Kỳ 22: 'Vị thần số một' ăn chay và luyện chú!

Hồ sơ - Ngày đăng : 21:04, 22/07/2014

Mao Trạch Đông đột nhiên báo với mọi người là mình sẽ không ăn thịt bò thịt heo thịt gà nữa, chỉ ăn rau củ quả để nêu gương tiết kiệm và tỏ lòng chia sẻ với nhân dân trong nước đang lâm cảnh thiếu đói triền miên (?)
Mao nói vậy vào Tết dương lịch 1.1.1961 – sau ngày “Đại tiến vọt” thảm bại đẩy Mao lui về “tuyến hai” và đưa Lưu Thiếu Kỳ làm quyền Chủ tịch, cùng Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình lên “tuyến một” đảm đương giải quyết hậu quả tai hại do Mao để lại - đưa Trung Quốc vượt qua thời kỳ khó khăn sóng gió. Tuy đứng “tuyến sau” nhưng Mao vẫn không rời mắt khỏi toàn cảnh của chính trường lúc ấy. Ông âm thầm “luyện chú” để chờ thời cơ phản công. Kể cả việc Mao thông báo “ăn chay” lẫn việc “ăn chơi” đều có dụng ý riêng như tài liệu Tân Tử Lăng đã dẫn:

Trên thực tế, trong những ngày nhân dân cả nước đói rét, Mao sống rất sa đọa. Nguyên soái Bành Đức Hoài can ngăn Mao tuyển phi tần, đã bị giam lỏng, chẳng ai còn dám bàn tán về đời tư của Mao. Phòng Bắc Kinh trong Nhà Quốc hội được đổi thành “phòng 118”, bên trong trang hoàng còn lộng lẫy hơn cả điện Kremlin. Thật ra đây là hành cung để Mao chuyên bí mật vui thú với các nữ nhân viên phục vụ. Thư Ngẫu Trai trong Trung Nam Hải được sửa sang lại, trở thành sàn nhảy riêng, mỗi tuần tổ chức hai lần vũ hội, các nhân viên nữ trong Trung Nam Hải và nữ diễn viên Đoàn văn công quân đội được tuyển lựa làm bạn nhảy của Mao, họ đồng thời là đối tượng để Mao chọn gái qua đêm. Mao làm như vậy để tiêu khiển, cũng để Lưu Thiếu Kỳ tưởng rằng Mao đã chìm đắm trong nữ sắc, không quan tâm công việc triều chính nữa” (để Lưu sơ ý thiếu đề phòng và bị Mao quật ngã – xem kỳ 7).

Ở Thượng Hải, khách sạn Tây Giao xây riêng cho Mao với “khuôn viên chung quanh rộng hơn 60 hecta, hơn 100 nhân viên túc trực ngày đêm (…) việc phung phí tiền bạc như trên khiến sự tích Mao mấy tháng không ăn thịt, mặc chiếc áo ngủ vá víu… trở nên mờ nhạt”. Vung tiền xây các hành cung xa hoa trong những năm tháng khó khăn nhất ấy đã mang “ý nghĩa chính trị nhiều hơn mục đích hưởng thụ” - bởi Mao muốn dùng cách thức đó để ngầm bảo cho mọi người biết “tuy lui về tuyến hai, nhưng ông ta vẫn là vị thần số một, toàn đảng tôn thờ ” !.

Ở Hồ Nam, sáu tháng sau ngày “ăn chay” – theo gợi ý của Mao – lễ động thổ xây khu biệt thự tựa lưng vào phần mộ họ Mao ở Thiều Sơn (nơi sinh Mao Trạch Đông) đã khởi công giữa năm 1961. Đến cuối 1962 hoàn thành, chiếm diện tích 3.638m2 với “hầm ngầm dài hàng trăm mét có thể chống động đất, chống bom nguyên tử, phòng độc, có một đại đội thường xuyên bảo vệ”. Khu biệt thự trên dùng làm “hành cung” cho Mao với phí tổn 120 triệu Nhân dân tệ (lúc ấy tỉnh Hồ Nam đã có 2,48 triệu người chết đói). Nếu dùng số tiền trên mua lương thực sẽ đủ nuôi sống 2,48 triệu người (đã chết đói kia) trong một năm!

