Dân Brazil biểu tình đòi Tổng thống Rousseff từ chức
Hồ sơ - Ngày đăng : 13:47, 17/03/2016
Trước đó, ngành công tố cáo buộc cựu Tổng thống Lula “rửa tiền” cùng nhiều tội danh khác, liên quan đến vụ tham nhũng tai tiếng ở tập đoàn dầu khí nhà nước Petrobras. Việc bà Rousseff phong chức Chánh văn phòng nội các cho ông Lula bị xem là một cách giúp ông khỏi bị truy tố. Quyết định của Tổng thống Rousseff khiến dân Brazil biểu tình đòi bà từ chức.
Hàng chục nghị sĩ đối lập cũng “quậy” ở phiên họp quốc hội, đòi bà Rouseff từ chức.
Trước đó, ngày 13.3, khoảng 3 triệu người đã biểu tình chống chính phủ ở nhiều thành phố, phản đối nạn tham nhũng nghiêm trọng và cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất ở Brazil từ 25 năm nay. Người ủng hộ ông Lula và bà Rousseff đã phản ứng lại bằng kế hoạch xuống đường trong vài ngày tới.
Người biểu tình sắp kéo bong bóng Lula bị vẽ mặc áo tù |
Chính phủ của ông từng vạch ra chương trình giảm nghèo vốn giúp hơn 40 triệu dân thoát nghèo. Chương trình này giúp ông được tôn vinh là anh hùng dân tộc, giúp đảng Công nhân củng cố quyền lực suốt 13 năm qua.
Ông mãn nhiệm năm 2010 với tỷ lệ tín nhiệm hơn 80%. Nhưng vài tháng qua, uy tín ông Lula xuống thấp sau khi ông bị cáo buộc hưởng lợi từ nhiều công ty xây dựng dính líu đến vụ tham nhũng của Petrobras.
Vài tuần gần đây, cuộc điều tra hướng vào ông Lula và đảng Công nhân do ông thành lập. Ngày 4.3, ông Lula bị cảnh sát bắt để thẩm vấn vài giờ rồi thả. Họ hỏi ông việc sử dụng một căn hộ hạng sang bên bờ biển và một nông trại ở bang Sao Paolo. Ngành công tố nói các công ty chi tiền nâng cấp các cơ sở hạ tầng rồi tặng ông, dù người khác đứng tên.
Người ủng hộ ông Lula mừng ông được thả về nhà |
Ngày 16.3, Chánh án liên bang Sergio Moro, người giám sát cuộc điều tra tham nhũng, đã ra phán quyết công bố cuộc điện thoại này: “Tôi nhận thấy cuộc nói chuyện của họ xem ra nhằm tác động hoặc tìm sự giúp đỡ của các công tố viên hoặc của tòa án, để ưu ái cựu tổng thống”. Nhưng ông Sergio Moro cũng nói chưa có bằng chứng rằng đã có những nỗ lực tác động đến các cơ quan trên.
Cuộc điện thoại cũng cho thấy bà Rousseff đề nghị cấp bản sao việc chỉ định chức Chánh văn phòng cho ông Lula, “trong trường hợp cần thiết”, ám chỉ để tránh cho ông Lula khỏi bị truy tố.
Trước việc chính phủ phản đối việc công bố đoạn ghi âm, chánh án Moro nói rằng việc này cho phép nhân dân giám sát các lãnh đạo Brazil. Ông viết: “Dân chủ trong một xã hội tự do là người dân có quyền biết lãnh đạo làm gì, ngay cả khi họ hành xử trong bóng tối và được bao che”.
Người chống bà Rousseff nói việc chỉ định này là một "âm mưu tuyệt vọng" để chặn các thủ tục luận tội và để ông Lula khỏi bị bắt. Lãnh đạo đối lập nói sẽ kiện ra tòa vì việc chỉ định này là lạm quyền.
Giải thích về việc chỉ định vị cựu tổng thống, từng giới thiệu bà kế nhiệm chức vị tổng thống, làm Chánh văn phòng nội các, bà Rousseff nói rằng ông Lula có kinh nghiệm chống lạm phát và bình ổn tài chính, có nhiều chính sách kinh tế hiệu quả. Bà nói việc chỉ định này không có nghĩa ông không bị điều tra, thậm chí ông vẫn có thể bị Tòa án tối cao Brazil xét xử.
Ông Lula, bà Rousseff cùng các bộ trưởng phủ nhận các cáo buộc, nói rằng họ không làm gì sai phạm. Luật sư của ông Lula cảnh cáo việc công bố cuộc điện thoại ghi âm của chánh án Moro là “chuyên quyền” và có thể gây hậu quả khiến “xã hội rối loạn”.
Cuộc trở lại chính phủ của ông Lula bị phủ bóng đen hôm 15.3, từ việc công bố lời làm chứng của thượng nghị sĩ Delcidio do Amaral, người cáo buộc ông Lula và bà Rousseff biết rõ vụ tham nhũng ở Petrobras. Amaral còn cáo buộc Bộ trưởng Giáo dục Aloizio Mercadante “đề nghị hỗ trợ tài chính” nhằm “mua” sự im lặng của ông.
Cũng trong ngày 16.3, tờ Valor, một tờ báo kinh tế có uy tín ở Brazil, đưa tin Thống đốc ngân hàng Brazil Alexandre Tombini từ chức vì ông không hài lòng việc chỉ định ông Lula giải quyết vấn nạn kinh tế.
Vì vấn nạn kinh tế này, uy tín của bà Rousseff cũng bị xuống thấp. Chính phủ của bà là một liên minh phức tạp, các đảng cạnh tranh nhau và nhiều đảng dính líu vụ tai tiếng Petrobras. Chính vì thế, bà Rousseff gặp khó khăn trong việc thông qua các chính sách xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế.
Bảo Vĩnh (theo Reuters)