Do chủ trương chống phá Phật giáo của Mao Trạch Đông, Trung Quốc trắng trợn điều động hơn 100 nhân viên an ninh mang súng và gậy gộc xông vào chùa Vân Môn giữa lễ niệm hương bắt đi 26 tu sĩ, giết chết thiền sư Diệu Vân và đánh trọng thương lão hòa thượng trụ trì Hư Vân 112 tuổi…
Chùa Vân Môn là “thánh địa đạo tràng” của thiền tông Trung Hoa dựng lên từ năm 923 bởi tổ Vân Môn Văn Yển, tọa lạc trên núi Vân Môn - một danh sơn thuộc huyện Nhũ Nguyên, Quảng Đông. Sau hơn 1.000 năm hưng phế, đến đầu thế kỷ 20, chùa nghiêng đổ tiêu điều, không người lui tới - chỉ sót một vị tăng già ngày đêm giữ ngọn lửa Phật bên nền điện Đại Hùng lạnh cóng. Quanh ngôi cổ tự đầy những lùm lau lách, cỏ dại, hang hốc chồn hoang rắn chuột...
Đến năm 1942, nhờ vận hội mới, chùa Vân Môn trùng hưng trong suốt 9 năm, mọc lên điện đài, lầu gác, sảnh đường và các công trình kiến trúc mới, uy nghiêm đồ sộ với ngót 180 ngôi, trên diện tích hơn 20 mẫu - là nhờ nguyện lực và sức bình sinh đích thân đứng ra tái tạo của vị đại tri thức nổi danh nhất Trung Quốc thời ấy: hòa thượng Hư Vân.
Hòa thượng Hư Vân cùng đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 được suy tôn làm hội trưởng danh dự của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc năm 1952. Đến năm 1959, do tình hình chính trị bất ổn ở Tây Tạng, đức Đạt-lai Lạt-ma phải sang Ấn Độ bắt đầu cuộc sống lưu vong: “Tháng 3.1959 (…) Tây Tạng phát động cuộc vũ trang nổi loạn (…) Đạt-lai Lạt-ma lại theo chủ nghĩa ly khai” ra nước ngoài (Nhiếp Nguyệt Nham, sđd. ở Kỳ 28, tr.474-475 – NXB Giải phóng quân, Bắc Kinh 1999 và NXB Trẻ, TP. HCM 2001).
|
Hòa thượng Hư Vân trên 100 tuổi. Ảnh TL |
Trước đó, đầu xuân Tân Mão, thứ bảy 31.3.1951, ngài Hư Vân đang mở “giới đàn Ngàn Phật” ở chùa Vân Môn, có đông đảo tứ chúng vân tập cùng 120 tăng, bỗng bị công an Trung Quốc đến vây. Họ ào vào chùa, ngang nhiên bắt hòa thượng Hư Vân nhốt trong Phương trượng. Tất cả các cổng ra vào chùa đều có công an ngăn giữ, không cho ai thoát đi. Phật tử đến cúng dường, nghe kinh, bị ngăn lại, đuổi về. Các sư đang niệm hương lễ Phật, bị gom lên thiền đường giam giữ, nạt nộ “hỏi cung”.
Cuốn Hư Vân hòa thượng niên phổ của cư sĩ Sầm Học Lữ (đệ tử thân cận với hòa thượng Hư Vân) do Kiến Châu, Như Thủy và Hạnh Đoan dịch, với tựa: “Hư Vân niên phổ – thơm ngát hương lan” (sau đây viết tắt: Thơm ngát hương lan), NXB Phương Đông, TP. HCM quý I – 2009, cho biết:
Hôm ấy công an tiến hành khám xét toàn chùa, lục soát rất kỹ “từ mái ngói đến nền gạch, các tôn tượng Phật, Tổ cho đến pháp khí, kinh tạng… họ đều lật kiếm tỉ mỉ. Họ huy động hết toàn bộ thuộc hạ có đến cả trăm người, xúm nhau lục lọi trong chùa Vân Môn ngót hai ngày trời mà không thu được gì. Thế là họ bắt giám viện Minh Không và các sư trong ban chức sự như: Duy Tâm, Ngộ Huệ, Chân Không, Duy Chương… giải đi. Họ còn quơ hết sổ sách, sổ bộ, thư từ qua lại cùng các pháp ngữ, văn tự, kinh điển, chú giải cả trăm năm của hòa thượng Hư Vân dồn vào bao chở đi luôn, sau khi đã gán cho ngài một số tội lỗi lớn (…) Mấy ngày sau đó, họ bắt thêm 26 vị tăng nữa, dùng đủ cực hình tra tấn tàn độc, buộc chư tăng phải khai chỗ hòa thượng giấu vàng. Nhưng tất cả chư tăng đều nói không biết nên họ tiếp tục tra khảo, đánh đập. Sư Diệu Vân bị họ đánh chết (…) Sư Ngộ Vân bị đánh gãy chân. Sư Thể Trí bị đánh gãy tay. Ngoài ra còn có một số tăng bị mất tích” (sđd. tr.326-327-328).
Không lấy được lời khai như mong muốn, công an quay lại lục soát kỹ hơn suốt 10 ngày, từ tòa Phạm vũ, Tổ đường, Khách đường, Điện Già lam, cho đến Trai đường, Niễn mễ phòng (nhà xay gạo), tháp Hải hội (chỗ đặt di cốt của thất chúng) không chỗ nào không soi kiếm. Kết quả, vẫn không tìm được gì. Công an trút hết giận dữ vào lão hòa thượng Hư Vân những ngày tiếp đó. Thơm ngát hương lan, sđd. tr.328 – thuật tiếp:
Thứ sáu 6.4.1951 (1.3 Tân Mão): “họ bắt sư (Hư Vân) nhốt vào thất kín, truyền đóng hết các cửa cái và cửa sổ lại, bỏ đói ngài, và cấm không cho ra ngoài đại tiểu tiện dù ngày hay đêm, chỉ cho để một ngọn đèn lù mù, giống như cảnh địa ngục”.
Chủ nhật 8.4.1951 (3.3 Tân Mão): “hơn 10 người lực lưỡng kéo vào thất, ép buộc sư phải giao nộp vàng bạc, súng ống cho chúng. Sư bảo là không có. Họ bèn thẳng tay đánh đập. Ban đầu thì dùng gậy, sau dùng côn sắt, họ quất tới tấp vào đầu, cổ, khắp thân thể sư. Vừa đánh vừa nạt nộ tra hỏi. Tiếng dùi cui và cây sắt bổ xuống nghe rầm rầm. Ngài lỗ đầu, chảy máu, gãy xương sườn… nhưng ngài cứ nhắm mắt, ngậm miệng làm thinh nhập định. Hôm ấy, bọn chúng lôi sư xuống đất đánh đập dã man tới bốn lần. Đến khi thấy tình trạng sư quá nguy kịch, chỉ còn chờ chết, chúng mới kéo nhau đi” (còn nữa).
Giao Hưởng