Kỳ 77: Tần Thủy Hoàng dưới màu cờ đỏ

Hồ sơ - Ngày đăng : 16:53, 29/10/2014

Luận về “con đường bành trướng của thiên triều” - giáo sư Trần Đình Hượu (1926-1995) đã nêu rõ đặc trưng của chủ nghĩa Đại Hán (do Mao Trạch Đông tái phát động) với hai vế song song: “đối nội chuyên chế” và “đối ngoại bành trướng”.
Mao Trạch Đông tuyên bố thẳng với tất cả đại biểu dự hội nghị Bắc Đới Hà (8.1958):
- “Không thể chỉ có dân chủ. Phải chuyên chế! Phải kết hợp giữa Các Mác và Tần Thủy Hoàng”. Ý Mao muốn vận dụng tư tưởng cộng sản với nền pháp trị “bàn tay sắt” của Tần Thủy Hoàng vào mục đích cưỡng bức 650 triệu dân Trung Quốc thời ấy lao theo “ba ngọn cờ hồng”: 1. Đường lối chung (chủ nghĩa xã hội không tưởng). 2. Đại tiến vọt. 3. Công xã nhân dân (Xem các Kỳ 9, Kỳ 10Kỳ 11).
Sau tuyên bố trên, “cái bóng Tần Thủy Hoàng” không chỉ in lên “ba ngọn cờ hồng” mà còn đè nặng xuống 10 năm tang tóc của cuộc đại sát thương văn hóa do Mao chủ xướng và chỉ đạo. Vậy, Mao đã “kết hợp Tần Thủy Hoàng” vào quyết sách sai lầm của mình ra sao ?
Tần Thủy Hoàng: “đốt hết sử sách” (năm 213 trước CN), lệnh tất cả đầu đen (nhà Tần gọi dân là “đầu đen”) không ai được phép đọc sách để “ôn cố tri tân”. Ai giữ Kinh Thư, Kinh Thi và trước tác của “trăm nhà” phải đem nộp hết (để thiêu hủy). Nếu bắt quả tang “hai người dám bàn nhau về việc Kinh Thi, Kinh Thư thì chém giữa chợ, lấy đời xưa mà chê đời nay thì giết cả họ”.
Trong 30 ngày (kể từ lệnh ban ra) nếu ai “không đốt sách” sẽ bị “khắc vào mặt”. Pháp luật nghiêm ngặt, hành xử hà khắc “không tha một ai” (Sử ký Tư Mã Thiên - bản dịch của Phan Ngọc, NXB Thời Đại, 712 trang, Hà Nội quý IV-2010, tr. 48).
Lưu ý: Tần Thủy Hoàng “chỉ đốt sách trong dân gian chứ không đốt sách trong quan phủ (…) chỉ muốn thống nhất tư tưởng chứ không phải muốn tận diệt các học thuyết đương thời (…) cấm không cho mở trường tư nhưng cho phép tìm đến học với các bác sĩ (chức quan dành cho các học giả)” (Phùng Hữu Lan - Lịch sử triết học Trung Quốc, Lê Anh Minh dịch, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 2006, tập I-tr. 57). Còn Mao?
Mao hiệu triệu: “quét sạch tư tưởng cũ, văn hóa cũ, tập quán cũ, phong tục cũ”, lục soát sách vở và “tàn dư tứ cựu” của hơn 10 triệu nhà trong nước, 100.000 nhà ở Thượng Hải, riêng Bắc Kinh 114.000 nhà bị “truy cứu văn hóa”, có vụ lôi cả hàng vạn cuốn sách của tiền nhân vứt ra vỉa hè, chất đống và châm lửa đốt nghi ngút trên đường phố thủ đô…
Ở giai đoạn cao trào, Bắc Kinh nêu gương đưa hơn 200 “tiểu tướng hồng vệ binh” xuất quân từ các trường đại học kéo về Sơn Đông xâm phạm thô bạo khu di tích Khổng Tử. Từ các lăng mộ của vua chúa (như Thành Cát Tư Hãn, Chu Nguyên Chương), danh thần hào kiệt (như Gia Cát Lượng, Hạng Vũ) đến văn gia danh họa (như Ngô Thừa Ân, Từ Bi Hồng) đều bị đập phá. Mao cổ vũ để “hồng vệ binh tàn phá sát hại khắp nơi, hủy hoại điên cuồng như những kẻ mất trí” (Trần Trường Giang - sđd. kỳ 8, tr. 44).
*Tần Thủy Hoàng ngại kẻ sĩ “lấy cái học riêng” ra đường, đến chỗ đông người “bàn bạc chê vua của mình để lấy danh, làm cho khác người để tỏ là cao, bày cho kẻ dưới phỉ báng. Nếu như thế mà không cấm thì ở trên uy thế của nhà vua sẽ bị giảm sút, ở dưới các bè đảng sẽ nổi lên. Nên cấm là hơn”. Tần Thủy Hoàng phán đúng (Sử ký Tư Mã Thiên - sđd. tr. 47-48). Còn Mao?
