Phổ Nghi thích “được” giam ở các nhà tù của Stalin có rượu vodka với bánh mì cá hộp hơn là “bị” giam trong các lồng sắt của Mao Trạch Đông ở Cáp Nhĩ Tân…
Cáp Nhĩ Tân là viên bạch ngọc bên sông Tùng Hoa - trung tâm chính trị văn hóa của vùng Hắc Long Giang - lấp lánh sáng ngời trong mùa có tuyết đông, nên thường được gọi với tên trìu mến “thành phố của hoa tuyết trắng”. Hoặc: Băng thành (Băng đăng chi thành). Là trọng trấn ở vùng biên cương phía Bắc Trung Quốc, Cáp Nhĩ Tân đẹp và được ví như “Mạc Tư Khoa ở phương Đông”, song đối với Phổ Nghi, Cáp Nhĩ Tân đã thành tên gọi “một nỗi lòng” - bởi ở đó ông đã bị Mao Trạch Đông giam cầm trong “cũi sắt” suốt hai năm (xem Kỳ 71).
Nằm trong cũi, ông hồi hộp lo lắng khi nghe cán bộ quản lý đọc công bố về “điều lệnh trừng trị phản cách mạng” và bị đình chỉ không cho xem sách báo, bắt phải tập trung suy nghĩ viết bản tự bạch (9.1951). Gần nửa năm sau (cuối hè 1952), lần đầu tiên Phổ Nghi chịu kể lại tỉ mỉ mối liên hệ giữa ông với guồng máy xâm lăng của “đế quốc mặt trời đỏ Nhật Bản” (lá quốc kỳ của Nhật có biểu tượng “mặt trời đỏ hình tròn” trên nền trắng) tại miền Mãn Châu - Trung Quốc.
Mối liên hệ trên ông cũng đã trình bày với đại diện Cục Nội vụ của Stalin trong 5 năm bị giam giữ tại Liên Xô (1945 - 1950) và Liên Xô từng đưa ông sang Nhật để 8 lần ra trước pháp đình làm nhân chứng tại Tòa án quân sự quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh mở tại Tokyo “với hội đồng thẩm phán gồm đại diện 11 nước: Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Áo, Canada, New Zealand, Hà Lan, Philippines. Bị cáo gồm 28 tội phạm chiến tranh người Nhật, những kẻ khởi xướng và tổ chức cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản…Kết quả tòa kết án 25 bị cáo với 7 án tử hình, 16 tù chung thân và 2 tù dài hạn” (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, dẫn ở Kỳ 58, tr. 165).
Nội dung phạm tội bao gồm hậu quả tai hại do đội quân xâm lược của “đế quốc mặt trời đỏ” gây nên trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, như trường hợp: “Ngày 13.12.1937, quân Nhật chiếm thủ đô của chính phủ Quốc dân đảng ở Nam Kinh. Tại thành cổ Kim Lăng chúng ra tay tàn sát suốt 6 tuần liền. những người dân lành vô tội Trung Quốc bị chúng giết tập thể, đốt, chôn sống, tổng cộng tới hơn 300.000 người. Máu của quân dân Trung Quốc tử nạn làm đỏ ngầu sông Hoàng Phố, nhuộm đỏ cả Trường Giang” (Mao Mao, sđd ở Kỳ 53-54, tr. 526). Những năm tiếp đó đội quân “mặt trời đỏ” tràn qua biên giới Trung Quốc đến Việt Nam theo những ngày đáng nhớ sau:
“2.7.1940: chúng chia thành nhiều đoàn đóng ở các tỉnh biên giới với Trung Quốc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Móng Cái, Lào Cai, Hà Giang và cảng Hải Phòng - nơi tiếp nhận vũ khí do Mỹ chuyển đến (cho quân đội Tưởng Giới Thạch). Đó là hành động quân sự đầu tiên của Nhật xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
“22.9.1940: quân đội Nhật từ tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc vượt qua biên giới tấn công quân đội Pháp ở Lạng Sơn từ nhiều hướng khác nhau. Đến 25.9.1940, chỉ huy quân Pháp ở Lạng Sơn là tướng Mennerat phải đầu hàng vô điều kiện. Cũng từ ngày đó, Pháp buộc phải cung cấp lương thực cho quân đội Nhật.
