Những chuyện kỳ lạ quanh ngôi mộ thần bí của Giang Thanh
Hồ sơ - Ngày đăng : 06:44, 15/05/2015
Trong nghĩa trang Phúc Điền ở khu Tây Sơn, Bắc Kinh có một ngôi mộ với tấm bia kỳ lạ, bên trên khắc "Mộ của tiên mẫu Lý Vàn Hạc, 1914- 1991 - Con gái, con rể và cháu ngoại kinh lập". Nhìn bề ngoài thì có vẻ nó không khác gì những tấm bia ở ngôi mộ khác, song điều kỳ lạ chính là vì sao người lập bia mộ này lại phải giấu danh tính của mình...
Vào năm 2008, nhân dịp tiết Thanh Minh, tôi cùng bạn bè đi tảo mộ ở nghĩa trang Phúc Điền. Trên đường, bạn bè nói với tôi rằng, ở nghĩa trang này có một ngôi mộ rất kỳ quái. Tới nơi, sau khi tảo mộ, tôi nhờ người bạn chỉ cho tôi xem ngôi mộ bí ẩn mà anh ta nói. Anh bạn dẫn tôi đi.
Quả nhiên, từ xa, tôi đã thấy một ngôi mộ nổi bật với tấm bia đá màu trắng, xung quanh được vây chặt bởi những vòng hoa tươi. Kỳ lạ hơn nữa, trên tấm bia mộ này chỉ khắc mấy chữ đơn giản: “Mộ của tiên mẫu Lý Vân Hạc (tên thời còn trẻ của Giang Thanh), 1914-1991 - Con gái, con rể và cháu ngoại kính lập”.
Trên thực tế thì ngôi mộ này không khác gì nhiều so với những ngôi mộ trên nghĩa trang, ngoại trừ những vòng hoa tươi có vẻ lúc nào cũng sẵn và nội dung bia mộ kỳ lạ kia. Điều kỳ lạ chính là, theo tên tuổi được ghi trên bia mộ thì đây chính là ngôi mộ của Giang Thanh, người vợ thứ 4 của Mao Trạch Đông, người từng được gọi là “nữ hoàng đỏ” dưới thời nắm quyền của Mao. Tuy nhiên, vì sao những người lập tấm bia này không ghi rõ họ tên mình mà chỉ ghi chung chung là “con gái, con rể và cháu ngoại”?
Tìm tới gặp hai người thư ký của Giang Thanh trước đây là Diêm Trường Quý và Dương Ngân Lộc, chúng tôi được xác nhận chính xác rằng, Giang Thanh sau khi chết được chôn cất ở nghĩa trang Phúc Điền. Theo lời kể của Diêm và Dương thì vào lúc 3 giờ 30 phút sáng ngày 14.5.1991, y tá phát hiện ra Giang Thanh treo cổ tự vẫn khi đang trong thời gian điều trị dưới sự giám sát đặc biệt. Lúc mọi người vào tới nơi thì người vợ thứ 4 của Mao Trạch Đông đã qua đời. Khi đó, Giang Thanh 77 tuổi.
Ngay buổi chiều hôm đó, Lý Nạp, đứa con gái duy nhất của Mao Trạch Đông và Giang Thanh, tới bệnh viện ký giấy báo tử, đồng thời đồng ý sẽ không tổ chức tang lễ theo bất cứ hình thức nào. Ngày 18.5, thi hài của Giang Thanh được tiến hành hỏa táng. Lý Nạp không tới dự lễ hỏa táng. Những người thân thích của Giang Thanh cũng không tới. Sau khi hỏa táng sau, tro cốt của Giang Thanh được gửi cho Lý Nạp giữ. Và trong suốt một thời gian dài, Lý Nạp vẫn để tro cốt của mẹ mình trong nhà.
Bí thư của Giang Thanh khi còn sống là Dương Ngân Lộc nhớ lại rằng: Khi Giang Thanh còn sống từng dặn dò rằng, sau khi chết muốn được chôn cất ở Chư Thành ở Sơn Đông, quê của mình. Tới năm 1996, thư ký của Giang Thanh là Diêm Trường Quý khi đi Chư Thành có nghe Bí thư thành ủy Chư Thành nói về việc này, đồng thời có nhờ Diêm chuyển lời cho Lý Nạp rằng: ở chỗ chúng tôi có nghĩa trang Phượng Hoàng, có thể tiếp nhận tro cốt của Giang Thanh, có thể chôn cất đồng thời cũng có thể lập bia, đề tên.
Theo lời Diêm, Bí thư thành ủy Chư Thành còn nói, nghĩa tử là nghĩa tận, dù sao người cũng đã chết, nếu Lý Nạp đồng ý thì không cần phải làm việc với văn phòng, chỉ cần mang xe tới Bắc Kinh chở về mai táng là được. Diêm Trường Quý sau khi về Bắc Kinh có chuyển những lời của Bí thư thành ủy Chư Thành lại với Lý Nạp.
