kỳ 89: "Biến động Thiên An Môn" lần thứ nhất

Hồ sơ - Ngày đăng : 04:56, 01/12/2014

Bất chấp lệnh cấm của chính quyền Bắc Kinh, hơn 2 triệu người tự động kéo đến quảng trường Thiên An Môn tưởng niệm thủ tướng Chu Ân Lai trước mũi súng của 5 tiểu đoàn cảnh vệ Trung Nam Hải...
Chu Ân Lai mất (8.1.1976), Đặng Tiểu Bình lập tức bị “tứ nhân bang” (bè lũ bốn tên) bao vây. Họ đề nghị nguyên soái Diệp Kiếm Anh soạn và đọc điếu văn thay Đặng.

Nhưng Diệp Kiếm Anh từ chối: “Tôi không thể, vì đồng chí Đặng Tiểu Bình đọc là thích hợp nhất”. Giang Thanh (và Trương Xuân Kiều) hoạnh họe:

- Sao để Đặng đọc mới thích hợp?

Đáp: “Vì đồng chí Đặng vừa là Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, lại là bạn chiến đấu thân thiết của thủ tướng Chu Ân Lai, đang đảm đương quyền thủ tướng, nên đồng chí ấy thích hợp nhất, tại sao không ? Tôi mới là người không thích hợp!” (Nhiếp Nguyệt Nham - sđd. Kỳ 28, tr. 404-405)

Gần 10 năm trước (1967), Đặng bị đánh đổ lần thứ nhất, Diệp Kiếm Anh đã lên tiếng: “Trung Quốc có thể không có Diệp Kiếm Anh, nhưng Trung Quốc không thể không có Đặng Tiểu Bình”. Phút chót, nhóm “tứ nhân bang” phải nhượng bộ, để Đặng thay mặt Trung ương Đảng CSTQ đọc điếu văn truy điệu Chu Ân Lai ngày 15.1.1976. Lúc chuyển quan tài từ bệnh viện Bắc Kinh đến lò hỏa táng, hàng triệu dân chúng thủ đô đã ùa ra hai bên đường tiễn biệt.

Trước khi viết tiếp, chúng tôi xin phép nhắc đến nhận định sắc bén của một tác giả - là nhân sĩ trí thức, nhà nghiên cứu lão thành Trung Quốc - về quan hệ đặc biệt của “trục 3 người”: Mao Trạch Đông + Giang Thanh + Chu Ân Lai:

1. Về Mao: “Trong tiềm thức, đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng cảm thấy chỉ có tín ngưỡng vô hạn, sùng bái vô hạn Mao Trạch Đông thì mới có an toàn cho bản thân và gia đình mình. Một cao trào sùng bái cá nhân mang tính chất toàn dân vừa ép buộc, vừa tự nguyện, như một dòng thác lũ tràn ngập nước Trung Hoa”.

2. Về Giang: “Mục tiêu lớn của Giang là giữ vững vị trí của mình, muốn vậy, phải góp phần củng cố và phát triển quyền lực tối cao của Mao (…) Mao thỉnh thoảng cũng giả vờ phê bình Giang nhưng trên thực tế ngày càng tin cậy, cho đến khi Giang được cử giữ chức “Tổ phó thứ nhất Tổ Cách mạng văn hóa Trung ương”, có quyền lực thực tế hơn cả Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Thủ tướng nữa”.

3. Về Chu: “Chu bằng mọi cách giữ quan hệ bình thường với Giang Thanh, tuyệt đối không va chạm, nhưng cũng quyết không cho phép mụ ta trở thành Lã Hậu. Chu kiên quyết ngăn chặn mưu toan của Mao truyền ngôi cho người nhà. Đó là nguồn gốc của cục diện chính trị rối ren phức tạp, kỳ quặc xuất hiện trong cuộc đấu tranh nội bộ Đảng CSTQ những năm cuối đời Mao”.

