập kỷ qua.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đại dịch COVID là một lý do nữa để các công ty chuyển đến Việt Nam. Tình trạng khẩn cấp đã dẫn đến các chuyến bay bị hủy và biên giới đóng cửa, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều đó khiến các công ty lo lắng rằng họ quá phụ thuộc vào đơn vị cung ứng duy nhất. Vì vậy, họ phải thúc đẩy đa dạng hóa có nghĩa là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ nhiều hơn.

Thực hiện giãn cách xã hội

Theo Devendra Joshi và Herald van der Linde, hiệu ứng COVID-19 và gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ thúc đẩy quá trình các công ty đánh giá lại chuỗi cung ứng của họ.

Nền kinh tế đã mở cửa từng bước kể từ khi Việt Nam dỡ bỏ lệnh cách ly trên toàn quốc vào giữa tháng 4. Mọi người đã trở lại học tập và làm việc với các biện pháp phòng tránh lây lan mới, từ các cửa hàng cà phê có chỗ ngồi cách xa nhau, đến các cửa hàng dán băng dính đánh dấu trên vỉa hè để tạo giãn cách cho người xếp hàng.

Các công ty đã điều chỉnh sau thời COVID, trong đó có Ford Việt Nam. Công ty này đã phải thêm các bước để khử trùng xe ô tô khi được bán hoặc sửa chữa, chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt và triển khai tư vấn bán hàng từ xa. Ông Phạm Văn Dũng, tổng giám đốc Ford Việt Nam cho biết: Đại dịch COVID-19 mang đến một thời gian đầy thách thức và bất ổn cho các cá nhân, doanh nghiệp và cả các quốc gia trên toàn cầu" nhưng công ty cam kết giữ an toàn cho nhân viên, đại lý, khách hàng và đối tác đầu tiên.

Cơ hội khởi nghiệp

Trong khi COVID-19 đã mang lại thuận lợi cho các ứng dụng gặp gỡ trực tuyến và dụng cụ tập luyện tại nhà, một số công ty khởi nghiệp ở Việt Nam cũng có cơ hội. Công ty Vibeji có trụ sở tại TP.HCM phát triển nền tảng giúp mọi người kiếm tiền bằng cách cung cấp dịch vụ, thường là qua video, từ xem bói bài Tây đến dạy người khác cách làm bìa sách. Công ty cho biết đây là thời điểm tốt để thực hiện giãn cách xã hội và làm việc từ xa. Ông Tri Lecao, giám đốc điều hành của Vibeji nói: “Tất cả chúng ta nên đóng một vai trò trong thời gian khó khăn này. Làm việc linh hoạt và dịch vụ trực tuyến là một phần của giải pháp".

Các công ty ở Việt Nam cũng cảnh giác với khả năng vi-rút có thể quay trở lại. Herbert Laubichler-Pichler, tổng giám đốc của Alma Resort, cho biết: Trong ngành khách sạn, các công ty không nên chỉ dừng ở việc đưa gel khử trùng tay cho khách hàng. Ông kêu gọi mọi người nên thận trọng hơn và nhận thức được hành vi rủi ro đang diễn ra, chẳng hạn như các quán ăn để lại lọ gia vị cho tất cả mọi người dùng chung. Laubichler-Pichler nói: “Chúng ta không thể quay lại hành động như đã làm trước đây, như thể không có gì xảy ra. Chúng ta không muốn đánh rơi tất cả những thành quả tuyệt vời đã đạt được ở Việt Nam cho đến nay”.

Anh Tú (dịch từ VOA)

Chiều 31.5 nhân dịp Tháng Công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm, gặp gỡ, tặng quà cho công nhân, người lao động của Công ty Điện tử Foster tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh; đến khu nhà trọ, thăm, động viên gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Cùng đi với Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành.

Đại diện Công đoàn Công ty Foster khẳng định luôn quan tâm, bảo đảm quyền lợi công nhân. Thời gian qua, công đoàn đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như phát khẩu trang, khai báo y tế cho công nhân, lắp vách ngăn tại khu vực nhà ăn, tổ chức họp trực tuyến. Chia sẻ với Thủ tướng, công nhân công ty đều đánh giá cao các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ, qua đó đã đẩy lùi được dịch bệnh cũng như có các gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người gặp khó khăn.

Ghi nhận ý kiến của các công nhân, người lao động, Thủ tướng cho biết chúng ta đã đẩy lùi dịch bệnh, sản xuất kinh doanh trở lại hoạt động bình thường. Thủ tướng đánh giá cao Công ty Foster, với hàng ngàn lao động, đã thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa triển khai nhiều biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, không ngừng trệ chuỗi sản xuất. Trong lúc khó khăn, công ty quan tâm bảo đảm đời sống công nhân. Thủ tướng đề nghị công ty không chủ quan trước dịch bệnh, đồng thời mong muốn các doanh nghiệp tận dụng thời cơ phát triển sản xuất khi chúng ta sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Nhân dịp này, Thủ tướng đã đến thăm, tìm hiểu đời sống công nhân tại khu nhà trọ tại thôn Doi Sóc, xã Phù Chẩn, Từ Sơn. Tại đây, Thủ tướng đã nói chuyện, động viên, tặng quà gia đình anh Trần Ngọc Hoàn, 36 tuổi, hiện là công nhân Công ty Sagawa với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng. Vợ anh là công nhân tại Công ty Foster với mức lương 7-9 triệu đồng/tháng. Anh chị có 2 con, con đầu 11 tuổi, mắc bệnh tự kỷ thể đặc biệt.

Nhân dịp này, Thủ tướng đã tặng quà một số gia đình tại khu nhà trọ, tặng quà cho các cháu thiếu nhi trong thôn nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6. Thủ tướng đề nghị chủ khu nhà trợ quan tâm chia sẻ khó khăn với người công nhân.

Theo VGP News