Trung Quốc và làn sóng bài giá trị phương Tây
Hồ sơ - Ngày đăng : 11:05, 29/05/2016
Vài năm trở lại đây, thế giới ngày càng nghe nói đến việc Trung Quốc tìm cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng của quyền lực mềm của mình trên toàn cầu ngày một nhiều hơn. Đó được xem như một chính sách quốc gia như một dấu hiệu của sự trỗi dậy toàn cầu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, với điển hình là các viện Khổng Tử trên khắp thế giới.
Việc dự án văn hóa này chưa thu được thành công, cộng với việc làn sóng các giá trị phương Tây từ kinh tế đến văn hóa đang tiếp tục tràn vào Trung Quốc, đang là những nguyên nhân khiến chính phủ nước này tiến hành một chiến dịch phản công văn hóa ngay tại đất nước của mình. Trung Quốc đang bước vào cuộc chiến chống lại làn sóng xâm nhập của các giá trị phương Tây, và mục tiêu đầu tiên được Bắc Kinh nhắm đến đang là: Disney Land.
Một nhận định chung của hầu hết các chuyên gia về Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, đó là: Trung Quốc đang ngày càng thu mình hơn trước sự xâm nhập của các giá trị nước ngoài, chủ yếu ở đây là từ phương Tây, từ kinh tế cho đến văn hóa. Tần suất các bài phát biểu của chủ tịch Tập Cận Bình trong đó nội dung đề cập đến vấn đề không có chỗ cho các hệ giá trị phương Tây trong xã hội và nền kinh tế Trung Quốc thời gian gần đây ngày càng nhiều hơn.
Từ chỗ là chủ nhân của một chiến dịch truyền bá văn hóa ra khắp thế giới với hàng loạt các viện Khổng Tử tại hầu hết các quốc gia trên toàn cầu, giờ đây Trung Quốc đang thu gọn mục tiêu truyền bá văn hóa truyền thống của mình chỉ trong phạm vi lãnh thổ nước mình mà thôi.
Sự thay đổi này đang là một dấu hiệu cho sự thay đổi nhận thức của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, từ chỗ tưởng rằng có thể truyền bá ảnh hưởng của văn hóa truyền thống của mình ra khắp thế giới, đến chỗ nhận ra rằng đó là điều chưa thể thực hiện được và nhất là khi mà văn hóa truyền thống Trung Quốc đang thua ngay trên sân nhà, và thậm chí là thua ngày càng nặng hơn.
Biểu tượng cho chiến thắng của các hệ giá trị phương Tây từ văn hóa đến kinh tế ở Trung Quốc thời điểm hiện tại, không gì khác ngoài Disney Land. Bất chấp việc các tên tuổi nước ngoài đang ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc kinh doanh tại thị trường Trung Quốc, thì hãng giải trí nổi tiếng của Mỹ này đang là một trong số ít những thương hiệu tiếp tục ăn nên làm ra.
Trong khi Apple vừa hứng đòn và bắt đầu có ý định chuyển sang thị trường Ấn Độ, thì Disney lại chuẩn bị khai trương công viên giải trí lớn nhất của mình từ trước đến nay ở Thượng Hải vào ngày 16.6 tới, đó là chưa kể hàng loạt các công viên giải trí khác của hãng này trên khắp Trung Quốc, chẳng hạn như dự án công viên Disney Land tại tỉnh Giang Tây với tổng trị giá lên tới khoảng 5,5 tỷ USD.
Dễ hiểu tại sao Disney lại mạnh tay đầu tư vào thị trường Trung Quốc đến thế, khi các công viên giải trí Disney Land của hãng này đang giữ vị trí thống trị trên thị trường các khu vui chơi giải trí tại Trung Quốc thời điểm hiện tại.
Ngành công nghiệp du lịch hiện tại của Trung Quốc đang có doanh thu hàng năm khoảng 610 tỷ USD, và theo dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2020 khi tầng lớp trung lưu của Trung Quốc ngày càng gia tăng. Doanh thu của hãng này trong năm 2015 đạt khoảng trên 15 tỷ USD, và chắc chắn sẽ tăng lên nhiều khi hai dự án tỷ đô ở Thượng Hải và Giang Tây đi vào hoạt động.