Mao muốn hạ thấp và xóa bỏ hình ảnh “kẻ sĩ”, chọn một trí thức điển hình, có uy tín ở ngay Bắc Kinh để “tế sinh” - đó là giáo sư Tưởng Nam Tường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục: “Đại cách mạng văn hóa vừa mới bắt đầu, Tưởng Nam Tường là người đầu tiên bị bức hại (…) do trên mình có “hai quân bài đen” là Bộ trưởng Giáo dục cao đẳng, kiêm hiệu trưởng trường Đại học Thanh Hoa danh tiếng, nên tháng 8.1966 Tưởng Nam Tường đã bị bức cung suốt 3 ngày 3 đêm liền. Đại hội phê đấu quần chúng với thanh thế to lớn được mở đi mở lại liên tục. Có người thống kê tiết lộ, lúc cao điểm, việc thẩm vấn phê đấu đối với Tưởng Nam Tường mỗi ngày lên tới 27 lần (…).
Đến khoảng một năm sau (7.1967), Tưởng Nam Tường bị quy vào “phần tử xét lại” loạt đầu tiên, có thể chỉ tên phê phán trên báo chí trong toàn quốc” - bị tước đoạt tự do cá nhân và đưa vào khu Vệ Mậu ở Bắc Kinh để “giám hộ” (Mã Linh - Lý Minh: Hồ Cẩm Đào - con đường phía trước, NXB Minh Báo, Trung Quốc - Hồng Phương biên dịch, NXB Lao Động và Hương Thủy Bookstore ấn hành, Hà Nội 5.2011 - tr. 68-69). Những giảng viên do Bộ trưởng Tưởng Nam Tường tiến cử như “phụ đạo chính trị” Hồ Cẩm Đào đều bị ảnh hưởng, ghi “sổ đen”.
Lúc ấy Hồ Cẩm Đào (nguyên Tổng Bí thư Đảng CS Trung Quốc từ 2002, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa nhiệm kỳ 2003-2013) đã “từ một hạt giống đỏ rớt xuống thành đứa con của bè lũ đen tối Tưởng Nam Tường” bị nêu tên lên báo chữ to, bị hô đả đảo, ghép vào “nanh vuốt của phái hữu”. (Mã Linh - Lý Minh, sđd. tr. 69)
* Tần Thủy Hoàng tra xét nhà Nho “có hơn 460 người phạm điều đã cấm, Thủy Hoàng sai chôn sống tất cả ở Hàm Dương, báo cho thiên hạ biết điều đó để làm răn. Lại sai đày ra biên giới nhiều người (nhà Nho) bị tội để đi thú” (Sử ký Tư Mã Thiên - sđd tr. 22). Còn Mao?
Mao giam cầm bức hại 552.877 trí thức (bị quy “hữu khuynh”) trong suốt 20 năm (xem thêm Kỳ 30: Lật lại hồ sơ chỉnh phong). Kỳ thị trí thức mới (tân học), Mao còn triệt phá “tư tưởng cũ” và đập bỏ những biểu tượng tín ngưỡng, đưa phong trào lên tới đỉnh Tuyết Sơn. Nhà văn Nguyễn Tường Bách trong chuyến hành hương Tây Tạng năm 2011, đã ghé qua tu viện cổ Tradun Tse (có lịch sử tạo lập từ hơn 1.300 năm nay), ghi lại tàn tích của cách mạng văn hóa còn in dấu ở đó “họ móc mắt của các tượng Phật, gạch chéo khuôn mặt của các ngài, hình như làm vội để kéo nhau đi nơi khác. Chúng tôi im lặng nhìn các tượng Phật đã bị hủy phá một cách thô bạo theo ngón tay chỉ của anh hướng dẫn kín tiếng. Những kẻ phá hoại còn lấy giấy báo dán lên mặt các tượng Phật, dường như không muốn ai nhìn thấy các vị. Các tấm giấy báo xưa cũ đó còn ghi ngày tháng phát hành cho ta biết chúng đã xảy ra trong thời gian nào” - Xem thêm Kỳ 17: Mổ bụng tượng Phật tìm vàng (Nguyễn Tường Bách - Đường xa nắng mới, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội 2012, tr. 233).
Tần Thủy Hoàng “chuyên dùng bọn pháp quan (giữ việc xét xử), bác sĩ tuy có 70 người nhưng chỉ cho đủ số chứ không được dùng. Thừa tướng và các quan đại thần đều nhận được những điều đã quyết định xong”. Nhà vua “thích việc hình phạt chém giết để ra uy” và không muốn nghe nói đến sai lầm của mình, nên “cấp dưới thì sợ nép một bề, nói dối để được dung thân” (Sử ký Tư Mã Thiên - sđd. tr. 51).
