Kỳ 57: Trung Quốc trước hiểm họa chiến tranh nguyên tử
Hồ sơ - Ngày đăng : 11:18, 24/09/2014
Sau những tổn thất nặng nề, liên quân Mỹ - LHQ và Hàn Quốc phải lùi sâu về hướng Nam, để lại sau lưng “khoảng trống chiến thuật” ở phía Bắc Triều Tiên và luồng “không khí lạnh” tràn từ mặt trận về tận các phiên họp bất thường của Nhà Trắng. Ở đó, Truman nghĩ đến biện pháp tấn công Trung Quốc bằng bom nguyên tử để sớm kết thúc chiến tranh Triều Tiên “trong thế thắng”.
Truman chỉ thị cho không quân Mỹ triển khai các chuyến bay thực tập xuất phát từ đảo Okinawa (Nhật) hướng đến các mục tiêu ở Trung Quốc và Bắc Triều Tiên trong chiến dịch mang tên Hudson Harbor. Đội ngũ phi công, cùng chuyên viên kỹ thuật đảm trách “nhiệm vụ đặc biệt”, đã ứng dụng tại chỗ các thao tác lắp ráp, thực hành kiểm tra mục tiêu dưới đất theo cách thức dành cho những cuộc tấn công bằng bom nguyên tử.
Thông tin đó gây lo ngại cho các đồng minh của Mỹ nên Truman đã có cuộc gặp gỡ trao đổi trước tiên với các vị đứng đầu của hai chính phủ Anh và Pháp. Truman trấn an họ rằng, nếu phát động cuộc chiến tranh nguyên tử có thể lôi kéo Liên Xô vào cuộc, không loại trừ trường hợp Liên Xô sẽ quay ra tấn công Anh, Pháp và các nước Tây Âu để “giải vây” Trung Quốc, nên Truman đang hết sức tự kiềm chế và cân nhắc trước khi “ra một mệnh lệnh tối quan trọng” như thế. Còn Mao Trạch Đông?
Theo các nhà quan sát thời sự quốc tế: Mao Trạch Đông lúc ấy dường như bất kể đến đe dọa của phía Mỹ về một cuộc chiến tranh nguyên tử, nên vẫn tiếp tục tăng cường tập đoàn quân của mình vượt sang biên giới Trung - Triều. Có lẽ Mao tin vào Stalin - chỗ dựa vững chắc của Mao. Về phía Mỹ, Truman cũng phải e dè trước Stalin. Vì sao?
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ là nước duy nhất chế tạo được bom nguyên tử, với vụ nổ thử đầu tiên thành công vào 16.7.1945 tại bãi đánh bom ở Alamogordo (bang New Mexico). Khi ấy, J. Robert Oppenheimer - giám đốc khoa học của dự án nguyên tử Manhattan thốt lên cay đắng: “Tôi đã trở thành sứ giả của tử thần - kẻ góp tay hủy diệt thế giới”. Ngược lại, Truman hài lòng, vì sự kiện đó đưa nước Mỹ lên vị trí độc quyền “múa gươm hạt nhân”, công khai bao vây Liên Xô “bằng một vành đai các căn cứ không quân chiến lược tiền tiêu với những máy bay đã mang sẵn vũ khí hạt nhân có thể tiến công Liên Xô chỉ một lúc sau khi được báo động. Trừ Alaska, còn tất cả các căn cứ đó đều nằm ngoài lãnh thổ Mỹ” (Amter - Lời phán quyết về Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội 1985, tr. 19). Tình báo khoa học của Mỹ báo cáo:
Ước tính, sớm nhất phải từ năm 1950 - 1953 trở đi, Liên Xô mới chế tạo được bom nguyên tử. Nhưng quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô làm từ plutonium thử nghiệm thành công tại Semipalatinsk (Kazakhstan) vào 29.8.1949 - gần một năm trước ngày chiến tranh Triều Tiên nổ ra, giúp Stalin loại Truman khỏi vị trí “độc quyền”. Mao Trạch Đông, luôn kính trọng Stalin, ngay cả khi Stalin qua đời và Mao Trạch Đông kịch liệt chống lại các nhà lãnh đạo Liên Xô kế đó, nhưng vẫn treo ảnh Stalin ở Thiên An Môn. Nguyên thủ tướng Anh: Edward Health trong lần đến hội kiến với Mao Trạch Đông ở Trung Nam Hải (năm 1972), hỏi:
- “Tôi đến quảng trường Thiên An Môn, nhìn thấy ảnh của Stalin treo ở gần ảnh Karl Marx, Engels, Lenin, cảm thấy rất kỳ lạ. Ảnh của ba vị kia tôi có thể lý giải được, nhưng sao lại treo ảnh Stalin ở đây?”
Mao Trạch Đông trả lời: “Stalin là người cuối cùng của Liên Xô theo chủ nghĩa Marx chân chính, ảnh của Stalin treo ở đó chính là vì Stalin là một người Marxist” (Trần Trường Giang, sđd ở Kỳ 8, tr. 320). Stalin có đủ “quyền lực hạt nhân” để phản ứng đúng mức nếu Truman đánh bom nguyên tử Trung Quốc. Theo kế hoạch, dự kiến ban đầu của Mỹ về mục tiêu là các lực lượng bộ binh của liên quân Trung - Triều ở các điểm tập kết đông đúc. Song qua thực tập, cho thấy hiệu quả của “chiến thuật nguyên tử” trên rất hạn chế, bởi liên quân Trung - Triều di chuyển thường xuyên. Truman quay sang mục tiêu khác. Tướng Mc Arthur đề xuất: thả ít nhất 30 quả bom nguyên tử xuống nội địa và vùng biển Trung Quốc. Theo MacArthur - mục đích không chỉ giải quyết chiến trường Triều Tiên, mà nhằm tạo vành đai bức xạ hạt nhân với thời gian tồn đọng trong môi trường Trung Quốc hơn nửa thế kỷ, đủ sức ngăn chặn “nguy cơ Tàu đỏ” tràn xuống phương Nam… (còn nữa)
GIAO HƯỞNG
Mời các bạn đón đọc kỳ tiếp theo khởi đăng vào lúc 12 giờ trưa thứ năm, ngày 25.9.2014