“26.9.1940: hải quân Nhật trên tuần dương hạm đổ bộ vào bãi biển Đồ Sơn, nhằm chiếm đóng miền ven biển Bắc Kỳ và tả ngạn sông Hồng. Đồng thời cho 3 máy bay ném bom thành phố Hải Phòng (…) liên tiếp đánh chiếm Hà Nội, Bắc Ninh và các địa phương khác”. (Chứng tích Pháp - Nhật trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhiều tác giả, Sở VHTT TP. HCM - Trung tâm KHXH & NV TP. HCM, NXB Trẻ 2001, tr. 354-355).
Như vậy, theo trên - chỉ trong chưa đầy ba tháng (7.1940 đến 9.1940)“từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa” (Hồ Chí Minh - Tuyên ngôn độc lập 2.9.1945).
Khoảng cuối năm 1944, quân số của Nhật ở Bắc Kỳ đã lên tới gần 100.000 người (theo tài liệu của J. Laversanne - do bác sĩ Ngô Văn Quỹ dẫn trong Chứng tích Pháp - Nhật.., sđd tr. 401). Cũng theo BS Ngô Văn Quỹ - Bắc Kỳ lúc đó đã thiếu gạo, vì 3 trận bão tàn phá, mùa màng thất thu, lại thêm bị quân Nhật buộc phải nhổ lúa để trồng cây công nghiệp cung ứng cho kỹ nghệ chiến tranh Nhật. Phải nuôi thêm 100.000 miệng ăn của lính Nhật, nên nông thôn miền Bắc kiệt quệ và dẫn đến thảm họa của nạn chết đói năm Ất Dậu 1945.
Xét đến tội phạm chiến tranh do “đế quốc mặt trời đỏ” gây ra không thể không nhắc đến nạn đói kinh hoàng đó - mà một nhân chứng lịch sử là nông dân Văn Khuê kể và ghi qua Mây trắng đường Trường Chinh (NXB Văn nghệ TP. HCM 1997, trang 22 - dẫn theo Lê Thùy Trang):
“Ngay tại thủ đô Hà Nội, hàng hàng lớp lớp dân quê ở các vùng lân cận người người lết tới. Họ tụ tập quanh các chợ, các quán ăn, các đình chùa, nhà thờ, các nơi vui chơi giải trí, sống vất vưởng ở lề đường ngửa tay xin ăn. Người nào người nấy siêu siêu, vẹo vẹo, chập chờn như cái bóng ma, chân tay gầy đét, xạm đen như những que củi cháy xém. Mặt mày hốc hác, chỉ còn lại hai hố mắt và hai hàm răng nhô ra trên khuôn mặt gầy vêu. Ác hại thay năm đó sao mà lạnh thế, rét nứt nẻ chân tay, lạnh buốt thấu xương… Thử hỏi những người nghèo khổ, đói ăn, khát uống, màn trời chiếu đất, phơi gió, phơi sương, không chăn, không chiếu, chịu sao cho thấu…”
Hồi nạn đói xảy đến, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu ở gần ngã tư Trung Hiền - Bạch Mai kể và ghi trong “Chứng tích Pháp - Nhật…” - sđd tr. 381: “Đầu năm 1945, người chết đói la liệt trên đường phố Hà Nội. Mỗi sáng, xe bịt bùng đi thu lượm xác chết. Sau phải lấy thêm xe bò chở, xác chết chỉ còn da đen đủi bọc xương khẳng khiu, chất đống lên nhau, tay chân chĩa ra như cành củi khô, không có gì che đậy. Người chết hầu hết là dân quê đồng bằng sông Hồng ra Hà Nội xin ăn. Cho nên, ngày nào cũng nhìn thấy những xe xác kinh hãi đau thương ấy đi qua…” (còn nữa).
GIAO HƯỞNG