Việt Nam sẽ mua vũ khí gì của Mỹ?
Hồ sơ - Ngày đăng : 10:29, 14/05/2016
Việt Nam đang trong quá trình nâng cấp, hiện đại hóa các trang bị khí tài cho quân quân đội, nhằm đảm bảo sức mạnh, khả năng phòng thủ, bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới.
Hiện Việt Nam chủ yếu mua vũ khí từ Nga và hợp tác quân sự với các nước như Hà Lan, Israel, Ukraine, Belarus... Với việc Mỹ gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương, Việt Nam có thể tiếp cận được nhiều nguồn vũ khí hơn từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Việc đa dạng hóa nguồn cung, hợp tác với nhiều đối tác quốc phòng khác nhau sẽ giúp Việt Nam tránh bị động, lệ thuộc vào một đối tác sản xuất vũ khí. Đồng thời, thị trường vũ khí mở rộng hơn cũng cho phép Việt Nam tiếp cận được nhiều loại vũ khí tốt với giá cả phải chăng, phù hợp với nhu cầu của quân đội Việt Nam hơn.
Tuy chưa rõ những mặt hàng vũ khí mà Việt Nam có thể mua từ Mỹ và phương Tây nếu lệnh cấm vận vũ khí sát thương được dỡ bỏ, nhưng có rất nhiều ứng viên đã được lộ diện từ rất lâu.
Trực thăng đa năng UH-1
UH-1 là loại trực thăng quân sự đa năng, nổi tiếng vì được sử dụng nhiều trong chiến tranh Việt Nam. Nó thường được biết dưới tên (dùng trong thủy quân lục chiến Mỹ) là Huey.
UH-1 Huey được phát triển vào năm 1955 trong quân đội Mỹ với bản thử nghiệm Bell 204. Chiếc máy bay này được sử dụng trong quân đội vào năm 1959, và được đưa vào sản xuất hàng loạt năm 1962 dưới tên UH-1. Chiếc cuối cùng xuất xưởng năm 1976, với hơn 16.000 chiếc được sản xuất.
Sau chiến tranh, quân đội Việt Nam thu giữ khá nhiều trực thăng UH-1 từ tay quân đội Việt Nam cộng hòa. UH-1 được quân đội Việt Nam sử dụng nhiều trong chiến tranh biên giới Tây Nam và phát huy hiệu quả rất tốt trên chiến trường.
Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, thiếu phụ tùng thay thế nên nhiều chiếc UH-1 đã được quân đội Việt Nam niêm cất. Trong những năm gần đây, quân đội Việt Nam đã tiến hành phục hồi, đại tu, nâng cấp một số máy bay UH-1 nhờ vào các nước đối tác như Úc.
Với việc Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam, quân đội Việt Nam có thể tiếp cận được nguồn cung phụ tùng cho trực thăng UH-1 từ chính nhà sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí cũng như đảm bảo chất lượng trong việc khôi phục và nâng cấp mẫu máy bay trực thăng đa năng này.
Máy bay tuần tra hàng hải
Máy bay tuần tra hàng hải là một thế mạnh của vũ khí Mỹ, Nga hiện không có được loại máy bay tuần tra hàng hải có chất lượng tương đương với máy bay Mỹ.
Hai mẫu máy bay tuần tra hàng hải tốt nhất của Mỹ là P-3 Orion và P-8 Poseidon, được xem là hai mẫu máy bay tuần tra hàng hải tốt nhất thế giới hiện nay.
Hãng sản xuất vũ khí Lockheed đã chế tạo chiếc P-3 dựa trên khung của chiếc máy bay thương mại L-188 Electra vào những năm 1960. Chiếc P-3 được phân biệt với chiếc Electra nhờ có chiếc đuôi giống như một mũi kim rất đặc thù có tên gọi "MAD Boom", được dùng để tìm dấu hiệu từ tính của tàu ngầm.
Qua nhiều năm, chiếc máy bay đã có rất nhiều điểm mới trong thiết kế, đáng chú ý nhất là các gói nâng cấp hệ thống điện tử. Chiếc P-3 Orion vẫn còn đang được dùng bởi khá nhiều lực lượng hải quân và không quân của các nước trên thế giới, chủ yếu có nhiệm vụ tuần tra lãnh hải, trinh sát, mặt trận chống hạm và chống ngầm.
