Kỳ 13: Hậu thuẫn tướng Nguyễn Khánh, Mỹ tiên liệu có đánh bom nguyên tử ở VN

Hồ sơ - Ngày đăng : 06:44, 29/11/2014

Dưới áp lực của các biến cố và do không nhận thấy rõ liệu các hành động sẽ dẫn đến đâu, chúng tôi bắt đầu thay đổi diễn biến tình hình. Ngày 21/2, Tổng thống điện cho Lodge “Các bộ trưởng Rusk và McNamara, với sự chấp thuận của tôi, vừa bắt đầu chuẩn bị các kế hoạch đặc biệt gây áp lực nơi BVN, cả về mặt ngoại giao lẫn quân sự”.

Ông cũng cho biết thêm rằng tôi sẽ sang Sài Gòn vào đầu tháng 3 để tìm hiểu quan điểm của Lodge, sau đó “chúng tôi sẽ có quyết định dứt khoát”. Cùng ngày hôm đó, tôi yêu cầu Bộ chỉ huy liên quân nghiên cứu một loạt các hành động chống BVN nhằm khiến “chánh phủ này chấm dứt hậu thuẫn và cổ võ cuộc nổi dậy ở NVN và… Lào”. Tôi cũng yêu cầu nghiên cứu xem Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào tại Đông Dương, Thái Lan, Đại Hàn hoặc Đài Loan, và Mỹ sẽ sử dụng phương tiện nào, không quân hay hải quân hoặc bộ binh để đáp trả phản ứng của Trung Quốc.

Các tướng lãnh trả lời bằng một văn kiện dài đề ngày 2/3, trong đó họ lại tái khẳng định quan điểm của họ về “tầm quan trọng của các quyền lợi Mỹ về mặt an ninh qua việc ngăn ngừa mất NVN”. Để đạt đến mục đích đó, họ phát biểu rằng chúng ta nên chuẩn bị phá hủy các mục tiêu quân sự và kỹ nghệ tại BVN, thả mìn và phong tỏa các hải cảng. Họ cũng thừa nhận rằng, Trung Quốc có thể sẽ can thiệp quân sự nhằm đáp trả hành động của chúng ta và… rằng những vụ tấn công bằng vũ khí nguyên tử là một khả năng có thể xảy ra.

Thật rõ ràng: các tướng lãnh chỉ huy liên quân nhìn nhận rằng kế hoạch của họ sẽ dẫn đến một sự thay đổi trong chính sách của Mỹ - kể cả việc có thể sử dụng vũ khí hạt nhân – tuy nhiên họ yêu cầu thực hiện kế hoạch của họ.

Trong những tháng đó, tình hình tại NVN xấu hẳn đi. Ngày 29-1-1964, một nhóm sĩ quan trẻ cầm đầu bởi Nguyễn Khánh đã lật đổ chánh phủ chia năm xẻ bảy và không hiệu quả. Washington đã chẳng cổ võ cũng chẳng giúp đỡ gì cuộc chánh biến này. Thật ra sự hỗn độn mãn tính mà vụ đảo chánh này là một biểu tượng đã làm cho Johnson ngày càng thêm âu lo và càng khiến ông ngày càng tin rằng sự bất ổn định chính trị sẽ làm đứt đoạn các nỗ lực chiến tranh. Ông cảm thấy cần phải làm cho Khánh trở thành “tay chân” của chúng tôi.

Khánh mới chỉ 37 tuổi. Tốt nghiệp Fort Leavenworth (học viện chỉ huy tham mưu của Mỹ), sau đó chỉ huy sư đoàn rồi thì quân đoàn. Khánh có kinh nghiệm rộng rãi về quân sự nhưng lại ít hiểu biết về chính trị và kinh tế. Mặc cho có những hạn chế đó, nhiều người Mỹ và cả chuyên viên du kích chiến người Anh Robert Thompson vẫn xem Khánh như là tướng NVN có khả năng nhất.

Trước khi tướng Max và tôi lên đường đi Sài Gòn, Tổng thống gọi chúng tôi đến tòa Bạch Ốc dặn dò: “Này Bob, tôi muốn thấy ông chụp cả ngàn bức ảnh với tướng Khánh, cười thật tươi và vẫy tay nhiều vào, sao cho dân chúng ở đó thấy rằng nước Mỹ này đứng cả đằng sau Khánh.”

