Tình báo Mỹ chịu bó tay trước Tổng thống Putin

Hồ sơ - Ngày đăng : 17:58, 11/03/2016

Các nhân viên tình báo Mỹ được đào tạo để giải quyết những mục tiêu khó khăn, nhưng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, CIA dường như đang tỏ ra bất lực. 

Chủ tịch Hội đồng tình báo quốc gia Mỹ Gregory Treverton nói rằng Tổng thống Putin là người thường xuyên có những suy nghĩ bí ẩn khiến cho các nhân viên tình báo bất lực trong việc tìm cách tiếp cận và tìm kiếm thông tin. Thậm chí, cách ông Putin thực hiện các chính sách của Nga cũng làm cho những cố vấn thân cận của ông khó có thể biết được nhà lãnh đạo này đang nghĩ gì.

Ông Treverton nhận định: “Nhà lãnh đạo Nga thường xuyên che giấu những suy tính của mình và điều này khiến nó trở thành mối lo lắng hàng đầu trong hoạt động tình báo. Chúng ta phải phân biệt được sự khác biệt giữa câu đố - thứ luôn có lời giải, và những bí ẩn. Do đó, ông Putin có lẽ đang hành động một cách bí ẩn và thậm chí là khó hiểu đối với chính bản thân nhà lãnh đạo”.

Điều này gây ra những khó khăn cho CIA cùng các cơ quan tình báo khác đang cố gắng theo dõi hoạt động quân sự, chính sách kinh tế của Nga hoặc dự đoán những bước đi tiếp theo của Moscow trong cuộc xung đột ở Syria, căng thẳng trên bán đảo Crimea và một loạt vấn đề khác. Cựu Đô đốc James Stavridis, Tư lệnh lực lượng NATO từ năm 2009-2013, cho biết có một số yếu tố khiến việc tiếp cận ông Putin trở nên khó khăn.
Tinh bao My chiu bo tay truoc Tong thong Putin-hinh-anh-1
Từng là một điệp viên, nên Tổng thống Putin đang gây ra khó khăn cho CIA.
Đầu tiên là khả năng kiểm soát. Ông Putin đã tích lũy những kinh nghiệm cần thiết của một nhà lãnh đạo trong 17 năm qua, khi trở thành thủ tướng hay tổng thống Nga. Hãy quan sát các nhà lãnh đạo Triều Tiên hoặc Fidel Castro nắm giữ quyền lực lâu dài ở Cuba để tìm ra nguyên nhân một nhà lãnh đạo có thể có nhiều quyền lực tuyệt đối như vậy, ông Stavridis nói.

Các công dụ gián điệp, như nghe lén điện thoại, hình ảnh vệ tinh hay nhiều hơn nữa, luôn có những nhược điểm riêng. Do đó, hoạt động theo dõi đối với ông Putin, xuất thân là một điệp viên được đào tạo chuyên nghiệp, đã trở nên vô tác dụng. Tổng thống Putin gia nhập KGB vào năm 1975, và được gửi đến Dresden, Đông Đức để do thám động thái của phương Tây trong Chiến tranh lạnh. Tại đó, ông đã tiếp thu gần như toàn bộ những kỹ thuật tình báo của Đức.

Ngoài ra, John McLaughlin, người từng là quyền Giám đốc CIA vào năm 2004, nhận định Nga có một cơ quan phản gián hiệu quả và ông Putin cũng được đào tạo tại đây. Do đó, rất khó có thể “nhìn vào suy nghĩ” của Tổng thống Putin.

Hàn Giang (theo Npr)