Kỳ 27: Ba đoạn văn viết về một "cái bẫy chết người"
Hồ sơ - Ngày đăng : 08:15, 26/07/2014
“- Tôi không qua khỏi được rồi, tất cả dựa vào ông !
Chu nói ngay: “Sức khỏe của Chủ tịch không có vấn đề lớn, vẫn phải dựa vào Chủ tịch. Mao lắc đầu:
- Hỏng rồi, tôi không qua được nữa rồi. Sau khi tôi chết, mọi việc do ông lo liệu !
Giang Thanh đứng bên trợn tròn mắt, hai tay nắm chặt… Chu Ân Lai thu đôi chân lại, tay đặt trên đầu gối, hơi ngả về phía trước, như đông cứng lại. Những câu nói trên của Mao rõ ràng là muốn trao cho Chu quyền quản lý đảng, chính quyền và quân đội, mà lại nói trước mặt Giang Thanh. Mao tiếp:
- Quyết định thế nhé, các người thực hiện đi !
Một con người được tôi luyện về chính trị như Chu Ân Lai tất nhiên không nhẹ dạ tin vào lời hứa trao quyền của Mao” - theo Tân Tử Lăng.
Trước mắt Chu Ân Lai, cái lưới của thần chết giăng lơ lửng trên bầu trời Trung Nam Hải rồi chụp xuống thân phận của Lưu Thiếu Kỳ và Lâm Bưu ngày nào còn đó. Họ làm Phó Chủ tịch đảng, được Mao chọn kế vị, lại ghi rõ vào điều lệ đảng hẳn hoi, nhưng kết thúc chẳng ra gì. Để hiểu thêm nước cờ chính trị lắc léo của Mao Trạch Đông từng đưa Lưu Thiếu Kỳ và Lâm Bưu “qua sông tử thần”, lại mưu đẩy Chu Ân Lai vào hiểm địa, chúng tôi trích dưới đây ba đoạn văn của Tân Tử Lăng đúc kết và soi sáng sự kiện để bạn đọc tham khảo:
1. Với Lưu Thiếu Kỳ: “Khi chân lý trong tay, Mao có thể bao dung các đối thủ, đoàn kết với cả phe phản đối. Nhưng thường khi Mao đuối lý, phát hiện mình sai rồi, thì ông ta không thể bao dung phái phản đối, mà quyết tâm đẩy họ vào chỗ chết, để trừ hậu họa - đó là lý do vì sao Mao tàn bạo đến tận cùng đối với những người bạn cũ như Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài”.
Mao Trạch Đông che đậy rất kỹ mưu toan đưa Giang Thanh kế tục mình và “Lâm Bưu chỉ là cầu thủ “chuyền 2” giành được bóng từ tay Lưu Thiếu Kỳ là hoàn thành nhiệm vụ. Lâm Bưu không thấy rõ điều này, không hộ giá để thiết lập vương triều họ Mao, mà chỉ lăm le kế tục, lập tức trở thành trở ngại lớn ngăn cản Mao Trạch Đông thiết lập thể chế gia đình trị. Mao bắt đầu cuộc đấu tranh nhằm lật người kế tục thứ hai này (hậu quả như đã thấy)”.
3. Với Chu Ân Lai: “Nếu Mao Trạch Đông thật sự muốn trao quyền, Mao phải triệu tập cuộc họp Ban chấp hành trung ương, ít nhất là Bộ Chính trị, tuyên bố trước mọi người, rồi Trung ương ra nghị quyết tương ứng, mới có giá trị. Đóng kịch trên giường bệnh, trước mặt Giang Thanh, lão Mao già dặn kinh nghiệm muốn gì?” (còn nữa)
Giao Hưởng