Dùng thuốc tốt mà thiếu bạn đời, bênh nhân ung thư mau chết hơn
Hồ sơ - Ngày đăng : 14:43, 12/04/2016
Cụ thể, cuộc nghiên cứu dựa trên số liệu của 800.000 người này không những chỉ ra rằng hôn nhân làm tăng cơ hội sống sót của các bệnh nhân ung thư như những nghiên cứu khác, mà còn làm rõ tác dụng của hôn nhân đến các bệnh nhân khác chủng tộc. Theo nghiên cứu, hôn nhân có tác dụng lớn nhất đối với những người đàn ông da trắng không phải gốc Tây Ban Nha.
Giáo sư Maria Elena Martinez, một trong những tác giả của nghiên cứu này, cho biết dữ liệu của 393.470 đàn ông, 389.697 phụ nữ mà nhóm đã sử dụng nghiên cứu là của Cơ quan Đăng ký Ung thư California. Gần 800.000 người thuộc các chủng tộc khác nhau này đã bị phát hiện mắc 1 trong 10 loại ung thư dễ tử vong nhất trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2009. Nhóm nghiên cứu đã theo dõi tình hình của số bệnh nhân này cho đến hết năm 2012.
Qua quá trình nghiên cứu, nhóm đã phát hiện ra mặc dù hôn nhân đều giúp tăng khả năng sống sót của bệnh nhân ung thư bất kể nam nữ, nhưng tác dụng của hôn nhân mạnh hay yếu lại khác nhau tùy thuộc vào giới tính và chủng tộc của người bệnh.
Và trong số các bệnh nhân, hôn nhân có hiệu quả nhất đối với những người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha: đàn ông độc thân có nguy cơ tử vong cao hơn 24% so với đàn ông đã kết hôn và phụ nữ có gia đình có nguy cơ tử vong thấp hơn 17% so với phụ nữ độc thân.
Đối với xu hướng số người độc thân càng ngày càng tăng, bà Martinez tin rằng nghiên cứu của Đại học San Diego là lời nhắc nhở về lợi ích của việc kết hôn. Người bạn đời sẽ rất có ích trong việc nhắc nhở vợ/chồng mình đi khám bệnh đúng hẹn, an ủi khi người kia không vui, nhắc vợ/chồng mình dùng thuốc và nhiều việc khác nữa, bà Martinez cho biết.
Ngoài tìm ra hôn nhân giúp tăng khả năng sống sót, nhóm nghiên cứu còn có một phát hiện thú vị khác. Đó là việc bệnh nhân ung thư độc thân thuộc nhóm API (Asian Pacific Islanders) - những người có gốc Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ sinh ra tại Mỹ có nguy cơ tử vong cao hơn 21% so với bệnh nhân đã kết hôn sinh tại các quốc gia khác, bệnh nhân độc thân API sinh tại quốc gia khác cũng có nguy cơ tử vong cao hơn 9% so với bệnh nhân đã kết hôn.
Giải thích cho việc này, bà Martinez cho rằng có thể là do trong văn hóa Mỹ, cá nhân nhận được ít hỗ trợ từ xã hội hơn, nên nguy cơ tử vong cũng cao hơn.
Bà Martinez tin rằng, các bệnh nhân ung thư độc thân nên được xem là đối tượng dễ bị tổn thương và có nguy cơ tử vong cao, do đó các bác sĩ và các cơ quan chăm sóc sức khỏe nên quan tâm và cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ hơn cho nhóm bệnh nhân này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành lại cho rằng nghiên cứu này có nhiều vấn đề cần phân tích.
Theo tiến sĩ Bernard Rachet thuộc Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới Luân Đôn, khoảng thời gian mà nhóm của bà Martinez tập trung nghiên cứu là trước khi luật Chăm sóc y tế Obama Care được ban hành. Hơn nữa, nhóm nghiên cứu đã không xét đến nhiều nhóm bệnh nhân khác, như bệnh nhân ly hôn sau khi biết mình bị ung thư, bệnh nhân có người yêu nhưng chưa/không kết hôn, bệnh nhân còn nhiễm bệnh khác ngoài bệnh ung thư.
Tiến sĩ Alan Worsley thuộc Viện nghiên cứu ung thư Anh lại cho rằng, nghiên cứu vẫn chưa giải thích rõ lý do tại sao những bệnh nhân đã kết hôn trong nghiên cứu có khả năng sống sót cao hơn.
Tuy nhiên, ông chia sẻ quan điểm với bà Martinez khi cho rằng các bệnh nhân ung thư độc thân nên nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn.
“Các bác sĩ và y tá nên nỗ lực nhiều hơn trong việc chăm sóc những người bệnh độc thân, nên cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ hơn. Nếu mọi người không biết phải làm gì xin hãy gọi đến Viện nghiên cứu ung thư Anh qua số điện thoại 0808.800.4040”, ông Alan cho biết.
Cẩm Bình (theo The Guardian)