Kỳ 87: Chúa Giê-su vẫn có mặt ở Tây An

Hồ sơ - Ngày đăng : 06:57, 26/11/2014

Với tham vọng “lãnh đạo cách mạng thế giới” Mao Trạch Đông đưa ra cương lĩnh 25 điểm về đường lối chung của phong trào cộng sản quốc tế để triệu tập hội nghị 11 Đảng Cộng sản nhưng Việt Nam từ chối tham gia…
Tổng bí thư Đảng CS Trung Quốc Đặng Tiểu Bình thông báo với lãnh đạo Việt Nam (Hà Nội) ý kiến chỉ đạo của chủ tịch Mao Trạch Đông sẽ viện trợ một tỷ nhân dân tệ (1963), nếu Việt Nam “khước từ mọi viện trợ của Liên Xô” “thiết tha yêu cầu Việt Nam đồng tình” với Trung Quốc để thành lập “quốc tế cộng sản mới” do Mao Trạch Đông đứng đầu.

Nhưng phía Việt Nam “không tán thành việc họp hội nghị 11 đảng và không để những người lãnh đạo Bắc Kinh dùng đất nước Việt Nam làm mưu đồ bành trướng của họ - do thái độ kiên quyết của phía Việt Nam nên cương lĩnh 25 điểm không gây được tiếng vang, âm mưu lập quốc tế cộng sản mới cũng không thành” (Công bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam 4.10.1979).

Từ đó Mao Trạch Đông giảm đi nhiều “thiện cảm” với Hà Nội. Đến cuối thập niên 1960 - đầu thập niên 1970, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhận định: “cuộc đại cách mạng văn hóa thực chất là một cuộc đấu tranh nội bộ điên cuồng và đẫm máu làm đảo lộn toàn bộ xã hội Trung Quốc” nhằm “khôi phục vị trí độc quyền lãnh đạo của chủ tịch Mao Trạch Đông” theo hướng chủ nghĩa xã hội không tưởng và phong kiến (tài liệu đã dẫn).

Khát vọng làm “lãnh tụ cộng sản thế giới” của Mao được Tuyên Hóa thượng nhân (xem Kỳ 86) trong bài thuyết giảng tại Mỹ về cám dỗ của ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy (tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và mê ngủ), đã phân tích: “ Có số người cảm thấy danh phận mình chưa đủ tiếng tăm, bèn cố ý tạo cho tên tuổi mình được lừng lẫy, kể ra như Mao Trạch Đông chẳng hạn, tên tuổi ông ta vang dội một thời - nhưng thoáng một cái là đã chết”. Trước cái chết, những người duy vật không tin có một đời sống sau ngày nhắm mắt:

“ Vì tin tưởng chỉ có cuộc đời này mà thôi, không có đời nào khác, cho nên người thời nay không phát triển một tri kiến sâu xa nhắm đến trường kỳ. Do đó không có gì để ngăn cản họ khỏi cướp bóc quả địa cầu vì những mục tiêu cấp thời, hoặc ngăn họ sống một cách ích kỷ, gây tai họa cho tương lai”. Đó là nhận định của Sogyal Rinpoche qua tác phẩm kinh điển về tâm linh hiện đang vào hàng bán chạy nhất thế giới: Tạng thư sống chết (nguyên bản tiếng Anh: The Tibetan book of living and dying, Thích Nữ Trí Hải dịch, NXB Hồng Đức và Thiện Tri Thức - TP. HCM 2014).
Soyal Rinpoche viết thêm: “Mọi truyền thống tôn giáo lớn của nhân loại, dĩ nhiên trong đó có Ki-tô giáo, đều nói rõ cho ta biết rằng chết không phải là hết”. Mao Trạch Đông và những nhà duy vật máy móc của Trung Nam Hải bác bỏ và đàn áp các truyền thống tôn giáo đó. Họ phát động “quét sạch tứ cựu”, trong đó có những di vật văn hóa của Ki-tô giáo trên đất Trung Quốc. Nhưng Mao vẫn không thể “quét hết” được. Điển hình:

Một tấm bia ghi dấu hiện diện của Cơ đốc giáo tại Trung Quốc dựng từ thế kỷ thứ 8 vẫn tồn tại vững vàng sau cơn sóng gió bài trừ tôn giáo của Mao và hiện là một trong 2.300 tấm bia lưu giữ bên trong Viện Bảo tàng lịch sử Thiểm Tây. Có thể nắm rõ sự việc qua đoạn văn của Xa Mộ Kỳ trong cuốn “Tơ trù chi lữ” - NXB Tam Liên thư điếm, Hương Cảng 1986 (Con đường tơ lụa - Nguyễn Phố dịch, NXB Trẻ và Việt Long - TP. HCM - 2008 , tr. 34):

“Tấm bia nổi tiếng có dòng chữ “Đại tần Cảnh giáo lưu hành Trung Quốc bi” (bia ghi việc lưu hành đạo Cảnh giáo của La Mã ở Trung Quốc) lập năm 781 CN. Phần trên của tấm bia này có khắc dấu hiệu “Thập tự giá”, một biểu trưng của Cơ đốc giáo. Văn bia có cả chữ Hán lẫn chữ Sulia. Giáo phái Cảnh giáo (Nestorians) được truyền sang Trung Quốc là do người Ba Tư (“Đại tần” ở đây chỉ La Mã). Bia đá vốn được đặt tại nhà thờ Đại Tần vào đời Đường tại kinh đô Trường An mà sử sách gọi là chùa Ba Tư. Tại sao vậy ?

Vì từ thế kỷ thứ IV - CN, Cơ đốc giáo là quốc giáo của La Mã; về sau La Mã bị phân thành Đông La Mã và Tây La Mã nên Cơ đốc giáo cũng phân làm Tây chính giáo và Đông chính giáo (Hy Lạp giáo). Cảnh giáo là một phái của Đông chính giáo phân ra và thịnh hành ở Ba Tư cổ. Tấm bia đá ấy nói rõ Cảnh giáo là một phân chi của Cơ đốc giáo La Mã thông qua Ba Tư rồi truyền sang Trung Quốc. Trên tấm bia có khắc tên họ của hơn 70 tăng lữ toàn người Ba Tư, trong đó có người tên là: Alaben - vị thầy tu Ba Tư đầu tiên truyền Cảnh giáo vào Trung Quốc”. Bia đá trên với biểu trưng “thập tự giá” đã ghi dấu “sự có mặt của Chúa Giê-su” trong tâm cảm của người Tây An từ lâu đời.

Còn Mao, Mao đả kích, giam giữ và nếu cần ra tay giết hại tín đồ của Chúa Giê-su, của Phật Thích ca, lẫn những người theo tín ngưỡng thờ “ông Trời” (Ngọc Hoàng thượng đế). Dẫu vậy, bên cạnh Mao lúc nào cũng sẵn có một “bà trời”: Giang Thanh.

Bà trời ? Đúng. Bằng chứng:

Một bữa, gần tất niên 1973, Giang Thanh tự mình lái xe hơi riêng xông thẳng vào trước thư phòng của Mao Trạch Đông tại Trung Nam Hải. Phó Chủ nhiệm văn phòng Trung ương phụ trách công tác bảo vệ Mao Trạch Đông là Trương Diệu Từ, cùng vệ sĩ Triệu Quế Lai chạy ra, xin Giang Thanh đừng tự ý xông vào, chờ thông báo với Mao chủ tịch đã. Nhưng “bà trời” gạt phăng, chỉ mặt hai người, mắng: “Dám chắn đường không cho ta vào à… các người là một lũ đặc vụ, phản cách mạng!”. Rồi Giang Thanh cứ thế hằm hằm vào gặp Mao Trạch Đông đòi phải đưa… 30.000 nhân dân tệ ! (còn nữa).

GIAO HƯỞNG