Mao Trạch Đông cũng thích đọc những “báo cáo dối”, như của tỉnh ủy Hà Nam gởi lên, dám thổi phồng “thành tích hảo”: sản xuất hơn 18.500 tấn gang mỗi ngày ! Mao hài lòng, đưa Hà Nam lên điển hình trên Nhân dân nhật báo để cả nước học tập. Nhưng Cao Dương - Thứ trưởng Bộ công nghệ và giao thông đã trình lên Mao “báo cáo thật” về số lượng và chất lượng gang thép gian dối của Hà Nam. Thay vì điều tra thật hư, Mao lại lập tức quay ngược quy kết “báo cáo thật” của Cao Dương là ngọn gió độc mưu toan thổi ngã “ba ngọn cờ hồng”, bắt Cao Dương cùng vợ con đày đến Quý Dương (không cần xét xử).
* Tần Thủy Hoàng: chữ “Thủy” ở đây có nghĩa: “bắt đầu” (như trong : thủy tổ, nguyên thủy, thủy chung) - vậy Tần Thủy Hoàng nghĩa là “hoàng đế mở đầu (khai sáng)” nhà Tần (An Chi giải thích - Kiến thức ngày nay số 405, ngày 10.11.2011). Tần Thủy Hoàng nói:
- Trẫm là Thủy Hoàng đế, các đời sau cứ theo số mà tính: Nhị thế, Tam thế, đến Vạn thế truyền mãi mãi…
Nhưng đến đời thứ hai : Nhị thế (Hồ Hợi) bị bức tử, xin cùng vợ con làm dân thường, sống chung đụng với bọn “đầu đen” cũng chẳng được, phải tự sát. Đến đời thứ ba: Tam thế (Tử Anh) lên thay mới 46 ngày phải “buộc dây ấn vào cổ… ngồi trên một chiếc xe gỗ không sơn do một con ngựa trắng kéo (ngõ ý như báo tang) mang ấn phù của thiên tử đầu hàng Bái Công” - bị Hạng Tịch giết, đốt cung thất, làm cỏ thành Hàm Dương. Nhà Tần diệt (mới ba đời ngắn ngủi). Còn Mao?
Mao đã 8 lần tiếp hơn 11 triệu hồng vệ binh khắp nơi trong nước tụ về Bắc Kinh, đánh chiêng khua trống cả ngày đêm, tung hô: “Mao chủ tịch muôn năm” suốt hai tháng trời (10 và 11.1966). Và hô hào: “Đảng bất biến tu - Quốc bất biến sắc” - hiểu là: “Đảng không biến chất - Nước chẳng đổi màu” - nhưng Mao vừa nằm xuống, ngọn gió thời đại đã lật lịch sử sang trang khác và hé lộ dần dần nhiều tài liệu mật về “mặt trái” của Mao. Mao chẳng phải thần thánh, Mao là người với đầy đủ hỷ nộ ái ố, có bệnh ưa “sùng bái cá nhân” và có “bác sĩ riêng”! Nhất là có đầy tham vọng bá quyền truyền lại cho các thế hệ lãnh đạo ở Trung Nam Hải theo con đường của Mao đã vạch để thực hiện thủ đoạn xâm lược “lấy ngoài yên trong”:
“Xâm lược nước láng giềng là cách kiếm lợi nhưng chủ yếu là để tăng thêm uy thế. Đánh là cướp bóc mà cũng để đòi thêm cống nạp. Nhưng đánh cũng còn để ra oai, tỏ ra còn đủ sức trừng phạt những ai lăm le chống đối. Cho nên nhiều khi đánh là để mua danh. Sự thuần phục của chư hầu - nhiều khi chỉ là về danh nghĩa - cũng tăng thêm uy thế đối nội và đối ngoại, cứu vớt được thế suy sụp.
Đó là con đường lấy ngoài yên trong của hoàng đế” (Giáo sư Trần Đình Hượu). Công Kiên trích đoạn trên trong bài “Giáo sư Trần Đình Hượu - Người vạch trần chủ nghĩa Đại Hán” (Báo điện tử Nghệ An 6.7.2014) và bình như sau: “Chúng ta dễ dàng nhận thấy kết luận này không chỉ đúng với bản chất các triều đại phong kiến Trung Quốc mà còn đúng với bản chất của nước Trung Hoa ngày nay. Khi đang phải đối mặt với không ít vấn đề nảy sinh từ trong nước như bạo loạn ở khu tự trị Tân Cương, nền kinh tế có những dấu hiệu bất ổn, sức ép về dân số... lập tức nhà cầm quyền Bắc Kinh tìm cách đẩy mâu thuẫn ra ngoài. Điều này thể hiện ở chỗ gây hấn với các nước làng giềng như tranh chấp biên giới với Ấn Độ, tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản và các nước ASEAN...”. (Còn tiếp)
Giao Hưởng