Hồi ký McNamara - Kỳ 19: Tướng tá Sài Gòn đấu đá, Nhà Trắng đau đầu
Hồ sơ - Ngày đăng : 05:36, 13/12/2014
Johnson hoàn toàn có lý để âu lo về tình hình mong manh của NVN. Chỉ 4 ngày sau đó, một vụ chính biến đã gần như xảy ra tại NVN, lần này do cánh Công giáo trong quân đội thực hiện. Họ cho rằng tướng Khánh quá thân với giới Phật giáo. Thế là cánh Công giáo này đổ quân vào Sài Gòn chiếm một số cơ quan chính phủ trước khi bị một số sĩ quan trẻ trung thành với Khánh đẩy lui.
Giữa lúc tình hình trở nên đen tối như thế, Thứ trưởng Ngoại giao George Ball gửi cho Ngoại trưởng Dean Rusk, Cố vấn An ninh Mac Bundy và tôi một bản phúc trình dầy 62 trang xét lại “mệnh đề” của chính sách Mỹ tại VN hiện tại. Bản phúc trình bắt đầu với những nhận định công khai: tình hình chính trị tại Sài Gòn đã thoái hóa một cách đáng kể, và ít có khả năng thành lập được một chính phủ đủ mạnh để chiến thắng cuộc nổi dậy. Sau đó, nêu ra 4 phương pháp chọn lựa: 1/ Tiếp tục diễn biến như hiện nay. 2/ Chủ động chiến tranh. 3/ Không kích BVN. 4/ Tiến đến một giải pháp chính trị.
George Ball phân tích từng phương án một. Theo ông ta, diễn biến tình hình hiện tại sẽ dẫn đến sự suy yếu chính trị và quân sự ngày càng đi xuống theo đường xoắn ốc. Chủ động giành lấy nỗ lực chiến tranh sẽ dẫn đến việc binh sĩ Mỹ phơi thây trong các rừng rậm và trên các đồng ruộng. Oanh kích BVN sẽ chẳng làm sứt mẻ được tinh thần chiến đấu của BVN cũng như khả năng yểm trợ cho VC. George Ball cũng nói rằng không kích sẽ chẳng làm cho vị thế của chúng ta được tăng mạnh hơn trong trường hợp đàm phán (tuy nhiên qua năm sau George Ball sẽ xét lại ý kiến này).
Đặc biệt, George Ball nêu vấn đề sau: “Liệu chúng ta có thể tiến hành hoạt động tấn công mà vẫn kiểm soát được mức độ bất trắc”. Ông ta viết một câu thật chua cay và cũng thật tiên tri: “Một khi đã leo lên lưng cọp rồi làm sao xuống?”.
Rốt cuộc, chỉ còn có mỗi phương án 4 (là chưa phân tích). George Ball ghi nhận rằng chúng ta “hầu như đã chẳng hề chú ý đến các phương sách chính trị hầu tìm kiếm một lối ra.”. Và rồi George Ball kết luận: “Chúng ta nên sớm tiến hành nghiên cứu vấn đề này đừng chậm trễ”. Thế nhưng, phúc trình của ông ta lại không hướng chúng tôi đi xa hơn nữa về phía một giải pháp chính trị. Theo ông một giải pháp chính trị. Theo ông một giải pháp chính trị nên gồm các khía cạnh sau:
a. BVN phải thực sự ngừng cuộc nổi dậy ở NVN.
b. Thành lập một chính quyền độc lập tại Sài Gòn có khả năng quét sạch các phần tử nổi dậy còn sót lại sau khi BVN ngừng trực tiếp yểm trợ.
c. Phải nhìn nhận cho NVN có quyền tự do kêu gọi Mỹ hoặc bất cứ một cường quốc hữu nghị nào khác giúp đỡ trong trường hợp lại phải cần đến sự hỗ trợ.
d. Các cường quốc khác cùng ký kết (văn kiện chính trị) tăng cường những đảm bảo cho nền độc lập của chính phủ Sài Gòn.
Ngoại trưởng Dean Rusk, cố vấn an ninh Mac Bundy và tôi nhất trí với các mục tiêu này, song chúng tôi cũng chia sẻ ý kiến với nhau rằng một giải pháp chính trị mà không kèm theo các phương tiện hữu hiệu đồng nghĩa với triệt thoái vô điều kiện… Mà triệt thoái vô điều kiện hoàn toàn là một điều không thể chấp nhận được.
(Trong khi đó) tình hình tại Nam VN cứ tuột dốc. Đến tháng 10, uy quyền của Khánh giảm dần và ngày càng có nhiều yêu cầu quay trở lại với một chính phủ dân sự. Vào cuối tháng 10 này, các tướng lĩnh chỉ huy liên quân gửi đến tôi một bản phúc trình ghi lại các quan điểm của họ. Họ đề nghị một chương trình hành động mới mẻ và rất dầy đặc, bao gồm cả những vụ không kích trên cả miền Nam lẫn miền Bắc VN, dựa trên tiền đề là Mỹ không thể rút ra khỏi VN hoặc Đông Nam Á. Các tướng lĩnh tỏ ra hốt hoảng đến độ họ yêu cầu tôi trình bản phúc trình của họ lên Tổng thống càng sớm càng tốt.
Danh Đức dịch (tiêu đề của Một Thế Giới)