Kỳ 16: McNamara với cuộc điện đàm về “một cuộc tấn công tưởng tượng“
Hồ sơ - Ngày đăng : 18:13, 03/12/2014
Dưới đây là cuộc đối thoại được McNamara ghi âm về sự kiện Vịnh Bắc bộ lần 2 xảy ra ngày 4.8.1964 - tức 2 ngày sau sự kiện lần 1, cho thấy một sự tưởng tượng quá mức của phía Mỹ cho rằng có sự tấn công của quân đội Bắc Việt Nam.
Sau này, Tổng thống Mỹ Johnson và McNamara đều thừa nhận "không hề có việc tàu khu trục Mỹ bị tấn công lần 2" và sự kiện Vịnh Bắc bộ lần 2 được dựng lên như một cái cớ để Mỹ leo thang chiến tranh VN. Dưới đây là đoạn ghi âm của McNamara:
Lúc 4 giờ 8 phút chiều, tôi gọi cho Đô đốc Sharp bằng đường dây mật và nói: “Tin tức mới nhất về vụ này ra sao?” Sharp trả lời: “Thưa, theo tin mới nhận được, có đôi chút nghi vấn về những gì thực sự đã xảy ra… Dường như tất cả bắt đầu bằng một vụ phục kích bởi các khinh tốc đỉnh của đối phương”.
Sharp nói thế: “Dứt khoát là lúc đầu (đối phương) đã định phục kích”. Tuy nhiên Sharp cũng nhắc rằng “các tín hiệu radar chập chờn” cũng như các “nhân viên còn tay mơ” điều khiển sonar “có thể hễ cứ nghe tiếng động gì cũng đều cho đó là thủy lôi”, và rằng “thủy lôi đâu mà lắm thế!” như trong báo cáo ban đầu.
James B.Stockdale, phi công phục vụ trên hàng không mẫu hạm Ticonderoga vào năm 1964 - sau này có viết trong hồi ký của mình rằng anh ta đã không trông thấy một tàu nào của Bắc VN khi anh ta bay trên đầu hai khu vực hạm Maddox và Turner Joy hôm 4/8 đồng thời cũng tin chắc rằng đã không hề có một vụ tấn công nào xảy ra.
Năm 1972, Louis Tordella, phụ tá Giám đốc cơ quan an ninh quốc gia lúc đó, cho rằng các bức điện của BVN, mà chúng ta bắt được và giải thích như là phát lệnh tấn công hôm 4.8, thật ra là của vụ tấn công (đầu tiên) hôm 2.8.
Ray S.Cline, phụ tá giám đốc đặc trách tình báo của CIA năm 1964, cũng cùng một nhận định như trên. 9 giờ sáng ngày 9.8, Ngoại trưởng Dean Rusk, tướng “Bus” Wheeler, tân Chủ tịch Bộ chỉ huy Liên quân và tôi ra trước khóa họp hỗn hợp của Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Quân vụ Thượng viện để điều trần về các biến cố ngày 2 và 4.8 tại vịnh Bắc bộ đồng thời để làm hậu thuẫn cho một nghị quyết lưỡng viện (sắp được đưa ra biểu quyết ở cả Hạ viện và Thượng viện).
Đoạn then chốt trong nghị quyết này như sau: “Xét rằng các đơn vị hải quân của BVN đã công khai và nhiều lần tấn công các chiến hạm Mỹ, vi phạm luật pháp quốc tế…Theo quyết định của Tổng thống, nước Mỹ do đó chuẩn bị tiến hành mọi bước cần thiết, kể cả việc sử dụng quân lực…”.
Thượng viện và Hạ viện biểu quyết nghị quyết này ngày hôm sau, 7.8. Thượng viện thông qua với 88 phiếu thuận 2 phiếu chống (của Nghị sĩ Wayne Morse và Nghị sĩ Ernest W.Gruening). Hạ viện thông qua với số phiếu tuyệt đối: 416-0.
Đã có nhiều người chỉ trích cái gọi là sự dối trá trong toàn bộ vụ vịnh Bắc bộ. Họ tố cáo rằng chính phủ do khao khát có được sự hậu thuẫn của quốc hội dành cho cuộc chiến tranh Đông Dương, đã soạn thảo ra nghị quyết đó, tạo ra một sự cố và ngụy tạo hồ sơ để giành cho được hậu thuẫn này. Các lời cáo buộc này không có cơ sở.
Nghị quyết này nảy sinh từ việc Tổng thống tin chắc rằng có thể tình thế sẽ dẫn đến một nhu cầu đưa lực lượng chiến đấu Mỹ vào Đông Dương - một vài vị chỉ huy liên quân đã đề xuất điều này từ tháng 1.1964 - và để triển khai quân đội như thế sẽ cần phải được quốc hội phê chuẩn. Bộ Ngoại giao đã soạn một dự thảo nghị quyết như thế vào cuối tháng 5.