Vì thế, Walt Disney đang thực sự là biểu tượng cho chiến thắng của hệ giá trị phương Tây, từ kinh tế đến văn hóa, ở Trung Quốc. Về văn hóa, Disney là hãng giải trí mang đậm văn hóa phương Tây, với những nhân vật như chuột Mickey, và kể cả ở những công viên Disney Land ở Trung Quốc thì cũng không có nhân vật mang màu sắc văn hóa truyền thống Trung Quốc nào.
Chiến thắng về văn hóa của Walt Disney ở Trung Quốc còn ở chỗ, gần như không có một thương hiệu công viên giải trí nội địa nào ở Trung Quốc có tên tuổi, chứ chưa nói đến việc có đủ sức cạnh tranh với Walt Disney hay không.
Theo thống kê, tính đến năm 2011, Trung Quốc có khoảng 2.500 công viên giải trí, từ các công viên nước đến các công viên vui chơi theo chủ đề riêng biệt, nhưng chỉ có 10% trong số đó là có lãi, và không có công viên giải trí nào của Trung Quốc lọt vào top 15 công viên có số khách ghé thăm lớn nhất thế giới, dù Trung Quốc đang là quốc gia đông dân nhất hành tinh.
Về kinh tế, bất kể ngành công nghiệp du lịch của Trung Quốc đang rất phát triển trong những năm qua, với tổng doanh thu lên đến hơn 600 tỷ USD, thì một thực tế có thể khiến các nhà lãnh đạo nước này phiền lòng, đó là: chưa có tên tuổi nội địa nào đáng kể hoạt động trong lĩnh vực công viên giải trí. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phần lớn lợi nhuận trong lĩnh vực này đang lọt vào tay các tên tuổi nước ngoài, mà Walt Disney là một ví dụ điển hình.
Vì thế, Walt Disney đang là đối tượng chính được nhắm đến trong cuộc chiến bài các giá trị phương Tây hiện nay ở Trung Quốc. Và đối thủ của hãng giải trí nổi tiếng này hiện tại đang là tỷ phú giàu nhất Trung Quốc là Vương Kiện Lâm, với khối tài sản lên tới gần 40 tỷ USD.
Sau khi thâu tóm hãng sản xuất phim Legendary Entertainment ở Hollywood, vị tỷ phú đi lên nhờ bất động sản và chuỗi các rạp chiếu phim này đang có ý định lấn sang lĩnh vực công viên giải trí. Dù thừa nhận khoảng cách giữa tập đoàn của ông này với Walt Disney trong lĩnh vực này là quá chênh lệch, khi một bên là tên tuổi hàng đầu thế giới còn một bên gần như chưa có kinh nghiệm gì, nhưng vị tỷ phú giàu nhất Trung Quốc đang tỏ ra khá tự tin.
Chiến lược được Vương công khai để cạnh tranh với Disney Land là: “một con hổ thì không thể chống lại bầy sói”. Hiểu đơn giản, dù Disney là một tên tuổi lớn nhưng chỉ một công viên giải trí ở Thượng Hải sẽ không thể cạnh tranh được với chuối 15-20 công viên giải trí mà tập đoàn Wanda của Vương sẽ thiết lập trên khắp Trung Quốc.
Điểm đặc biệt của chuỗi 15-20 công viên giải trí khắp Trung Quốc này của Vương là, sẽ hoàn toàn mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống, và sẽ không có sự góp mặt của bất cứ yếu tố văn hóa phương Tây nào. Điều này đang đi ngược lại với cơn sốt hâm mộ những gì thuộc về văn hóa phương Tây của đại bộ phận giới trẻ Trung Quốc và cũng đồng nghĩa với những nguy cơ về mặt doanh thu và lợi nhuận, vốn là điều mà một tỷ phú doanh nghiệp như Vương Kiện Lâm không thể bỏ qua.
Việc nhấn mạnh vào các giá trị văn hóa truyền thống một cách cực đoan trong dự án chuỗi công viên giải trí này của Vương Kiện Lâm đang là một dấu hiệu cho sự hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc, những người đang có sự dịch chuyển trong dự án truyền bá văn hóa truyền thống của mình, từ chỗ quảng bá ra khắp thế giới với chuỗi các viện Khổng Tử, giờ đây đang chuyển sang thay thế bằng loại hình các công viên giải trí, nhưng lần này là ở trong phạm vi nội địa Trung Quốc mà thôi.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)