Trung Quốc quyết quên đi Cách mạng Văn hóa
Hồ sơ - Ngày đăng : 10:20, 17/05/2016
Ngày 16.5.1966, một tài liệu được lưu truyền trong đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã mở đầu cho cuộc Cách mạng Văn hóa nhằm chống lại âm mưu thay thế đảng bằng "một chế độ độc tài của giai cấp tư sản".
Tiếp theo đó là một thời gian dài đầy biến động, đổ máu và tình trạng trì trệ kinh tế tại Trung Quốc chỉ kết thúc khi Mao Trạch Đông qua đời tháng 9.1976.
Hồng vệ binh đứng trên pháp luật
Ngày 8.8.1966, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ thông qua "quyết định liên quan đến cuộc Cách mạng Văn hóa Vô sản" với 16 điểm. Quyết định này quy định rằng cuộc Cách mạng văn hóa Vô sản là "một cuộc cách mạng lớn đụng chạm đến tất cả mọi người và thiết lập một giai đoạn mới trong sự phát triển của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong nước, một giai đoạn sâu rộng hơn".
Theo thông cáo 16 điểm trên, lãnh đạo Trung Quốc lấy phong trào sinh viên sẵn có và phát triển nó lên một cấp độ chiến dịch đại chúng toàn quốc, kêu gọi sự tham gia của không những sinh viên mà còn cả công nhân, nông dân, quân nhân, trí thức cách mạng và các cán bộ cách mạng để tiến hành nhiệm vụ chuyển đổi cấu trúc thượng tầng bằng cách treo các áp phích ký tự lớn và tổ chức các cuộc tranh luận sôi nổi.
Ngày 16.8.1966, hàng triệu Hồng vệ binh từ khắp đất nước tập trung tại Bắc Kinh để có cơ hội thấy mặt chủ tịch Mao. Ngay trên đầu cổng Thiên An Môn, chủ tịch Mao Trạch Đông và Lâm Bưu đã xuất hiện và diễn thuyết trước 11 triệu Hồng vệ binh và nhận được rất nhiều tràng reo hò từ đám đông. Mao ca ngợi hành động của Hồng vệ binh trong các chiến dịch gần đây là "phát triển chủ nghĩa xã hội và dân chủ".
Tiếp theo đó, hàng loạt vụ tấn công vào những người được khép tội là "phản cách mạng" được lực lượng Hồng vệ binh tiến hành. Nhiều người đã phải tự tử vì không chịu nổi sự sỉ nhục, bị giết hại hoặc đưa về nông thôn làm việc trong Cách mạng Văn hóa.
Trong Chiến dịch tiêu hủy 4 cái cũ, tất cả những gì liên quan đến tôn giáo đều bị Hồng vệ binh triệt bỏ thẳng tay. Nhiều công trình tôn giáo như chùa chiền, nhà thờ, tu viện Hồi giáo và các nghĩa trang đều bị đóng cửa, đôi khi còn bị cướp phá hoặc bị đập bỏ.
Hành động kinh khủng của Hồng vệ binh không bị ngăn chặn và kiểm soát mà còn được chủ tịch Mao Trạch Đông ca ngợi. Ngày 22.8.1966, ông ban hành một thông cáo chung, trong đó quy định cấm mọi sự can thiệp từ phía công an vào hoạt động của Hồng vệ binh.
Người nào dám ngăn cản hành động của lực lượng Hồng vệ binh sẽ bị ghép tội "phản cách mạng". Vì vậy có thể nói vào thời Cách mạng Văn hóa, lực lượng Hồng vệ binh đứng trên mọi luật pháp, lực lượng này có quyền sinh sát đối với mọi tần lớp trong xã hội.
Thậm chí kể cả những lãnh đạo cấp cao nhất của đảng như Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài cũng bị Hồng vệ binh đưa ra xử với cáo buộc "phản cách mạng".
Truyền thông Trung Quốc "quên mất" Cách mạng Văn hóa
Trong khi Trung Quốc vẫn không ngừng nhắc đến sự kiện tại Nam Kinh từ hồi thế chiến thứ 2 để hạch tội Nhật Bản thì sự kiện Cách mạng Văn hóa lại không hề được nhắc đến vì tránh ảnh hưởng đến hình tượng của Cố chủ tịch Mao Trạch Đông.
Tờ Global Times, một phụ san của Nhân dân Nhật báo đã bỏ qua hoàn toàn sự kiện Cách mạng Văn hóa và thay vào đó là bản tin về sự tức giận của Trung Quốc trước báo cáo cảnh cáo Trung Quốc của Lầu Năm Góc.
Beijing Times thì đưa lên trang nhất của mình câu chuyện về những nỗ lực của cảnh sát để tìm kiếm trẻ em bị mất tích.
Không chỉ không đăng tưởng niệm sự kiện, học giả Trung Quốc còn bị cấm nói chuyện về chủ đề "nhạy cảm" này.
"Các nhà nghiên cứu Trung Quốc không được chấp nhận trả lời phỏng vấn liên quan đến cuộc Cách mạng Văn hóa", một học giả nói với The Globe and Mail của Canada.
"Họ nghĩ rằng nếu chúng ta tiếp xúc với các mặt tối của Cách mạng Văn hóa sẽ làm dấy lên những nghi ngờ hệ thống chính trị", ông Wang Youqin một chuyên gia nghiên cứu về thời kỳ Cách mạng Văn hóa nói với The Guardian.
Roderick MacFarquhar, một chuyên gia Cách mạng Văn hóa tại Đại học Harvard nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh giác với mọi người muốn sử dụng Cách mạng Văn hóa để "khơi gợi sự thật khó chịu" trong quá khứ của đảng.
Thiên Hà (theo The Guardian)
Ảnh: Những chiếc huy hiệu in hình Mao Trạch Đông được bán ở Tứ Xuyên