Nguy cơ va chạm giữa máy bay Mỹ-TQ gia tăng

Hồ sơ - Ngày đăng : 14:10, 30/05/2016

Nỗi lo ngại căng thẳng trên Biển Đông sẽ gia tăng đáng kể trong vài tuần tới, sau khi Tòa án trọng tài thường trực (PCA) sẽ có phán quyết về đơn kiện của Philippines phản đối việc Trung Quốc tuyên bố độc chiếm Biển Đông.

Báo Guardian (Anh) ngày 29.5 nêu TQ sẽ phản ứng với phán quyết vốn được dự báo sẽ xử Philippines thắng kiện, bằng cách gây căng thẳng trên Biển Đông, tiếp tục hoạt động cải tạo đất và xây dựng cơ sở hạ tầng trên bãi cạn Scarborough của Philippines.

Trung Quốc tuyên bố sẽ “tự vệ”, nếu…

Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ không chấp nhận phán quyết, đồng thời cảnh báo Mỹ chớ gia tăng xung đột và tuyên bố sẽ “tự vệ” nếu cần thiết. Thứ trưởng Ngoại giao TQ Lưu Chấn Dân, người dẫn đầu cuộc đàm phán về vấn đề này, nói: “Chắc chắn khi có phán quyết, những người bạn của chúng tôi ở Philippines và Mỹ sẽ rao rằng tòa án có quyền trói buộc và TQ phải tuân thủ kết quả. Nhưng chúng tôi sẽ kiên quyết khẳng định phán quyết đó phi pháp, PCA không có quyền và TQ sẽ không công nhận phán quyết”.

Ông Lưu Chấn Dân còn nói: “Mỹ biết rõ lịch sử của họ ở Đông Nam Á. Chúng tôi sẽ phản đối Mỹ nếu họ gây bất ổn ở khu vực này. Nhưng nếu tái diễn kịch bản chiến tranh Triều Tiên hoặc chiến tranh Việt Nam, chúng tôi sẽ phải tự vệ”. Ông còn cảnh cáo bất kỳ “âm mưu” nào của Mỹ nhằm kiềm chế quyền lực hàng hải đang trỗi dậy của TQ sẽ gặp phải thất bại:

“Chúng tôi đã nói với những người bạn Mỹ, rằng “quí vị không thể bao vây TQ bằng cách tập trận chung hoặc xây dựng cơ sở quân sự. Rằng quí vị đã không thể làm thế hồi 30 năm trước chứ đừng nói bây giờ. Sự trỗi dậy và phát triển của TQ sẽ không bị bất kỳ ai kéo lùi”.

Nguy cơ tái diễn va chạm giữa máy bay Mỹ-Trung

Theo các quan chức TQ, đã có một cuộc tranh luận về sự đúng đắn của chương trình xây đảo nhân tạo trên Biển Đông, khi nó bắt đầu được tiến hành hồi 3 năm trước. Phe “diều hâu” đã thắng trong cuộc tranh luận này. Sự bất ổn của tình hình càng bị đẩy lên cao bởi yếu tố Chủ tịch TQ Tập Cận Bình chưa thể củng cố quyền lực và lập chương trình chống tham nhũng để ông gạt bỏ những nhân vật thần thế trong Quân đội giải phóng nhân dân TQ (PLA) và trong Đảng Cộng sản TQ (CPC). Các nhà ngoại giao nói việc ông Tập có nắm được quyền lực hay không sẽ vẫn còn bị nghi ngờ chí ít cho đến kỳ đại hội đảng trong năm 2017.

Cho đến lúc đó, ông Tập sẽ không thể phớt lờ tinh thần yêu nước ngày càng tăng nơi người dân TQ, xoáy vào cuộc tranh chấp Biển Đông. Theo Guardian, dân TQ đều phẫn nộ mỗi lần tàu chiến, máy bay Mỹ tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo và bãi cạn mà TQ chiếm trái phép, đôi khi dẫn đến những vụ suýt va chạm giữa quân đội Mỹ-Trung.

Đang có sự gia tăng lo ngại tái diễn vụ va chạm giữa một máy bay do thám EP3 của Mỹ với một chiến đấu cơ TQ hồi tháng 4.2001. Chiếc máy bay Mỹ đã phải hạ cánh trên lãnh thổ TQ và tổ bay sớm được trả về Mỹ, nhưng phi công TQ bị chết trong vụ va chạm này. Sự cố suýt xảy ra hồi đầu tháng 5.2016, khi các chiến đấu cơ TQ suýt đâm vào một chiếc EP3 của Mỹ ở ngoài khơi đảo Hải Nam (TQ).

