Kỳ 56: Mặt trận Triều Tiên với 'Thái công binh pháp'
Hồ sơ - Ngày đăng : 17:29, 23/09/2014
Mao Trạch Đông viện binh cho Kim Nhật Thành đông tới mức hơn 20 vạn quân ngay trong đợt đầu là điều ngạc nhiên lớn đối với tổng thống Mỹ Truman và vượt khỏi tiên liệu của tướng Mc Arthur…
Cơ quan trung ương tình báo Mỹ CIA cũng bất ngờ trước “biển người” Mao tung ra - vì đến tháng 10.1950 CIA vẫn giữ dự đoán ban đầu là Trung Quốc sẽ không tham chiến.
Càng về sau, Mao Trạch Đông càng tăng số quân ứng cứu Triều Tiên lên cao. Theo một tài liệu của phía Trung Quốc (xuất bản năm 2007), Mao Trạch Đông “đã đưa sang mặt trận Triều Tiên 27 quân đoàn bộ binh, 15 sư đoàn pháo binh, 12 sư đoàn không quân, 3 sư đoàn xe tăng, 14 sư đoàn công binh, 10 sư đoàn đường sắt, 2 sư đoàn công an, tổng cộng: 1.340.000 quân”.
Nguyên soái Bành Đức Hoài không dụng binh theo cách “đánh nhanh thắng nhanh” của Kim Nhật Thành. Ông đưa quân đánh thăm dò trước, xem thực lực và chiến thuật của đối phương ra sao, rồi dừng lại tản ra, tạt ngang lên các vùng núi hai bên đường hành quân, hệt như bài bản “chưa bao giờ lỗi thời” của Tôn Vũ - bậc thầy các binh gia thời Xuân Thu chiến quốc: “nếu phải vượt qua vùng núi non thì dựa vào khe suối, mặt trông về đường sống mà đóng nơi cao đánh xuống” (Tôn Tử binh pháp, Lê Xuân Mai dịch).
Thoạt đầu, liên quân Mỹ - LHQ và Hàn Quốc đánh giá khá thấp về sức mạnh của đối phương, họ nghĩ rằng quân Trung Quốc “tránh đụng độ lớn”, nên tìm đường vòng lên núi “ẩn náu”.
Ngộ nhận đó phải trả giá trước những đợt công kích bất thần của quân đội Bành Đức Hoài dọc sông Chongchon, đánh bật lực lượng LHQ và Hàn Quốc ra khỏi các vị trí then chốt của mặt trận miền Tây.
Ở miền Đông, đội quân “từ trên núi” kéo xuống hồ nước Chosin đông đến 5 - 6 sư đoàn đã vây kín lực lượng bộ binh và thủy quân lục chiến Mỹ buộc lực lượng này phải đổi lấy 15.000 quân bị thương vong cho cuộc phá vây, tháo chạy về hướng Nam.
Nguyên nhân tan vỡ nhanh chóng ở hai mặt trận trên được các tác giả Âu Mỹ như Bevin Alexander, Robert Watson, James Schnabel, William Hopkins đề cập trong các phân tích về chiến tranh Triều Tiên, nhắc đến những ngỡ ngàng, lúng túng của liên quân Mỹ - LHQ trước chiến thuật tấn công của quân Trung Quốc.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (mục “Chiến tranh Triều Tiên”) trích dịch một đoạn của Roy Appleman về chiến thuật đó như sau: binh sĩ Trung Quốc “đặc biệt lão luyện trong chiến đấu về đêm”. Họ tấn công nhằm vào “phía sau lưng” của đối phương, cắt đứt “đường rút lui và đường tiếp vận” để đánh “mặt trước và bên sườn kết thúc trận chiến”.
Thông thường đội hình chữ V được họ triển khai như miệng của một “cái phểu” để đưa đối phương vào “vòng xoáy” hỏa lực khi “hai cạnh của chữ V được khép lại sau đó”- cùng lúc “một lực lượng khác di chuyển phía dưới miệng chữ V để đón chặn bất cứ lực lượng nào cố giải vây cho đơn vị đang bị bao vây. Các chiến thuật như thế của Trung Hoa đã được sử dụng với những thành công to lớn tại Onjong, Unsan, và Chosin”.
Những chiến binh của Anh, Úc, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ lúng túng trước cách đánh trên: “Quân Trung Quốc lập lại các chiến thuật trước đây của họ là tấn công chủ yếu vào ban đêm, với cách đánh thăm dò từ các vị trí xa mặt trận, sau đó là một đợt xung phong với số lượng quân áp đảo, và dùng kèn, cồng chiêng để liên lạc và đánh lạc hướng quân địch. Các lực lượng LHQ không có thuốc trị cho chiến thuật này nên sức kháng cự của họ sa sút, rút lui nhanh về miền Nam”.
Tiếng kèn, tiếng cồng chiêng, tiếng súng và tiếng thét xung phong vang động trong đêm đã có tác động áp đảo tinh thần các chiến binh người Pháp, Anh, Canada, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ… Họ ngỡ ngàng trước “bầu âm thanh” mà Bành nguyên soái đem vào mặt trận, như bản “hòa điệu của tử thần” bên giao thông hào giữa thế kỷ 20 vốn đã từng được đề cập đến trong những cuốn binh thư Trung Quốc từ hơn 2500 năm trước. Xin trích “bên lề” mấy dòng về ứng dụng “âm điệu ngũ hành” trên chiến trường:
“Võ Vương hỏi Thái công: Nghe âm thanh luật quản (nhạc cụ chế bằng ống trúc để làm tiêu chuẩn cho các âm thanh) có thể biết được tin tức của ba quân, có quyết định thắng bại hay không?.
Thái công đáp: Câu hỏi của vua thật là sâu sắc (…) phương pháp áp dụng là nhân lúc trời trong sáng không mây mù mưa gió, nửa đêm đem quân đột nhập thành lũy địch, cách hơn chín trăm bước, tay cầm luật quản (nhạc cụ), gào thét bên tai địch, trong âm thanh kinh động xen lẫn tiếng quản nghe rất nhỏ. Tiếng trổ âm giác (mộc) thì dùng bạch bổ (kim), trổ âm thủy (hỏa) thì dùng huyền vũ (thủy), trổ âm thượng (kim) thì dùng chu tước (hỏa), trỗ âm vũ (thủy) thì dùng câu trần (thổ). Tiếng quản chấm dứt không trổ âm nào là cung (thổ) thì dùng thanh long (mộc). Đấy là âm hiệu ngũ hành giúp cho chiến thắng, là cơ sở của sự thành bại. Võ Vương nói: Hay lắm” (Thập nhị binh thư - phần Thái công binh pháp - Lê Xuân Mai, Nguyễn Ngọc Tĩnh, Đỗ Mộng Khương dịch, NXB Thời Đại, Hà Nội quý IV-2010, tr. 39-40).
Trở lại mặt trận Triều Tiên, sau hơn hai tháng tiến công (tính từ 25.10.1950), liên quân Trung - Triều đẩy lùi liên quân Mỹ - LHQ - Hàn Quốc khỏi vĩ tuyến 38 và đánh chiếm thủ đô Seoul của Hàn Quốc lần nữa vào thứ năm 4.1.1951 - dẫn đến những phác thảo nguy hiểm của tổng thống Truman và tướng Mc Arthur về “giải pháp mới cho cuộc chiến Triều Tiên bằng bom nguyên tử” (còn nữa)
>> Hồ sơ đặc biệt Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay
Giao Hưởng
Mời các bạn đón đọc kỳ tiếp theo khởi đăng vào lúc 12 giờ trưa thứ tư, ngày 24.9.2014