Tuy nhiên do lẽ Tổng tham mưu trưởng liên quân, tướng Max Taylor đã khuyến cáo đừng khởi xướng các chiến dịch quân sự của Mỹ, ít nhất cũng phải đợi đến mùa thu, nên chúng tôi - Tổng thống, Ngoại trưởng Dean, cố vấn an ninh Mac Bundy - đã quyết định hoãn việc đệ trình nghị quyết này cho quốc hội đến sau khi đạo luật Quyền Dân sự được quốc hội thông qua xong vào tháng 9.
Chúng tôi vẫn ghi nhớ thời biểu này cho đến khi việc BV tấn công tàu chiến Mỹ khiến chúng tôi phải nghĩ rằng chiến cuộc chắc là đang trở nên sôi bỏng, và thôi thúc chúng tôi băn khoăn không biết điều gì sẽ còn xảy ra. Thành ra, chúng tôi nghĩ rằng sẽ sớm cần đến một nghị quyết như vậy hơn là chúng tôi dự kiến.
Những cáo buộc cho rằng chúng tôi đã cố tình khiêu khích tạo ra sự cố vịnh Bắc bộ, cũng đã kéo dài rất lâu do được một vài viên chức chính phủ hậu thuẫn. (Cựu) Thứ trưởng Ngoại giao George Ball tuyên bố như sau trong một cuộc phỏng vấn của BBC năm 1977:
“Nhiều người liên đới đến cuộc chiến tranh đã tìm cách tự biện hộ cho việc phát động các cuộc không kích… Chiến dịch tuần tra kiểm thính DESOTO tự thân nó đã là một sự khiêu khích rồi… Người ta muốn tạo ra một hoàn cảnh trong đó chiếc khu trục hạm (Maddox) gặp rắc rối, để rồi từ đó tạo ra một sự khiêu khích mà mọi người đều cần đến”.
Ngược lại, cựu cố vấn an ninh quốc gia Bundy cũng đã phát biểu với thính giả đài phát thanh này rằng nước Mỹ đã không hề có ý đồ tạo ra một cuộc khủng hoảng và cũng đã chẳng “dàn dựng” các sự cố sao cho trở thành một cái cớ để hành động quân sự. Ông ta tuyên bố: “Nói thẳng ra là điều đó không ứng với các kế hoạch của chúng tôi chút nào. Lúc đó chúng tôi không nghĩ rằng tình hình lại có thể suy thoái đến nỗi phải cứu xét một hành động mạnh mẽ hơn tại NVN”.
Ông ta cũng viết đâu đó rằng: “Thật là sai lầm khi cho rằng chính phủ đã cố tình tạo ra các sự cố đó. Làm gì có chuyện đó. Nói cho cùng cả Mỹ và Nam Việt Nam đều đã tính toán sai cả và đó chính là cội rễ của vấn đề - tức ước đoán giả định thái độ Hà Nội. Nôm na mà nói, Mỹ đã sai lầm khi đánh giá thấp các bất trắc khi tiến hành các chiến dịch biệt kích 34A cùng một lúc với việc đưa một tàu tuần thám DESOTO vào vịnh Bắc bộ.
Lúc đó không một ai có đầu óc tỉnh táo lại dự kiến rằng Hà Nội sẽ lại lẫn lộn hai chiến dịch nọ (tức nghĩ rằng chiến dịch tấn công bằng tàu biệt kích) kết hợp với tàu tuần thám - song ít ra thì trong cái gọi là vô lý đó (tức đánh giá sai hai chiến dịch làm một) vẫn có sự hữu lý của nó. Washington không muốn có một sự cố và Hà Nội cũng thế, chẳng hồ nghi gì cả. Thế rồi bên này hiểu lầm bên kia mới xảy ra cớ sự”.
Tôi nhất trí với các lý lẽ trên và tôi cũng tin rằng Ngoại trưởng Dean Rusk, cố vấn Mac Bundy và tướng Max Taylor có lẽ cũng nhất trí như tôi.
Ý kiến cho rằng chính phủ Johnson cố tình lừa dối quốc nội dứt khoát là sai lầm. Vấn đề không phải ở chỗ đã không thấu đáo được những viển tượng sau này có thể phát sinh từ bản nghị quyết đó, mà là ở chỗ quốc hội đã không lường trước được rằng cuộc chiến tranh sẽ diễn biến như thế nào và chính phủ sẽ phải hành xử như thế nào để đối phó với tình thế.
Một bản phúc trình của Ủy ban Ngoại giao Thượng viện năm 1967 đã kết luận như sau: “Quốc hội đã sai lầm khi cứu xét vấn đề trên cơ sở suy luận cá nhân. Tổng thống Johnson sẽ làm gì để thực hiện nghị quyết đó, trong khi lẽ ra chức trách của quốc hội là cứu xét vấn đề trên cơ sở hiến pháp trước tiên để xem bất cứ một tổng thống nào cũng sẽ làm gì khi có được chừng đó quyền hành (do quốc hội trao cho theo tinh thần nghị quyết) và kế đó quốc hội sẽ phải chiếu theo hiến pháp, cứu xét xem có thể trao cho chính phủ những quyền hành cần thiết”. Tôi cũng nhất trí với phân tích này của Thượng viện.
Danh Đức dịch (tiêu đề của Một Thế Giới)