Tro tàn của Chu chưa nguội, khoảng ba tháng sau (25.3.1976), Giang Thanh tự ý triệu tập lãnh đạo 12 tỉnh và thành phố (lúc Mao đang trên giường bệnh) dự cuộc họp nêu đích danh Đặng Tiểu Bình là “sư phụ của nhóm người đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”, “bậc thầy phản cách mạng”, “đại Hán gian” - rồi quay ra tự nói về mình:

- “Phần tôi, (Giang Thanh) tôi cũng rất vinh hạnh được người ta gọi là Võ Tắc Thiên

Võ Tắc Thiên (624-705) là nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc (tức Võ Chu Hoàng 690-705) ham muốn quyền lực không kém nam giới, được phong hoàng hậu năm 32 tuổi (656) và lên ngôi hoàng đế năm 66 tuổi (690), đổi quốc hiệu: Đại Chu. Phát biểu đó của Giang bộc lộ tham vọng muốn làm nữ hoàng như Võ Tắc Thiên.

Sau cuộc họp trên khoảng 10 ngày, nhằm chủ nhật 4.4.1976 (tức 5.3 âm lịch) - vào lễ Thanh minh năm Giáp Thìn - dân chúng Bắc Kinh đeo băng đen, mang những vòng hoa trắng, hoa tím đến lập bàn thờ tưởng niệm Chu Ân Lai tại Đài liệt sĩ Thiên An Môn. Ở đó có khắc rõ mấy câu trên tấm bia bằng thép của Nhà máy 109 thuộc Viện Khoa học Trung Quốc:

“Hồng tâm dĩ kết thắng lợi quả

Bích huyết tái khai cách mạng hoa”

(Tạm hiểu: Trái tim đỏ kết quả thắng lợi / Máu đào nở hoa cách mạng).

Nội dung bia ám chỉ Mao đang dung dưỡng “bè lũ bốn tên” tựa đám “yêu ma” mưu đốt cháy cơ đồ (phún độc hỏa) và thế nào cũng bị trừng trị (cầm yêu, đả quỷ nhân). Nhiều cơ sở tiêu biểu như Nhà máy đồng hồ Thanh Vân và Nhà máy điện Thự Quang với khoảng 4.000 cán bộ công nhân viên chức đến dự, ngót hơn “1.400 đơn vị tham gia tưởng niệm, với 2.073 vòng hoa và vô số thơ, lời điếu tang”, chứa 48 nội dung “công kích ác độc Mao chủ tịch và Trung ương Đảng” - theo hồ sơ giải mật.

Ngay đêm ấy (4.4.1976) Bộ Chính trị họp bất thường do Vương Hồng Văn chủ trì, đả kích lễ tưởng niệm Chu Ân Lai ban sáng, gọi đó là “sự kiện phản cách mạng” do Đặng Tiểu Bình đứng đàng sau chỉ đạo, nên phải cách chức Đặng ngay. Diệp Kiếm Anh (cùng Chu Đức) phản đối lời quy kết trên, đứng dậy ra về. Một số khác trong đó có Hoa Quốc Phong muốn thỉnh thị ý kiến Mao. Nghe báo cáo, theo sách báo Trung Quốc - Mao gay gắt:

- Người ta tổ chức tưởng nhớ thủ tướng Chu Ân Lai, hạch tội Giang Thanh và Trương Xuân Kiều, chẳng qua là muốn ngăn cản, phủ nhận đại cách mạng văn hóa và có dã tâm muốn nả súng vào tôi !.

Mao ra lệnh hành động.

Nên sáng hôm sau - 5.4.1976, Trung Nam Hải tung 5 tiểu đoàn cảnh vệ, 10.000 dân quân vũ trang, 3.000 công an mật vụ bao vây Thiên An Môn, giải tán đám đông, bắt giữ 38 “tình nghi chủ mưu” (cộng thêm trước đó nữa, số bị bắt gồm 388 người), phá hủy tất cả các vòng hoa, dẹp bỏ bàn thờ. Một số lãnh đạo tỏ thái độ bất bình đều bị Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn thanh toán. Như đã phê đấu bãi chức Vạn Lý, Hồ Diệu Bang. Bức hại Bộ trưởng Bộ Giáo dục Chu Vinh Hâm đến chết (12.4.1976). Phần Mao, dầu đang nằm trên giường bệnh, đã chỉ thị :

- “Tước bỏ tất cả chức vụ của Đặng Tiểu Bình…”. Hoa Quốc Phong lên thay (làm Thủ tướng kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất Đảng CS Trung Quốc).

Đây là lần thứ ba Đặng bị Mao đánh đổ. Lạ ở chỗ: vì sao Mao chưa đẩy Đặng Tiểu Bình đến chỗ chết, dầu Giang Thanh rất muốn ? (còn nữa).

GIAO HƯỞNG