Trung Quốc đang suy tính gì ‘cho kịch bản xấu nhất' hậu COVID-19?
Góc nhìn - Ngày đăng : 19:16, 26/05/2020
Theo SCMP, phát biểu trước hàng chục cố vấn kinh tế hàng đầu tại Bắc Kinh cuối tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc đang theo đuổi kế hoạch phát triển mới, trong đó "lưu thông nội địa đóng vai trò chủ đạo".
"Về tương lai, chúng ta phải coi nhu cầu trong nước là điểm khởi đầu và nền tảng chắc chắn khi chúng ta đẩy nhanh xây dựng hệ thống tiêu thụ nội địa hoàn chỉnh và thúc đẩy mạnh mẽ sự đổi mới trong khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác", ông Tập tuyên bố hôm 23.5.
Bình luận của Chủ tịch Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang tiến tới từ bỏ chiến lược "lưu thông quốc tế lớn" vốn được áp dụng vào những năm 1990, đã giúp thúc đẩy tăng trưởng và đưa Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Hu Xingdou, một nhà kinh tế độc lập tại Viện Công nghệ Bắc Kinh nhận định việc Trung Quốc thay đổi chiến lược kinh tế nhằm chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất, bao gồm tách rời với Mỹ và thậm chí với toàn bộ thế giới phương Tây.
Ông Hu cho biết Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài đối mặt với nghịch cảnh, nhưng cảnh báo Bắc Kinh không thể phá hủy cải cách thị trường cũng như không thể quay lại bản chất khép kín của nền kinh tế trong đó chính quyền trung ương đưa ra toàn bộ quyết định. Thay vào đó, Trung Quốc nên dành nhiều nỗ lực hơn để thuyết phục phần còn lại của thế giới rằng họ không có ý định xây dựng mô hình kinh tế khác với hệ thống toàn cầu hiện tại.
Theo chiến lược định hướng xuất khẩu trước đó, chính sách của chính phủ Trung Quốc được dịch theo nghĩa đen của tiếng Trung là "vào to ra lớn", Trung Quốc tự xác định là liên kết sản xuất trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách nhập linh kiện và sau đó tái xuất khẩu thành phẩm cho thị trường tiêu dùng.
Mô hình này đã cho thấy hiệu quả sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 và giúp nước này trở thành công xưởng của thế giới. Tuy nhiên, hệ thống này ngày càng mất đi sức hút trong những năm gần đây trong bối cảnh Trung Quốc đang cố gắng để tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Diễn biến này cùng với việc bùng phát chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cạnh tranh công nghệ và sự phân mảnh dự kiến của nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch COVID-19, đã khuyến khích Bắc Kinh tìm kiếm sự tự chủ hơn trong tương lai.
Bài phát biểu của ông Tập hôm 23.5 đưa ra phản ánh những thực tế rõ ràng nhất từ trước đến nay liên quan tới suy tính của lãnh đạo Trung Quốc trong chiến lược kinh tế nhằm đáp trả các mối đe dọa tách riêng khỏi Mỹ.
Theo ông Tập, Trung Quốc đang đối mặt với những luồng gió bất lợi từ thế giới bên ngoài, bao gồm suy thoái kinh tế toàn cầu, gián đoạn thương mại và đầu tư quốc tế, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương tràn lan kéo theo rủi ro về địa chính trị. "Bây giờ chúng ta phải cố gắng phát triển trong một thế giới bất ổn hơn và luôn biến động", Chủ tịch Tập nói.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng kêu gọi Bắc Kinh tự chủ hơn về công nghệ và thị trường, đặc biệt hướng trọng tâm thúc đẩy các ngành kinh tế kỹ thuật số, sản xuất thông minh, khoa học đời sống - y tế và các vật liệu mới.
“Trung Quốc sẽ đứng về lẽ phải của lịch sử để khẳng định chủ nghĩa đa phương và không tự đóng cửa với thế giới bên ngoài. Trung Quốc cũng sẽ kiên quyết tiến lên song hành với tiến trình toàn cầu hóa theo hướng cởi mở và công bằng", ông Tập nói.
Những bình luận mới nhất của ông Tập đã lặp lại bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ hồi năm 2017, khi ông cũng thúc đẩy toàn cầu hóa. Vào thời điểm đó, bài phát biểu được xem là lời “khiển trách công khai” đối với Tổng thống Mỹ mới nhậm chức Donald Trump.
Nhà kinh tế học Trung Quốc tại Ngân hàng ANZ, ông Raymond Yeung cho biết thay đổi chiến lược của Trung Quốc xuất phát từ lo ngại nhu cầu bên ngoài sẽ không phục hồi trong 2 hoặc 3 năm tới. "Đây là hướng chuyển đổi kinh tế. Câu hỏi đặt ra là họ sẽ thực hiện điều đó như thế nào?", Yeung nói.
Hoàng Vũ (theo SCMP)