Kỳ 58: Stalin với điệp viên huyền thoại George Koval

Hồ sơ - Ngày đăng : 14:14, 25/09/2014

Trung Quốc thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên của mình vào năm 1964 - sau người Mỹ 19 năm (1945 - 1964) và sau Liên Xô 15 năm (1949 - 1964). >> Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay

Tài liệu “Thế giới thế kỷ XX - những sự kiện quân sự” của Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (do Trịnh Vương Hồng, Lê Đình Sỹ và Nguyễn Viết Bình chủ biên), NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội - 2003, ghi: “ngày 16.10.1964, Trung Quốc tuyên bố thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên tại Sin-ki-ang, một tỉnh miền Tây Trung Quốc giáp với Liên Xô. Mặc dù Trung Quốc không tiết lộ bất kỳ một thông số kỹ thuật nào, song các chuyên gia nguyên tử cho biết sau vụ thử này Trung Quốc đã trở thành một cường quốc hạt nhân và chỉ đứng sau Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp” (tr. 251). Gần ba năm sau “ngày 17.6.1967, Trung Quốc tiến hành thử bom H lần đầu tiên” (tr. 261).

Trước đó hơn 10 năm, lúc chiến tranh Triều Tiên ngày càng nổ lớn, những lo ngại của thế giới về xung đột vũ khí nguyên tử giữa Mỹ và Liên Xô càng tăng lên. Khi ấy, Trung Quốc và Triều Tiên chưa sở hữu bom nguyên tử nên Mao Trạch Đông - Kim Nhật Thành (và các nhà lãnh đạo một số nước Đông Âu) có phần yên tâm hơn nhờ “cái ô hạt nhân” của Stalin. Việc Stalin có trong tay bom nguyên tử là phương tiện hữu hiệu “chế ngự” tổng thống Truman. Để có được sức mạnh đó, Stalin nhờ thành quả của các điệp viên Liên Xô xâm nhập vào dự án nguyên tử Mỹ, trong đó George Koval được xem là “điệp viên huyền thoại”.

George Koval sinh trưởng trong một gia đình thuần Nga. Cha mẹ Koval di cư sang Mỹ, sinh sống tại thành phố Sioux, bang Iowa, từ năm 1910. Ba năm sau, Koval ra đời tại thành phố đó vào lễ Giáng sinh 25.12.1913.

Lên 19 tuổi (1932) Koval theo gia đình rời Mỹ, hồi hương về lại Nga. Đến 21 tuổi (1934) thi đậu vào Trường Đại học kỹ thuật hóa học Matxcơva - 26 tuổi, tốt nghiệp hạng xuất sắc với luận văn về các loại khí hiếm, trở thành kỹ sư trẻ đầy triển vọng. Lúc phát xít Đức đe dọa tấn công Liên Xô, Koval tình nguyện tham gia Hồng quân và được điều về công tác tại Tổng cục tình báo quân sự GRU - đánh dấu bước ngoặt lớn trong đời.

“Ống kính GRU” soi vào lý lịch “thuần Nga” của Koval, với xuất thân từ chuyên ngành hóa học và một vỏ bọc khá lý tưởng: sinh tại Mỹ, lớn lên tại Mỹ, học trung học tại Mỹ, nói tiếng Anh “theo giọng Mỹ”, quen “lối sống Mỹ”… nên đã hội đủ các điều kiện nền tảng để “hoạt động tình báo hạt nhân” trên đất Mỹ.

Sau khóa huấn luyện đặc biệt của GRU, Koval được tung trở lại nước Mỹ với mật danh “DELMA” và gia nhập quân đội Mỹ với cái “tên sơ sinh” là George đầy đủ giấy chứng nhận hợp lệ đã học ở các trường trung học kỹ thuật của Mỹ trước chiến tranh. Xét ngành học, với độ tuổi (30 tuổi - 1943) và một số yếu tố khác (kèm theo “lá số” may mắn của Koval) nên Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ đã chọn Koval cùng 38 quân nhân khác rời khỏi đơn vị về thành phố New York dự khóa học về sản xuất vật liệu hạt nhân.

Mãn khóa, Koval được chuyển đến làm việc tại cơ sở tuyệt mật của dự án nguyên tử Mỹ ở Oak Ridge thuộc bang Tennessee - nơi có những lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động dưới sự giám sát của hệ thống nhân sự do cơ quan FBI và Cục phản gián quân đội Mỹ giăng ra. Koval lọt qua hàng rào kiểm tra chặt chẽ của tướng Leslie Groves - người chịu trách nhiệm an ninh của dự án - để thu thập nhiều thông tin quý giá.

Hàng ngày, cũng như tất cả nhân viên khác, Koval phải chịu giám sát nghiêm ngặt trong mọi lúc. Thư từ bị kiểm duyệt, điện thoại giao dịch với người bên ngoài được ghi âm. Vượt qua tất cả, Koval đã “liên kết” thành chuỗi các công đoạn của quá trình sản xuất bom nguyên tử: “Chính Delmar (Koval) năm 1945 đã thông báo về việc người Mỹ sản xuất polonnium đồng thời sử dụng chúng trong các dự án hạt nhân. Một trong những báo cáo đó viết: “Polonium chế tạo nên đã được gởi tới bang New Mexico, nơi đó được sử dụng cho bom hạt nhân. Polonium được làm từ bitmut.
Ngày 1.11.1945, số lượng sản xuất của nhà máy là 300 curi polonium/tháng, và hiện giờ đã lên tới 500 curi. Không ở đâu có thông báo gì về việc sản xuất polonium và việc sử dụng nó cả. Bảng mô tả quá trình sản xuất polonium sẽ được gửi ngay sau đây” (…)
Đóng góp quan trọng của Koval được đánh giá là: “tình báo viên đầu tiên mách nước cho các nhà hóa học và các nhà thiết kế Xô Viết về việc nguyên tố polonium được dùng làm gì trong các quả bom hạt nhân Mỹ. Nhờ đó, Liên Xô đã đẩy nhanh tiến trình chế tạo của mình để công bố việc sở hữu bom hạt nhân năm 1949, mà theo nhiều nhà bình luận, đã giúp “cân bằng” tương quan lực lượng Xô- Mỹ thời kỳ đó”. (Hồ sơ những điệp viên siêu hạng của tình báo Việt Nam và thế giới - nhiều tác giả, NXB Hồng Đức, quý II-2014, tr. 115).

Koval “được phép lui tới các địa điểm tuyệt mật” thiết lập trá hình trong khuôn viên các trường đại học tại Chicago, Columbia, cả các nhà máy làm giàu uranium ở Hanford thuộc bang Washington... Hầu hết những “điểm chết” ấy đều bị Koval xâm nhập - Koval là “một trong rất ít chuyên viên” có điều kiện trực tiếp xem xét tận mắt toàn bộ dây chuyền của chương trình - theo FBI.

Sau gần một năm ở Oak Ridge, Koval nhận lệnh thuyên chuyển công tác đến phòng thí nghiệm tuyệt mật khác, nằm ở Dayton (Ohio) vào ngày 27.6.1945 - cách thời điểm Truman cho nổ thử quả bom nguyên tử đầu tiên của nước Mỹ chưa đầy 20 ngày (16.7.1945). Sau vụ nổ trên, Koval khám phá thông tin quý báu liên quan đến việc cài đặt “thiết bị khởi động” cho một quả bom phát nổ. (còn nữa)

Giao Hưởng
Mời các bạn đón đọc kỳ tiếp theo khởi đăng vào lúc 12 giờ trưa thứ sáu, ngày 26.9.2014