Dạo ấy, Lưu Thiếu Kỳ cảnh báo Mao Trạch Đông hãy cẩn trọng: “nếu xảy ra thảm kịch người ăn thịt người thì tôi và ông sẽ bị ghi vào sử sách” (như những tội đồ của lịch sử). Song, không còn chuyện “nếu” hoặc “sẽ” như Lưu rào đón nữa, vì người “đã” ăn thịt người (xem Kỳ 2) vào mấy năm “Đại tiến vọt” bi thương: “đồng ruộng hoang vu, nhiều nhà chết đói không còn một ai”. Người sống ngắc ngoải và vì quá đói phải: “Gạt nước mắt đánh đổi với hàng xóm bằng cách trao con mình cho người khác ăn, mang con người khác về làm thịt. Một số xã viên “nhìn xa trông rộng” đã đi bắt cóc trẻ con ở vùng lân cận về ăn. Hoặc gài bẫy trẻ con như bẫy thú rừng, kể cả việc sử dụng các loại thuốc nổ xưa kia dùng để bẫy chó sói. Trẻ nhỏ nhặt được “chiếc kẹo” (bẫy) mùi vị thơm tho, cho vào miệng nhai liền bị phát nổ, đầu mặt tan tành, khi gia đình hay tin tìm đến, thì chỉ còn lại vũng máu”. Tài liệu Tân Tử Lăng ghi thêm: “Không những ăn thịt, mà còn nghiền vụn xương đầu và tay chân ăn cho bằng hết” qua cơn đói.

Thảm cảnh “cắt thịt nghiền xương” của đồng loại, ăn máu mủ của người thân nấu chín, đã thực sự bày ra “địa ngục trần gian” hãi hùng trên đất Trung Hoa 5000 năm văn hiến. Tất cả đều do quyết sách sai lầm của Mao Trạch Đông gây nên: “một chính sách bạo ngược mà không một hôn quân, bạo chúa nào trong lịch sử có thể theo kịp (…) bất kể trước đây sáng suốt vĩ đại đến đâu, có cống hiến lớn lao đến chừng nào, Mao Trạch Đông cũng không thể bù đắp được sai lầm khủng khiếp nầy”.

Sai lầm bắt nguồn từ chỗ Mao đi ngược với con đường đưa đến “chủ nghĩa xã hội dân chủ” đúng đắn do chính Mao khẳng định (tại đại hội 7 Đảng CSTQ 1945), từ bỏ lý luận kiến quốc dân chủ mới để dùng bạo lực áp đặt “chủ nghĩa xã hội không tưởng” (định hướng về “thời kỳ quá độ”, vội vã xóa bỏ chế độ tư hữu - công bố 15.6.1953) cụ thể hóa bằng phong trào “Đại tiến vọt” và “Công xã hóa” (1958 - 1961). Mở đầu phong trào, Mao hạ lệnh: “Phải chuyên chế. Không thể chỉ nói đến dân chủ. Phải kết hợp giữa Các Mác và Tần Thủy Hoàng ” (hội nghị Bắc Đới Hà 8.1958). Để rồi, Mao tùy tiện bất chấp các quy luật kinh tế, thẳng tay “tiến hành cuộc thực nghiệm chủ nghĩa xã hội không tưởng, lớn chưa từng thấy và cũng gây ra tấn thảm kịch cũng lớn chưa từng thấy trong lịch sử loài người (…) nghiên cứu những sai lầm cuối đời Mao Trạch Đông phải nắm lấy sự kiện lịch sử lớn này. Đây là chìa khóa để khám phá những bí ẩn về Mao”.

Bí ẩn đó nằm trong 6 chữ được Mao “mật chiếu” cho Hoa Quốc Phong trước giờ ra đi - gồm những chữ gì?. (còn nữa)

Giao Hưởng