Kinh tế Trung Quốc và xu hướng tồi tệ hơn
Hồ sơ - Ngày đăng : 15:30, 02/04/2016
Kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn xấu nhất nhiều năm qua. Vô số hãng xưởng đóng cửa và vô số công trình nhà ở không một bóng người. Dòng tiền mặt tiếp tục được chuyển ra nước ngoài. Những cảnh báo cách đây vài năm về sự bất ổn trong mô hình phát triển kinh tế Trung Quốc nay bắt đầu lộ rõ…
Tháng 2.2016, dự trữ ngoại hối Trung Quốc đã bốc hơi 29 tỉ USD còn 3,2 ngàn tỉ USD, so với 4 ngàn tỉ USD năm 2014. Giáo sư Đại học Bắc Kinh Michael Pettis nhận định, việc thâm hụt trung bình 150 tỉ USD/tháng trong dự trữ ngoại hối sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng niềm tin. Cái gọi là “khủng hoảng niềm tin” thật ra đang diễn ra. Trong 6 tháng (quý 2/2014 đến quý 3/2015), tổng cộng có 657 tỉ USD “rời” khỏi Trung Quốc. Sự tụt giảm kinh tế đang đánh mạnh và trực tiếp vào tầng lớp nghèo. The Epoch Times (26.3.2016) cho biết, đình công và biểu tình nổ ra khắp Trung Quốc, ngay thời điểm Bắc Kinh tổ chức “lưỡng hội” vào đầu tháng 3.2016, một sinh hoạt chính trị quan trọng của Trung Quốc (kỳ họp thường niên kéo dài hai tuần với 3.000 đại biểu, gồm kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và kỳ họp Chính hiệp).
Thống kê của China Labour Bulletin (Hong Kong) cho thấy số vụ đình công và biểu tình tại Trung Quốc năm 2015 lên đến gần 2.800 vụ, gấp đôi năm 2014 và gấp 14 lần năm 2011. Bế mạc “lưỡng hội” ngày 16.3.2016, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định, không có lý do gì để hoài nghi Trung Quốc không thể đạt được mục tiêu phát triển 6,5% trong năm nay. Họ Lý nói trong 2 năm qua, sản lượng thép bắt đầu được khống chế và chính phủ cũng lập nguồn quỹ 100 tỉ nhân dân tệ (15,4 tỉ USD) để giúp công nhân tìm việc mới.
Trong kỳ “lưỡng hội”, Lục Hạo - tỉnh trưởng kiêm phó bí thư tỉnh ủy Hắc Long Giang nói: “Cho đến nay, không ai trong 8.000 công nhân than Longmay bị giảm lương hoặc còn nợ lương”. Phát biểu của Lục đã khiến hàng ngàn công nhân than Longmay (tập đoàn than lớn nhất Đông Bắc Trung Quốc) phẫn nộ tràn xuống biểu tình kín thành phố Song Áp Sơn. Ngày 14.3.2016, trước cổng Tonghua (nhà máy thép lớn nhất Cát Lâm), khoảng 1.000 công nhân cũng xuống đường đòi trả nợ lương. Đầu tháng 3.2016, Reuters, dẫn từ hai nguồn giấu tên, cho biết Trung Quốc có kế hoạch sa thải 5-6 triệu công nhân tại các công ty nhà nước vốn lâu nay chẳng làm ăn gì. Kế hoạch được thực hiện trong 2-3 năm tới.
Và trong 3-5 năm tới, Trung Quốc dự kiến cắt 500 triệu tấn sản lượng than và 150 tấn sản lượng thép, dẫn đến việc sa thải 1,8 triệu công nhân. Vấn đề là tỉ lệ tăng trưởng GDP Trung Quốc có sự đóng góp đáng kể của công nghiệp than và công nghiệp xây dựng. Nó thúc đẩy “cơn nghiện” xây dựng và cuối cùng dẫn đến sự mất cân đối nghiêm trọng. Một báo cáo của Phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết, sản lượng thép Trung Quốc gấp đôi 4 nhà sản xuất lớn nhất thế giới cộng lại (Nhật, Ấn Độ, Mỹ và Nga) và từ 2011-2012, Trung Quốc sản xuất nhiều xi măng hơn tổng sản lượng xi măng Mỹ sản xuất trong cả thế kỷ 20 (Wall Street Journal 4-3-2016).