Lý Nạp nói rằng, lúc này vẫn chưa phải lúc để mai táng Giang Thanh. Bởi lẽ, thời điểm ấy, những người hận mẹ mình vẫn còn rất nhiều. Nếu như chôn cất mẹ xuống mà mình không thể ngày ngày đi giữ mộ được thì khi mộ bị người ta phá mình chẳng phải lại càng bất hiếu thêm hay sao. Diêm Trường Quý đem ý kiến của Lý Nạp nói lại với thành ủy Chư Thành, nói: Vậy chúng ta hãy tôn trọng ý kiến của Lý Nạp.
Mao Trạch Đông cùng 2 con gái Lý Nạp và Lý Mẫn |
Sau đại hội lần thứ 16 Đảng Cộng sản Trung Quốc, cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân nói với Lý Nạp rằng không nên mai táng Giang Thanh ở quê. Như vậy không thích hợp. Vạn nhất xảy ra chuyện gì cũng chẳng có ai xử trí kịp. Lý Nạp nhân cơ hội này đề xuất, vậy có thể mai táng ngay ở Bắc Kinh hay không? Sau khi nhận được cái gật đầu của Giang Trạch Dân, Lý Nạp bắt đầu tìm kiếm nghĩa trang để chôn cất mẹ mình ngay tại Bắc Kinh.
Lý Nạp vốn là cán bộ cấp cục đã về hưu còn chồng Lý Nạp, Vương Cảnh Thanh, là cán bộ cao cấp của quân đội, cả hai đều chẳng phải là thuộc diện có nhiều tiền. Tuy nhiên, là con gái duy nhất của Giang Thanh, để có thể giúp mẹ mình có thể yên nghỉ, Lý Nạp và chồng đành cắn răng cắn lợi bỏ ra 60 ngàn nhân dân tệ tiền chôn cất.
Mao Trạch Đông và Giang Thanh |
Tháng 3 năm 2002, tro cốt của Giang Thanh được hạ táng. Mộ được đặt tại nghĩa trang Phúc Điền, nằm ở Khu phong cảnh Tây Sơn, thành phố Bắc Kinh. Nghĩa trang này xây dựng vào năm 1930, do Giang Bảo Xương, con trai của Đề đốc Cửu Môn Giang Triều Tông kết hợp với Hội Tân giáo cứu thế xây dựng. Do nằm ở phía Đông của chùa Phúc Điền nên mới lấy tên là nghĩa trang Phúc Điền.
Nghĩa trang Phúc Điền rộng hơn 120 ha, phía Tây giáp với các thắng địa Phật Giáo, phía Nam là con kênh dẫn nước từ sông Vĩnh Định, còn phía Đông nhìn về cố đô Bắc Kinh, được coi là một địa thế rất đẹp. Bắt đầu từ năm (953, chính quyền Bắc Kinh ban hành “Quy định quản lý nghĩa trang Phúc Điền” thì nghĩa trang này chính thức trở thành một trong những nghĩa trang công cộng của Bắc Kinh.
Đến thời kỳ Cách mạng Văn hóa, nghĩa trang Phúc Điền được đổi thành vườn trái cây. Tuy nhiên, đến năm 1986 thì lại đổi trở lại thành nghĩa trang. Do vậy, mặc dù là nghĩa trang nhưng nơi đây hoa nở quanh năm, cây cối lúc nào cũng tươi tốt. Vì thế, nghĩa trang này còn được coi là nghĩa trang công cộng của giới thượng lưu ở Bắc Kinh.
Nghĩa trang Phúc Điền của Bắc Kinh là một nghĩa trang có lịch sử từ khá sớm. Do vậy, những người được chôn cất ờ đây có rất nhiều người nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc như hoàng đế cuối cùng Thanh Triều - Phổ Nghi, vị nhiếp chính vương cuối cùng của triều Thanh Ái Tân Giác La - Tải Phong. Ngay cả bậc quốc học đại sư Vương Quốc Duy và người lãnh đạo phong trào Ngũ Tứ Tiền Huyền Đồng...
Trong phiên tòa xét xử các thủ phạm của tập đoàn phản cách mạng, tòa án tối cao đã tuyên án Giang Thanh tử hình nhưng cho hoãn thi hành 2 năm. Giang Thanh sau đó được giam ở Tần Thành, liên tục có người canh gác, Tại đây, Giang Thanh vẫn có thể xem báo chí, xem tivi, còn có thể đọc sách, viết bài. Mỗi tháng, con gái Lý Nạp của Giang Thanh vào nhà giam thăm Giang Thanh 2 lần để mang những đồ dùng thiết yếu vào cho Giang Thanh. Tuy nhiên, không ai có thể ngờ rằng, chưa kịp chờ tới khi bị hành hình, Giang Thanh đã quyết định kết thúc cuộc đời mình.
Theo Đại Nam/ Hôn nhân và Pháp luật