Tổng thống ước gì được nấy ngay. Thế là mặc cho tôi có bối rối đến đâu, trong những ngày giữa tháng 3 đó, dân chúng Mỹ hễ giở báo ra hoặc bật TV lên là thấy ngay ảnh tôi – cứ như một chính khách đang vận động bầu cử - lặn lội khắp NVN, từ đồng bằng sông Cửu Long ra đến Huế, quàng vai bá cổ tướng Khánh đoản người song lại ba hoa, trước những đám đông người Việt, cố ra sức quảng cáo Khánh với chính dân chúng của anh ta. Chừng nào mà chúng tôi không nhìn nhận bản chất cuộc đấu tranh của BVN và của VC là một cuộc đấu tranh dân tộc, chúng tôi không bao giờ hiểu được rằng chính việc công khai đồng hóa Khánh với nước Mỹ càng khiến cho người dân Việt ghi khắc vào đầu rằng chính phủ của Khánh đã không thu hút sự ủng hộ từ nơi dân chúng mà từ nơi Mỹ.

Chuyến đi VN của tôi càng làm cho tôi hiểu ra rằng Khánh không có được sự thu hút chính trị rộng rãi hoặc sâu xa. Hơn nữa, chẳng có gì để chắc chắn rằng Khánh kiểm soát được quân đội. Tôi khuyến cáo Tổng thống Johnson đừng khởi đầu các cuộc không kích và nhấn mạnh rằng Khánh cùng quan điểm với tôi; Khánh than rằng NVN không đủ mạnh để chịu đựng những đòn trả đũa.

Peter Hakes của đài truyền hình NBC phỏng vấn tôi trong văn phòng của tôi ở Ngũ giác đài. Đến gần cuối cuộc phỏng vấn, anh ta hỏi tôi: “Trong những điều kiện nào nước Mỹ sẽ hậu thuẫn những vụ đánh phá BVN?”. Tôi trả lời rằng: “Bất cứ một diễn biến tối hậu nào mà phía bên kia buộc chúng tôi phải tiến hành (chống lại BVN)… cũng phải được hiểu như là một biện pháp bổ sung chứ không hề là một biện pháp thay thế cho những thành quả (phải có) ở (trong lãnh thổ) NVN.”

Cũng khoảng thời gian đó, tháng 4/1964, tướng Khánh quay ra đổi ý và bắt đầu nói đến việc tấn công BVN. Thất vọng vì cuộc chiến dai dẳng và chán ngán, bực mình vì chẳng thấy tiến bộ gì cả tại NVN, lại bị làm phiền bởi những can thiệp liên tục của Hà Nội, Khánh lại càng nhìn thấy việc tấn công BVN như một giải pháp. Gặp Lodge hôm 4-5, Khánh hỏi thẳng liệu Mỹ sẽ chuẩn bị cho việc oanh tạc BVN hay chưa. Tổng thống lại đề nghị tôi trên chuyến trở về từ một cuộc họp với các lãnh đạo Tây Đức tại Bonn, ghé Sài Gòn để cùng Max xem xét lại vấn đề này với Lodge, Harkins và Khánh.

Tôi gặp Khánh tại Sài Gòn ngày 13/5. Anh ta nói quả đã thay đổi ý kiến ngay từ chuyến viếng thăm của tôi hồi tháng 3. Kế hoạch hành động giấu mặt 34A chống lại BVN đã không tỏ ra có hiệu quả và cũng sẽ không có cơ may gì hơn (tôi nhất trí với nhận xét này). Song, trái với những gì anh ta nói với tôi hồi tháng 3, lần này Khánh lý luận rằng việc NVN thiếu đoàn kết cũng như sức mạnh lại chính là một lý do để đánh phá miền Bắc ngay trong lúc này, hơn là cứ chờ đợi cho đến khi nào sửa sai được những yếu kém.

Đến khi tôi sắp sửa rời Sài Gòn, Khánh lại đột ngột đổi ý một lần nữa. Anh ta lại bảo với tôi rằng anh ta chưa muốn không kích miền Bắc ngay vì lẽ các lực lượng NVN chưa sẵn sàng cho việc này và cũng chẳng muốn nhờ cậy đến máy bay chiến đấu của Mỹ.

Lodge tỏ rõ sự không đồng ý của mình. Ông ta muốn không kích BVN, vừa để cắt đứt sự xâm nhập về người và tiếp liệu vào NVN vừa để bẻ gãy ý chí theo đuổi cuộc chiến của BVN. Lodge cũng ngụ ý cho biết Khánh có thể sẽ bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính khác, trong trường hợp đó “Mỹ sẽ chuẩn bị để đảm đương mọi việc ở nước này, có thể là từ vịnh Cam Ranh”. Tôi bàng hoàng không tin nơi lỗ tai mình nổi nữa. Thế nhưng tôi chịu không thể đưa ra cho Tổng thống một lời khuyên nào nhằm ngăn ngừa một vụ chính biến khác hoặc để đáp ứng với tình thế khi cuộc chính biến đó xảy ra”

Danh Đức dịch (tiêu đề của Một Thế Giới)