Kỳ 24: Kế hoạch 82.000 quân Mỹ ngăn Sài Gòn sụp đổ

Hồ sơ - Ngày đăng : 04:30, 26/12/2014

Đã có nhất trí chung về nhu cầu gửi thêm lực lượng Mỹ đến Nam Việt Nam để ngăn không cho Sài Gòn sụp đổ. Tướng Bus Wheeler, đô đốc Sharp và tướng Westmoreland yêu cầu 2 sư đoàn rồi thêm 2 lữ đoàn và lực lượng quân nhu hậu cần. Tổng cộng binh sĩ  khoảng 60.000 người. Ấy vậy nhưng cuối cùng đã nâng quân số Mỹ lên đến 82.000 người...

Kỳ 23 - Bản phúc trình từ Sài Gòn bàng hoàng cả Nhà Trắng
Trong khi các hoạt động quân sự của Mỹ cứ gia tăng như thế, thật ra chúng tôi vẫn nghĩ đến một giải pháp chính trị cho cuộc chiến tranh VN. Ngày 6/3, Cố vấn an ninh Mac Bundy báo cáo với Tổng thống về một cuộc họp với Ngoại trưởng Dean Rusk và tôi đêm hôm trước như sau: “Hai trong số ba người – tức ông ta và tôi – nghĩ rằng các cơ hội có được một bước ngoặc quyết định nay đã giảm hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn suy nghĩ xem liệu chúng ta sẽ để ngỏ đến đâu cho một khả năng thương thuyết. Cả Dean Rusk và, đặc biệt là McNamara đều quan tâm đến vấn đề này. Họ đều cảm thấy rằng nhất thiết chúng ta cần phải tỏ ra sẵn sàng đàm phán về vấn đề VN, vì nhiều lý do khác nhau, qua mọi ngã ngoại giao quốc tế thích hợp có được. McNamara còn chủ trương xa hơn thế nữa, ông ta nghĩ rằng chúng ta nên tìm cách tiến hành đàm phán thực sự trong khuôn khổ một hội nghị quốc tế. Tôi nghĩ sở dĩ ông ta đang chủ xướng như thế là do dự phòng tình huống tồi tệ cần phải ngồi vào hội nghị”.

Mac Bundy phản ánh trung thực quan điểm của tôi. Vào thời điểm đó của năm 1965, tôi nghĩ rằng chúng ta nên nỗ lực phát động các cuộc thương thuyết nhằm dẫn đến việc kết thúc chiến cuộc. Và đây vẫn là lập trường của tôi cho đến ngày tôi rời Ngũ giác đài 3 năm sau đó.

Đầu tháng 4 năm 65, đã có hai đề nghị thương thuyết. Tổng thư ký LHQ U-Thant đề nghị ngưng bắn trong 3 tháng ngang qua khu vực giới tuyến, 17 quốc gia không liên kết cũng kêu gọi thương thuyết một cách vô điều kiện. Tổng thống Johnson bác bỏ đề nghị thứ nhất nhưng đáp ứng đề nghị thứ nhì qua một bài diễn văn quan trọng đọc tại Viện Đại học John Hopkins hôm 7/4.

Trong bài diễn văn này, ông loan báo sẵn sàng thương thuyết vô điều kiện. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh “Chúng ta sẽ không để cho bị đánh bại. Chúng ta rút lui cho dù một cách công khai hay dưới lớp vỏ của một hiệp định vô nghĩa … Chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tiếp diễn lâu dài”. Nhằm khuyến dụ VC và BVN bước vào một giải pháp hòa giải, ông nhấn mạnh đến một kế hoạch viện trợ lên đến 1 tỉ đô la cho Đông Nam Á, mà theo ông đang ở “trong tầm tay nếu như cũng nỗ lực quyết tâm hợp tác với nhau”.