Tháng 5.2014, khi kinh lý Hà Nam, ông Tập Cận Bình kêu gọi công chúng chấp nhận một "sự bình thường mới". Kể từ đó, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã sử dụng thuật ngữ này như là một sự đảm bảo rằng chính phủ vẫn chắc tay trong kiểm soát. Dưới sự phát triển “bình thường mới”, giới chức chính phủ nói, kinh tế Trung Quốc sẽ công bằng, bền vững hơn và đất nước có thể tạo ra sự phát triển ổn định hướng tới việc tái khôi phục môi trường sau nhiều thập niên ô nhiễm.
"Thị trường, vốn điên cuồng về tốc độ và con số, dường như đã bỏ lỡ thực tế rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ lành mạnh hơn dưới sự phát triển “bình thường mới”, hàm chứa các xu hướng tích cực của tăng trưởng ổn định, cơ cấu tối ưu hóa, tăng cường chất lượng và cải thiện phúc lợi xã hội" - Tân Hoa Xã "tiêm" thêm thuốc an thần ngày 21.1.2015. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos vào ngày 22.1.2015, ông Lý Khắc Cường cũng khẳng định: "Trung Quốc sẽ tránh được hạ cánh khó khăn, tiếp tục cải cách, chuyển dịch cơ cấu để đảm bảo một tương lai phát triển bền vững lâu dài".
Bất ổn xã hội gia tăng. Một cuộc đình công ở Trung Quốc. Ảnh CNN.
Tuy nhiên, Trần Tú San (Chen Xiushan) - giáo sư kinh tế Đại học Nhân Dân, cho rằng điều "bình thường mới" này có nghĩa là một cái gì đó rất khác, chẳng hạn, sự cách biệt giữa một công nhân dầu hỏa ở tỉnh xa Hắc Long Giang với công nhân một doanh nghiệp công nghệ cao tại Bắc Kinh.
Suy thoái có thể tàn phá những người làm việc trong các ngành công nghiệp cơ bản như thép và xi măng, khi thị trường bất động sản tiếp tục chìm. Trong khi đó, lĩnh vực khác có thể được hưởng lợi, khi Bắc Kinh bơm ngân sách vào các ngành y tế, công nghệ, và văn hóa. Một số vùng cũng có thể có khả năng điều chỉnh tốt hơn theo mô hình tăng trưởng mới. Các tỉnh ven biển Đông Nam Trung Quốc, khu vực đa dạng về kinh tế, có thể lướt qua cơn bão suy thoái mà không bị tổn thương, theo Trần Tú San, trong khi các tỉnh sâu trong nội địa và các tỉnh công nghiệp gần như chắc chắn phải vật vã. Khu vực Đông Bắc Trung Quốc sẽ "không có nhiều cơ hội cho quá trình chuyển đổi kinh tế", bởi họ phụ thuộc nặng vào hệ thống doanh nghiệp nhà nước trong khi cư dân địa phương ngày càng bỏ xứ di cư về phía Nam để tìm việc. Tóm lại, sự “bình thường mới” chỉ khoét sâu thêm khoảng cách vùng miền và khoảng cách xã hội, dẫn đến hậu quả là xã hội luôn bất an.
Báo cáo gần đây của tổ chức D&B Country RiskLine (chuyên đánh giá rủi ro của các quốc gia) đã ghi nhận bằng một cụm từ ngắn gọn khi đề cập đến Trung Quốc: “Trend: deteriorating” (Xu hướng: tồi tệ hơn). Sự “tồi tệ hơn” đã thể hiện ở con số các cuộc bạo động quần chúng. Bộ công an Trung Quốc cho biết có hơn 128.000 vụ biểu tình lớn, bày tỏ chống đối tham nhũng, chiếm đất, ô nhiễm môi trường, an toàn lao động… (năm 1993, số vụ công chúng bạo động được công bố chính thức là 8.709 và năm 2009 khoảng 90.000 vụ).
Tuy nhiên, theo Hạ Nghiệp Lương, giáo sư kinh tế Đại học Bắc Kinh, con số thật có thể lên đến “hơn 200.000 vụ mỗi năm”, tức khoảng 550 vụ mỗi ngày... Không quốc gia nào có thể phát triển bền vững khi vừa tự chặt chân mình vừa muốn đứng cao.
M.Kim