Kỳ 36: Từ vụ án Cao Cương đến dự trữ ngoại tệ 'bốn số không'
Hồ sơ - Ngày đăng : 08:43, 07/08/2014
Liên Hiệp Quốc triệu tập hội nghị đặc biệt (Kỳ họp thứ VI - 4.1974) gồm các nguyên thủ quốc gia (tổng thống) hoặc người đứng đầu chính phủ (thủ tướng) các nước…
Mao Trạch Đông muốn cử Đặng Tiểu Bình đi (thay vì Chu Ân Lai), có ý phát tín hiệu để thế giới biết “Đặng sẽ thay Chu” (lúc ấy Mao còn giữ ý định móc Đặng vào chân ghế của mình).
Để tránh tiếng, Mao khẩu dụ Bộ Ngoại giao viết đề nghị đưa lên Bộ Chính trị bàn bạc. Tại cuộc họp, Giang Thanh quyết liệt phản đối, không đồng ý cử Đặng Tiểu Bình làm Trưởng phái đoàn Trung Quốc tại diễn đàn LHQ. Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên lên tiếng ủng hộ ý kiến Giang.
Thấy áp lực của “tứ nhân bang” đang trỗi mạnh, những người khác ngồi im. Mao hay tin, buộc phải nói thẳng ý mình, viết thư gởi Giang Thanh: “Cử đồng chí Đặng Tiểu Bình xuất ngoại là ý kiến của tôi, bà hãy thận trọng, không được phản đối đề xuất của tôi” (Trần Trường Giang - sđd Kỳ 8, tr. 318).
Nhận thư, Giang im luôn.
Chỉ còn đúng 10 ngày nữa lên đường, Đặng mới được chính thức “thông qua” đề cử trưởng đoàn (26.3.1974). Việc chuẩn bị khá lụp chụp và lại phát hiện thêm một “chuyện khó tin” trong hoạt động tài chính quốc gia. Chuyện do Chương Hàm Chi kể và tài liệu Tân Tử Lăng ghi:
“Mọi việc sắp xếp xong xuôi, đột nhiên nhớ đến sang Mỹ phải dùng đô la Mỹ, không thể dùng NDT, liền khẩn cấp lệnh cho các ngân hàng trong cả nước tập hợp USD. Được bao nhiêu? 38.000 USD ! Đó là toàn bộ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc hồi ấy. Tôi không tin, tra “Tổng biểu dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc những năm qua”, thấy số liệu trong biểu năm 1974 là 0000 (vì dưới 100.000 không tính, nên là 4 con số 0)”.
Lần đó Đặng Tiểu Bình dẫn đoàn đại biểu sang New York đã mang toàn bộ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc theo ! Đoàn ở khách sạn sang trọng, nảy sinh chuyện khó xử là “không có tiền “boa” nhân viên phục vụ, trưởng đoàn Đặng Tiểu Bình phải đem toàn bộ kinh phí cá nhân của mình cho nhân viên phục vụ khách sạn, khi về nước chỉ có một thanh socola làm quà cho cháu gái. Dự trữ ngoại tệ của nước ta (đầu thế kỷ 21) hiện nay bao nhiêu ? 1.200 tỉ USD, vượt Nhật Bản, đứng đầu thế giới. Cải cách mở cửa đã cứu vãn nền kinh tế quốc dân đang trên bờ vực thẳm sụp đổ. Nay có người nói: “Đại cách mạng văn hóa không đẩy kinh tế quốc dân tới bên bờ vực thẳm, xây dựng kinh tế trong Đại cách mạng văn hóa đạt thành tựu lớn biết chừng nào” - toàn là những lời lẽ làm như chữa lành vết thương rồi quên ngay những đau đớn đã qua”.
Cùng thời (tháng 5.1974): “sản xuất bị giảm mạnh, theo công bố - chỉ số sản xuất giảm 6,2%, vận tải giảm 2,5%, sản xuất thép giảm 9,4%, bội chi ngân sách lên tới 2,5 tỷ NDT. Một số cán bộ lâu năm đứng ra làm việc lại bị lật đổ, rất nhiều ban lãnh đạo bị rơi vào tình trạng tê liệt (…) Giang Thanh càng trở nên quá quắt, bà ta vừa tuyên truyền, đưa tài liệu, vừa kích động khắp nơi “đốt sạch”, “phá sạch”, nhà máy đình công, sản xuất nông nghiệp đình trệ” (Trần Trường Giang - sđd, tr. 321).
Dự trữ ngoại tệ “bốn số không” cùng nền kinh tế bị suy sụp do quốc sách sai lầm của Mao và còn vì những cuộc thanh trừng đấu đá diễn ra triền miên ngay từ những năm đầu thành lập nước. Điển hình là vụ án Cao Cương.
Theo tài liệu Tân Tử Lăng: “Cao Cương phụ trách 3 tỉnh Đông Bắc, là ngôi sao mới nổi lên thời kỳ đầu thành lập CHND Trung Hoa, thuộc phái thân Liên Xô, Mao cần dựa vào ông ta để khai thông quan hệ với Stalin. Tháng 6.1949, khi cùng Lưu Thiếu Kỳ và Vương Gia Tường sang Liên Xô thông báo tình hình và xin viện trợ, Cao Cương đã đề nghị sáp nhập 3 tỉnh Đông Bắc thành nước Cộng hòa thứ 17 của Liên Xô”.
Mao giận, gọi Cao về nước gấp. Muốn khai trừ Cao, nhưng Mao nén giận, tạm thời giấu kín “bản án tử hình”, ra vẻ thưởng công cho Cao, điều Cao lên Trung ương giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch nhà nước, nắm trong tay quyền điều động 15 cán bộ cấp cao trong đó có cả Đặng Tiểu Bình và Bành Chân.
Để Cao thêm yên tâm, Mao vẫn giao Cao kiêm nhiệm một lần 4 chức vụ chủ chốt vùng Đông Bắc: “Bí thư thứ nhất Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban quân chính, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu”. Tất cả những động thái đó nhằm để Cao Cương lầm tưởng đang được Mao trọng dụng, vì Mao có xu hướng đi theo đường lối thân Liên Xô: “mưu toan dựa vào Stalin để củng cố thế đứng cho mình”.
Cao Cương và bạn đồng minh chủ yếu là Trưởng ban Tổ chức trung ương Nhiêu Thấu Thạch tưởng đã “nắm được Mao”. Nào ngờ “Stalin vừa qua đời (1953) Mao liền tính sổ họ ngay, dựng lên vụ án “Tập đoàn chống đảng: Cao Cương - Nhiêu Thấu Thạch”, thủ đoạn của Mao lợi hại và đáng sợ đến mức các cán bộ cấp cao run rẩy” - dầu “được Mao tin cậy hay bị Mao nghi ngờ” họ cũng luôn phải cẩn trọng “ngó trước dòm sau”. Vì đi bên Mao khác nào “đi trên lưỡi dao cạo” (còn nữa)
Giao Hưởng