Kỳ 35: Câu hỏi "bạt mạng" của ký giả Vallace

Hồ sơ - Ngày đăng : 09:04, 06/08/2014

Vallace hỏi: “Ngài từng nói, ngài sống đến trăm tuổi, rồi sẽ đi gặp ông Mác - khi đó, rất có thể Mao Trạch Đông đang ngồi bên Mác, liệu hai vị ấy sẽ nói gì với ngài?”
Đặng Tiểu Bình chưa trả lời ngay sẽ gặp Mác và Mao ra sao ở “chín suối”, ông nói đến cõi “Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai” của mình trước:

- Tôi là một người theo chủ nghĩa Mác. Trước đây chúng tôi làm cách mạng, giành chính quyền, lập nên nước CHND Trung Hoa chính là nhờ có niềm tin và có lý luận đó. Sau cách mạng, chúng tôi tiến hành xây dựng đất nước, cũng tuân theo chủ nghĩa Mác mà xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mọi nhiệm vụ của chúng tôi hiện nay là đề cao chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi thực hiện “bốn hiện đại hóa”, người ta thường quên bốn hiện đại hóa là gì, là “bốn hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa”. Đó là công việc hiện nay của chúng tôi.

Vallace lặp lại câu hỏi cũ theo “cách nói mới”:

-… Không biết Mao Trạch Đông sẽ nhìn nhận một số việc hiện hành như thế nào? Giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay chủ trương “ra sức làm giàu”, chủ trương hạnh phúc cá nhân, cho phép tư nhân lập xí nghiệp, chuẩn bị cải cách chính trị, dân chúng được tự do ngôn luận. Tất cả những cái đó đều không giống chủ trương của Mao Trạch Đông, không biết Mao Trạch Đông sẽ đánh giá ra sao?

Đặng Tiểu Bình:

- Có đôi điều không giống, nhưng có một vài nguyên tắc giống nhau, hiện tư tưởng Mao Trạch Đông vẫn còn là tư tưởng chỉ đạo của chúng tôi…

Vậy tư tưởng chỉ đạo ấy của Mao là gì? Tân Tử Lăng nêu: “Tháng 1.1940, Mao Trạch Đông công bố tác phẩm “Bàn về chủ nghĩa dân chủ mới”: về chính trị chủ trương chính phủ liên hiệp, phản đối nền chuyên chính một đảng, về kinh tế bảo hộ chế độ tư hữu, nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại, quan tâm cả công hữu và tư hữu, chủ thợ cùng có lợi, thực hiện chính sách vừa đoàn kết, vừa đấu tranh với giai cấp tư sản (…) lý luận kiến quốc dân chủ mới là tinh hoa của tư tưởng Mao Trạch Đông (khi lên cầm quyền, Mao Trạch Đông đi ngược lại những gì mình đã nói). Đặng Tiểu Bình kế thừa lý luận trên, tham khảo kinh nghiệm thành công của chủ nghĩa xã hội dân chủ châu Âu, đã hình thành lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường cải cách - mở cửa mang màu sắc Trung Quốc, mở ra con đường chủ nghĩa xã hội dân chủ Trung Quốc”.

Ở câu hỏi khác, Vallace nhắc khéo bệnh “sùng bái cá nhân” (quá nặng ở thời Mao), bảo sao chưa thấy “treo ảnh của ngài (Đặng Tiểu Bình)” ở nơi công cộng? Đặng đáp:

- Cá nhân tôi, trong nhiều năm có làm được không ít việc tốt, nhưng cũng có một vài việc sai lầm. Trước “đại cách mạng văn hóa”, chúng tôi phạm một số sai lầm ví dụ chủ trương Đại nhảy vọt, dĩ nhiên tôi không phải là người chủ xướng, nhưng tôi đã không phản đối, chứng tỏ trong sai lầm Đại nhảy vọt cũng có phần tôi.

Về khẩu hiệu mới “ra sức làm giàu” của giới lãnh đạo Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình giải thích:

- Ra sức làm giàu cho chủ nghĩa xã hội là cùng nhau “ra sức làm giàu”. Nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội, một là phát triển lực lượng sản xuất; hai là cùng nhau “ra sức làm giàu”. Chính sách của chúng tôi là cho phép một số người giàu có trước, nhằm mục đích nhanh chóng thực hiện nguyên tắc cùng nhau “ra sức làm giàu” (…) chính là để đạt tới nguyên tắc cuối cùng: Tất cả đều giàu có…

Vallace bảo đã thấy nông dân ở vùng tam giác sông Châu Giang, tỉnh Quảng Đông, đua nhau sắm xe gắn máy, tivi màu, xây nhà mới, Đặng Tiểu Bình dang tay nói:

- So với bên nước các ông, mấy thứ đó có đáng gì? Dù ở nông thôn, nhà nào có vài vạn nhân dân tệ, chẳng qua cũng chỉ hai ba ngàn đô la, đã được người ta tán dương cho là giàu, mà đấy là thu nhập cả năm, làm sao có thể được coi là giàu kia chứ (…) so với thu nhập ở các nước phát triển, thì còn thấp lắm”.

Vallace hỏi: thời kỳ “sau Đặng Tiểu Bình” liệu Trung Quốc có quay trở lại tình trạng nghiệt ngã như trước kia?. Đặng khẳng định: “chắc chắn là không!”. “chính sách hiện hành mà thay đổi, đời sống nhân dân chắc chắn sẽ sút kém ngay. Nếu nhân dân cho rằng chính sách hiện hành là đúng, thì ai lại đi thay đổi, ai lại muốn bị đả đảo ?”.

Những nội dung liên quan đến cuộc phỏng vấn Đặng Tiểu Bình của ký giả Vallace (từ kỳ 33 đến kỳ này) do chúng tôi tóm lược và trích dẫn từ cuốn Đặng Tiểu Bình giữa đời thường - nguyên tác: “Sinh hoạt trung đích Đặng Tiểu Bình” của Nhiếp Nguyệt Nham, NXB Giải phóng quân, Bắc Kinh 1999 - do cố dịch giả Lê Khánh Trường (1963-2008) chuyển ngữ (sđd ở Kỳ 28, tr. 377-398). Thêm đoạn Vallace “khai thác” Chủ tịch Đặng: “Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình không giống như Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, xem ra hiện nay Trung Quốc đang tiến hành một cuộc cách mạng mới ?”. Đặng Tiểu Bình: “Ông nói đúng (…) làm cuộc cách mạng mới nầy khó tránh khỏi sai lầm - biện pháp của chúng tôi là không ngừng tổng kết kinh nghiệm, có sai phải sửa ngay, không để cho cái sai nhỏ trở thành sai lầm lớn”. Câu nói ấy của Đặng vẫn có giá trị “giáo khoa thư” giữa thời Tập Cận Bình này: “sai phải sửa” ! (còn nữa)
Giao Hưởng