Kỳ 26: Chu Ân Lai - ngợi ca và rào cản
Hồ sơ - Ngày đăng : 15:27, 25/07/2014
“Chu Ân Lai rất am hiểu lịch sử”. Có một lần, Chu Ân Lai nhắc đến cái chết:
- Nhiều thay đổi khác có thể bất thần xảy ra. Chẳng hạn nếu tôi chết đột ngột do một cơn đau tim thì ngài sẽ phải giải quyết công việc với một đối tác khác. Chính vì thế mà chúng tôi đã gắng sức giúp ngài gặp gỡ được nhiều người…
Lần khác, tình cờ Chu buột miệng “tiên tri” về tương lai của Nixon: “Ngài là người khởi xướng (sự kiện ngoại giao Trung – Mỹ 1972). Có thể ngài sẽ không còn ở đấy nữa (cương vị tổng thống) để nhìn thấy kết quả của công trình, nhưng tôi chắc chắn sẽ có vinh dự được đón tiếp cuộc trở lại của ngài”. Những gì xảy ra các năm tiếp sau chứng tỏ đã “ứng” với lời Chu nói trước: Nixon thôi làm tổng thống Mỹ và được mời sang Bắc Kinh lần nữa “Tôi (Nixon) tiếc rằng Chu không thể sống được lâu hơn để tôi có thể gặp lại ông khi tôi trở lại Trung Quốc tháng 2.1976” (Richard Nixon, sđd. Tr.713).
Sách báo Trung Quốc ngày nay khi đề cập đến những đàm thoại giữa Nixon và Chu Ân Lai tháng 2.1972 đã phân tích và ghi nhận tài ngoại giao của Chu. Đánh giá chung: “Chu Ân Lai là nhà lãnh đạo, tổ chức và quản lý kinh tế kiệt xuất”. Hồi ký của vệ sĩ Trần Trường Giang – người có mặt thường xuyên bên cạnh Mao Trạch Đông – viết: “Từ đầu tới cuối sự kiện 13.9.1971 (vụ Lâm Bưu mưu sát hụt Mao Trạch Đông và chạy ra nước ngoài), Chu Ân Lai ngày đêm gánh vác việc đảng, việc quân và việc nước. Trong hoàn cảnh cả thể chất và tinh thần Mao Chủ tịch bị tổn thương, thủ tướng dốc hết tâm sức ra tổ chức, chỉ huy mọi mặt, cố gắng giảm đến mức thấp nhất có thể những tổn hại mà tập doàn Lâm Bưu gây ra”. Lùi về quá khứ, Tân Tử Lăng nhận định:
- “Thủ tướng Chu Ân Lai là người có tài kinh bang tế thế (…) ông chủ trương tôn trọng các quy luật kinh tế, lượng sức mà làm, cân bằng tổng hợp, vững bước đi lên được các Phó thủ tướng Trần Vân, Lý Tiên Niệm, Bạc Nhất Ba… ủng hộ.” Chính vì Chu Ân Lai và bộ máy chính quyền do ông lãnh đạo làm việc có hiệu quả như thế, và cũng do họ thực hiện những quyết sách “phù hợp với quy luật kinh tế khách quan”, nên Mao Trạch Đông thấy Chu là trở ngại lớn đối với giai đoạn đầu phát động phong trào Đại nhảy vọt mang “đặc điểm làm liều” (bước bừa tới đạp lên quy luật). Để gạt “hòn đá cản đường”, Mao Trạch Đông lớn tiếng chỉ trích Chu Ân Lai trước mặt các đại biểu dự hội nghị Nam Ninh (16.1.1958):
- Chẳng phải ông phản đối “làm liều” đó sao? Tôi chống lại những ai “phản đối làm liều”!
Đến cuộc “cách mạng văn hóa vô sản”, Chu Ân Lai trên cương vị của mình làm mọi cách giảm bớt sức sát phạt đối với những lãnh đạo cương trực và bảo vệ được nhiều cung điện, chùa chiền, tượng tháp tại Trung Quốc và Tây Tạng khỏi bị hồng vệ binh đập phá. Vượt qua nhiều rào cản để tồn tại và đóng góp, đến cuối đời Chu Ân Lai lại vẫn bị “giăng bẫy” chụp bắt lần nữa qua việc “Mao giả chết” sẽ viết đến kỳ sau. (còn nữa)
Giao Hưởng