P-8 được xem là một hậu duệ "khủng" của P-3, khi được trang bị radar AN/APY-10. Khi hoạt động ở chế độ radar khẩu độ tổng hợp (SAR) nó sẽ cho phép phát hiện, phân loại và nhận diện tàu chiến ở trạng thái tĩnh, tàu cỡ nhỏ và giám sát vùng ven biển, còn khi ở chế độ radar khẩu độ tổng hợp với độ phân giải cao (ISAR) sẽ cho phép phát hiện, phân loại và theo dõi tàu ngầm nổi trên mặt nước, tàu thuyền di chuyển tốc độ cao ở vùng ven biển.
Không chỉ vậy, P-8 còn được trang bị thiết bị quét hình ảnh độ phân giải cao có thể phát hiện được kính tiềm vọng của tàu ngầm, cũng như mang theo các phao thủy âm để thả xuống vùng nghi ngờ tàu ngầm đối phương đang hoạt động.
Ngoài khả năng tuần tra hàng hải, P-8 còn được trang bị hàng loạt loại vũ khí như bom chìm, ngư lôi MK-54 và tên lửa đối hạm Harpoon bố trí ở 5 vị trí trong thân và 6 điểm treo dưới cánh.
Với việc mua P-3, hoặc P-8, quân đội Việt Nam sẽ được tăng cường mạnh khả năng kiểm soát, làm chủ trên Biển Đông.
Máy bay tiêm kích đánh chặn F-16
Máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-21 huyền thoại do Liên Xô sản xuất hoạt động trong biên chế của không quân Việt Nam đã có tuổi thọ rất cao, lên đến 50 năm. Việc tìm ứng cử viên thay thế máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-21 trong vài năm tiếp theo là một nhu cầu bức thiết của không quân Việt Nam.
Trong các ứng viên có thể thay thế cho MiG-21, F-16 của Mỹ được đánh giá rất tiềm năng khi loại máy bay này có nhiều ưu điểm như rất linh hoạt, bảo trì bảo dưỡng đơn giản, chi phí hoạt động ít, tiềm năng hiện đại hóa còn rất lớn…
F-16 là nguyên bản là tiêm kích hạng nhẹ do 1 phi công điều khiển với 1 động cơ, có nhiệm vụ ngăn cản máy bay địch bảo vệ không phận.
Những phiên bản sau chuyển thành chiến đấu cơ đa năng sử dụng trong mọi thời tiết có trọng lượng cất cánh 20 tấn. F-16 có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 2.410km/giờ, tầm tác chiến trên 550km và trần bay cao trên 15.000m.
Dù đã được sản xuất từ cách đây hơn 40 năm nhưng F-16 vẫn không ngừng được nâng cấp và dây chuyền sản xuất loại máy bay chiến đấu này vẫn đang còn hoạt động.
Mới đây nhất, hồi tháng 10.2015, quân đội Mỹ thông báo rằng họ đã nâng cấp máy bay F-16 lên chuẩn F-16V mới nhất, trang bị radar tạo chùm nhanh (SABR) quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) APG-83 tân tiến của tập đoàn Northrop Grumman.
Cơ hội hợp tác với nước khác sâu rộng hơn
Không chỉ mở ra cơ hội mua vũ khí Mỹ, việc Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương sẽ giúp Việt Nam có nhiều cơ hội hợp tác quốc phòng với nhiều nước hơn, đặc biệt là với Israel và Hà Lan.
Hiện Israel và Hà Lan là hai đối tác hợp tác quốc phòng lớn của Việt Nam. Việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương sẽ giúp Việt Nam và hai nước trên mở rộng hơn nữa lĩnh vực hợp tác quốc phòng.
Với Hà Lan, Việt Nam có thể sẽ mở rộng hợp tác từ việc chỉ đóng tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư như hiện nay có thể mở rộng thành đóng tàu chiến cho lực lượng hải quân.
Thiên Hà
Ảnh: Máy bay tuần tra hàng hải P-8 Poseidon