Hà Nội nhanh chóng phản đối bài diễn văn này và đưa ra kế hoạch “hòa bình 4 điểm” của họ, một kế hoạch vẫn mãi là cơ sở lập trường của họ cho mọi giải pháp hòa bình trong suốt cuộc chiến. Họ đề nghị chúng ta thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân VN, kể cả quyền được sinh sống mà không có một lực lượng quân sự ngoại quốc nào trú đóng trên đất nước họ, hai miền sẽ tự chế không gia nhập bất cứ một liên minh nào trong quá trình thống nhất đất nước sau này, việc thống nhất sẽ do nhân dân VN tại hai miền định đoạt lấy. Điểm cuối của kế hoạch hòa bình 4 điểm này, theo đó “việc giải quyết các vấn đề nội bộ ở NVN chỉ do nhân dân NVN định đoạt và phải phù hợp với Cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, mới chính là vấn đề tranh cãi nan giải. Chấp nhận điều đó có nghĩa là chấp nhận CS kiểm soát NVN.

Vào lúc mà tình hình cứ ngày càng suy sụp, cộng với cảm nghĩ cần phải làm một điều gì hơn nữa, Tổng thống nghiêng dần về phía chấp thuận các đề nghị của các tướng lĩnh. Chúng tôi tập trung chú ý đến vấn đề ‘sẽ có thể làm được những gì tại NVN?”. Đã có một sự nhất trí chung về nhu cầu gửi thêm lực lượng Mỹ đến NVN để ngăn không cho Sài Gòn sụp đổ. Song, phải gửi sang bao nhiêu quân? Theo đuổi sách lược gì? Nhằm tác dụng gì?
Bàn đến đây thì mọi người lại bất đồng ý kiến. Tướng tham mưu trưởng liên quân Bus Wheeler, đô đốc Sharp và tướng Westmoreland lập lại lời yêu cầu trước đó là tăng viện 2 sư đoàn rồi đòi cộng thêm 2 lữ đoàn nữa và lực lượng quân nhu hậu cần. Tổng cộng binh sĩ sẽ tham gia vào VN vào khoảng 60.000 người.
Do đại sứ Maxwell Taylor chống lại đề xuất này nên tôi cũng bác việc gửi qua 2 sư đoàn mà chỉ đồng ý đáp ứng các yêu cầu sau của họ. Ấy thế mà cũng đã nâng quân số Mỹ tại VN từ 33.000 người lên đến 82.000 người. Tôi hiểu rằng tăng thêm quân như thế, cộng với nhiệm vụ chiến đấu mới, tất sẽ không tránh khỏi thương vong nhiều hơn và thu hút sự chú ý của dư luận đến cuộc chiến. Thế cho nên tôi thúc giục Tổng thống thông báo cho các lãnh tụ quốc hội về “những dự tính triển khai thêm quân”. Song Tổng thống không muốn làm như vậy, ông phát biểu:
“Chúng ta không dự định công bố toàn bộ kế hoạch vào lúc này, mà chỉ công bố từng phần vào thời điểm thích hợp”. Ít lâu sau, vào đầu tháng 5, ông chuyển qua quốc hội một văn bản thỉnh cầu phê chuẩn bổ sung kèm theo lời giải thích : “Đây không phải là một thỉnh cầu có tính cách thủ tục thông thường … Mỗi thành viên quốc hội, khi bỏ phiếu thuận cho thỉnh cầu này, còn là bỏ phiếu duy trì các nỗ lực của chúng tôi nhằm chặn đứng cuộc xâm lược NVN của CS. Đạo luật này được thông qua với 408 phiếu thuận – 7 phiếu chống lại Hạ viện, và 88 phiếu thuận – 3 phiếu chống lại Thượng viện.
Trong phiên họp ngày 21/4, George Ball – Thứ trưởng Ngoại giao – đưa ta luận cứ, “Chúng ta không nên nhảy vào cuộc leo thang quân sự một cách may rủi như thế mà không thử thăm dò các khả năng giải quyết chiến tranh”. Tổng thống trả lời : “Được thôi, George. Tôi kỳ hạn cho đến ngày mai, anh phải nộp cho tôi một kế hoạch thương thuyết. Anh mà làm được, tôi sẽ nghe theo anh đấy”...
Danh Đức dịch (Tiêu đề của Một Thế Giới)