Đạt thương vụ khí tài đầu tiên với Serbia, vũ khí Trung Quốc đang vươn tới châu Âu?

Góc nhìn - Ngày đăng : 17:47, 09/07/2020

Serbia đã nhận được một lô hàng máy bay không người lái và tên lửa do Trung Quốc sản xuất, thỏa thuận vũ khí đầu tiên của Bắc Kinh với một quốc gia châu Âu khi công nghệ quân sự của nước này ngày càng tiến bộ và vấp phải nhiều lo ngại từ phương Tây.
Tổng thống Serbia Alexanderar Vucic đứng cạnh chiếc máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất hôm 4.7 - Ảnh: EPA

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Serbia cho biết 6 máy bay không người lái CH-92A và 18 tên lửa không đối đất FT-8C của Trung Quốc đã được chuyển giao cho Lực lượng vũ trang Serbia để tăng cường khả năng trinh sát.

“Đây là các công cụ tác chiến hiện đại. Chúng tôi từng chưa đủ khả năng để đạt được điều này trước đây khi không có cơ hội cạnh tranh với các nước tối tân hơn. Bây giờ, chúng tôi đang bắt đầu, và điều quan trọng là chúng tôi đã đồng ý chuyển giao công nghệ với phía Trung Quốc, để các khí tài của chúng tôi cũng có thể dần dần được đưa vào hệ thống của Lực lượng Vũ trang Serbia”, Tổng thống Serbia Alexanderar Vucic nói khi ông tới thanh sát một căn cứ không quân ở Batajnica, gần Belgrade, hôm 4.7.

Theo SCMP, giá trị của thỏa thuận với Trung Quốc chưa được nêu rõ, nhưng nhà lãnh đạo Serbia cho biết những vũ khí này không phải là loại đắt tiền và đất nước của ông sẽ mua thêm.

Máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất đã được gửi tới châu Phi, Trung Đông và nước láng giềng Pakistan, nhưng đây là lần đầu tiên chúng được bán cho một quốc gia châu Âu.

Quốc gia Balkan này, nơi bị NATO (liên minh quân sự dựa trên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) ném bom nặng nề trong cuộc chiến Kosovo năm 1999 và đang đẩy mạnh tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU), đang tìm cách tăng cường quan hệ với Trung Quốc bất chấp sự “không bằng lòng” từ nhiều quốc gia thành viên EU.

Giáo sư chính trị quốc tế của trường Vrije Universiteit Brussel (Bỉ), ông Jonathan Holslag, cho biết thỏa thuận này cho thấy việc Serbia đang "tìm kiếm các quốc gia láng giềng trong khu vực châu Âu như những đối tác thay thế" và "việc mua vũ khí từ Trung Quốc cũng là một tuyên bố chính trị".

Chính quyền Belgrade và Bắc Kinh đã xích lại gần nhau trong lúc đại dịch COVID-19 hoành hành. Trung Quốc gửi viện trợ y tế và bác sĩ tới Serbia vào tháng 3 để giúp nước này giải quyết cuộc khủng hoảng y tế.

Vào thời điểm đó, Tổng thống Serbia Alexanderar Vucic đã đề cập đến một "tình bạn son sắt" với Bắc Kinh, nhưng ông cũng nói rằng Serbia sẽ không chọn giữa Trung Quốc, EU - đối tác thương mại chính, hoặc Nga - một đồng minh tự nhiên.

Song Zhongping, chuyên gia quân sự tại Hồng Kông cho biết Serbia đang cố gắng cân bằng mối quan hệ với EU, Trung Quốc và Nga và đó có thể là một yếu tố trong thỏa thuận vũ khí với Trung Quốc.

"Không có nhiều sự can thiệp chính trị từ phương Tây, vì Serbia không phải là thành viên của EU hay NATO cũng như có mối quan hệ tương đối trung lập với Mỹ. Tuy nhiên, quá sớm để kết luận rằng Trung Quốc lúc này đã tiếp cận được thị trường vũ khí ở châu Âu".

Ngoài ra, thỏa thuận này cũng làm sáng tỏ việc Trung Quốc đang tăng cường phát triển công nghệ quân sự - đặc biệt là các hệ thống không người lái – lĩnh vực họ đang nổi lên trên thế giới.

Cả máy bay không người lái và tên lửa đều được phát triển bởi Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC). Các máy bay không người lái CH-92A là máy bay ở độ cao vừa phục vụ hoạt động trinh sát và các chiến dịch tấn công với tầm giám sát 250km (155 dặm). Loại máy bay này có thể mang hai tên lửa, bao gồm tên lửa FT-8C có thể nhắm trúng mục tiêu trong bán kính 9km (5,6 dặm).

Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, với một mức giá tương đối thấp, máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất thường được bán cho các quốc gia có ngân sách quốc phòng thấp, và loạt sản phẩm Wing Loong và Caihong (CH) của Bắc Kinh đã trở thành một mặt hàng xuất khẩu phổ biến, đặc biệt là cho các quốc gia ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Một trong những máy bay không người lái mới nhất của Trung Quốc là mẫu Caihong 5 (CH-5) có khả năng tấn công. Đây là loại máy bay không người lái khác do CASC chế tạo, dự kiến ​​sẽ cạnh tranh với American Reaper của Mỹ và Israel Heron TP của Israel.

Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc hiện đang sản xuất một số máy bay không người lái của mình bên ngoài Trung Quốc, tại các cơ sở ở Ả Rập Saudi, Pakistan và Myanmar, cũng là trung tâm cung cấp và dịch vụ cho các đối tác trong khu vực.

Các nhà xuất khẩu vũ khí Mỹ và Phương Tây vốn coi Trung Quốc là một mối đe dọa thương mại ngày càng gia tăng. So với một thập kỷ trước, Trung Quốc nay đã chễm chệ xuất hiện trên thị trường, cung cấp thiết bị chất lượng tốt. Tương tự như ví dụ về UAV, Trung Quốc sẵn sàng nhảy vào các thị trường được cho là quá nhạy cảm đối với nhiều nhà sản xuất phương Tây, hoặc chính phủ của họ. Trung Quốc hiện được cho là nhà sản xuất vũ khí lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ nhưng trước cả Nga, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm.

Tất nhiên, vai trò ngày càng tăng như một nguồn vũ khí tinh vi của Trung Quốc là điều đáng lo ngại cho nhiều quốc gia chứ không chỉ các nước láng giềng. Do đó, những nỗ lực xuất khẩu vũ khí của Băc Kinh đã gặp phải sự phản đối từ phương Tây. Năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy đơn đặt hàng trị giá 4 tỷ USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc sau áp lực mạnh mẽ từ Washington và NATO.

Hoàng Vũ (theo SCMP)