Hoàn cầu thời báo (thuộc nhà nước TQ) đã cảnh báo một vụ va chạm trong tình hình hiện nay sẽ dẫn đến một vụ xung đột vũ trang vượt tầm kiểm soát. Bài xã luận viết: “Nếu Lầu Năm Góc tiếp tục hoạt động do thám thật sát chống lại TQ, và khi sức mạnh quân sự của chúng ta tăng lên, thì có thể có những hoạt động ngăn chặn. Hậu quả là nguy cơ một vụ va chạm khác sẽ tăng lên. Nhưng nếu tái diễn, tính nhạy cảm và tai họa do nó gây ra sẽ còn lớn hơn vụ 2001, khi mà mối quan hệ Trung-Mỹ chưa mãnh liệt như bây giờ. Sự bất tín ngày càng sủi bọt giữa TQ với Mỹ có thể sẽ bùng nổ nếu xảy ra một vụ va chạm khác. Sẽ cực kỳ khó cho cả hai bên kiểm soát những nguy cơ và tổn thất”.

Bà Phó Oánh, nữ cựu đại sứ TQ ở Anh và là chủ tịch ủy ban đối ngoại thuộc Quốc hội TQ nói: “Biển Đông giống như một ván bi-da. Bạn đánh quả bóng này và bạn đánh nhiều quả khác. Và Mỹ là một quả bóng bi-da rất lớn”. Bà phê phán Mỹ sử dụng máy bay do thám để khiêu khích TQ: “Hoạt động do thám của EP3 rất thường xuyên. Bạn đâu cần quay lại 3 lần/ngày vì điều gì đó chỉ thay đổi trong nhiều tháng. Quân đội Mỹ nên hiểu lịch sử TQ. Chúng tôi đã phải chịu đựng nhiều cuộc xâm lược từ năm 1840, chủ yếu là xâm lược từ đường biển” .

Bà Phó Oánh còn nói: “Cả hai bên đang rất cứng rắn, với những quan điểm mạnh mẽ. Đối với Mỹ, đó là một vấn đề địa-chính trị, nhưng đối với TQ, đó là vấn đề lãnh thổ. Sẽ có 1,3 tỉ dân nổi giận nếu chúng tôi nhượng lãnh thổ”.

Theo Guardian, một quan chức TQ khác mô tả ông Tập là người thừa kế ngai vàng của các hoàng đế Trung Hoa: “Không vị hoàng đế nào để mất nước, nên ông Tập cũng không thể là người đầu tiên để mất nước”.

Chỉ huy quân sự Mỹ và Quốc hội Mỹ muốn Nhà Trắng cứng rắn hơn

Nhà Trắng hiện chịu sức ép của các chỉ huy quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương cùng nhiều nghị sĩ ở Quốc hội Mỹ, rằng Nhà Trắng phải có quan điểm cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh, thực hiện nhiều cuộc tuần tra quân sự hơn ở gần các đảo nhân tạo mà TQ xây trái phép, cũng là nơi đã xảy ra nhiều cuộc đối đầu sát gần giữa tàu chiến-máy bay của hai siêu cường kình địch nhau.

Các nhà ngoại giao và quân sự Mỹ-Trung đã tổ chức cuộc đối thoại an ninh chiến lược ở Washington ngày 19.5, ở đó các quan chức Mỹ đã yêu cầu phía TQ kiềm chế phản ứng trước phán quyết của PCA.

Tuy nhiên, quân đội Mỹ gây sức ép phải tỏ ra quyết liệt hơn. Trang Navy Times đưa tin chỉ huy quân Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris đã đề nghị “một phản ứng cơ bắp đối với chương trình xây đảo nhân tạo của TQ, là nơi mà TQ có thể cho máy bay quân sự cất cánh và tiến hành hoạt động quân sự trong khu vự 12 hải lý của các đảo nhân tạo này”.

Hiện Nhà Trắng phải đồng ý nếu một tàu chiến Mỹ đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo và bãi ngầm này, và họ thực hiện hoạt động tuần tra trong điều kiện “đi qua vô hại” tức không thể cho máy bay quân sự bay, không được sử dụng các hệ thống phòng không hoặc tiến hành tập trận bắn đạn thật.

Có thông tin Đô đốc Harris thúc đẩy nới lỏng những hạn chế này và thể hiện quan điểm cứng rắn hơn, như một cách ngăn chặn TQ mở rộng chương trình xây đảo nhân tạo trên bãi Scarborough. Cho đến nay, quan điểm của Nhà Trắng là cẩn trọng, thậm chí Đô đốc Harris cùng các chỉ huy quân sự khác bị ra lệnh không ra những tuyên bố công khai trước thềm cuộc gặp giữa ông Tập với ông Obama nhân hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân hồi cuối tháng 3.2016.

Nhưng ở Quốc hội Mỹ cũng có những kêu gọi phải có quan điểm cứng rắn hơn. Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch ủy ban quân vụ Thượng viện, nói với báo Navy Times:

“Sự phòng tránh nguy cơ của Nhà Trắng có kết quả là một chủ trương không manh tính quyết đoán, khiến không thể ngăn chặn TQ theo đuổi ý đồ độc bá hàng hải, trong khi lại khiến các đồng minh và đối tác lúng túng, phải đề phòng. Việc TQ càng hung hăng thách đố trật tự quốc tế dựa theo luật pháp phải đi cùng một phản ứng kiên quyết để chứng minh quyết tâm của Mỹ và trấn an khu vực”.

Kim Hương (theo Guardian)

Máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ. (Ảnh: Huanqiu)