Nga sẽ ngư ông đắc lợi khi Anh và EU trong thế 'ly hôn'

Hồ sơ - Ngày đăng : 14:20, 17/06/2016

Không khó để nhận ra một thực tế là: Nga đang là quốc gia đứng ở vị trí thuận lợi nhất trong vở kịch chia tách đang diễn ra ở EU thời điểm hiện tại.

Những ngày này sự chú ý của cả thế giới đang dồn cả về châu Âu, nơi đang diễn ra giải bóng đá Euro tại Pháp và cuộc trưng cầu dân ý sẽ quyết định tương lai Liên minh châu Âu (EU) của người dân Anh quốc được biết đến với cái tên “Brexit”.

Nếu như giải bóng đá Euro đang thực sự là một lễ hội của những niềm vui thì Brexit lại hoàn toàn ngược lại, nó hoàn toàn có thể trở thành một lễ hội của những nỗi buồn, nghiêm trọng hơn thì có thể gọi là thảm kịch với nền kinh tế châu Âu.

Lục địa già có thể sẽ chìm vào một giai đoạn suy giảm tăng trưởng kinh tế trầm trọng nếu như nước Anh chính thức rời khỏi EU.

Các con số thống kê đều đã chỉ ra rằng, nếu Anh rời khỏi liên minh châu Âu thì hầu như tất cả mọi nền kinh tế trên thế giới đều bị ảnh hưởng xấu, từ chính nền kinh tế các nước thành viên EU ở châu Âu cho đến kinh tế Mỹ, Trung Quốc, Australia và các nền kinh tế mới nổi ở khu vực Đông Nam Á như Việt Nam hay Campuchia.

Bản thân nền kinh tế Anh cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu nước này chọn phương án rời khỏi EU, theo tính toán của bộ trưởng tài chính Anh George Osborne thì nước này có thể mất từ 400.000 – 800.000 việc làm trong vòng từ 2-4 năm sau khi rời khỏi EU, còn nền kinh tế của đảo quốc này cũng sẽ giảm tăng trưởng khoảng 1-2% mỗi năm.

Đó là lý do vì sao hầu hết mọi quốc gia trên thế giới ở thời điểm hiện tại đều nghiêng về phương án ủng hộ nước Anh ở lại liên minh châu Âu, và chắc chắn là nếu quy định của Brexit bao gồm việc trưng cầu dân ý không chỉ trong phạm vi nước Anh mà còn của các quốc gia trên thế giới, thì có lẽ đa phần số phiếu sẽ chọn phương án ở lại với EU hết.

Tuy nhiên, có một quốc gia mà kể cả khi Brexit có diễn ra hay không thì quốc gia này đều có thể thu được lợi ích, đó là Nga. Vấn đề rất đơn giản, quan hệ kinh tế thương mại giữa Anh và Nga nói riêng và Nga – EU nói chung đã bị đình trệ nghiêm trọng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea cách đây hai năm, vì thế dù Brexit có xảy ra đi nữa thì kinh tế Nga cũng sẽ chẳng hề hấn gì.

Ngược lại, nếu Brexit diễn ra, thì kinh tế Nga thậm chí sẽ còn thu được lợi ích rất lớn. Nếu nước Anh quyết định rời EU, đó chắc chắn sẽ là một cú sốc rất lớn đối với nền kinh tế châu Âu lục địa, các mối quan hệ kinh tế thương mại giữa Anh và các nước EU tại lục địa sẽ bị đứt gãy và theo dự kiến sẽ cần một khoảng thời gian là 2 năm để hai bên xây dựng lại các mối quan hệ kinh tế này.

Theo nghiên cứu của viện kinh tế Ifo có trụ sở tại Munich thì nếu Brexit diễn ra, kinh tế Đức có thể sẽ sụt giảm tăng trưởng khoảng 3% mỗi năm về dài hạn. Đó sẽ là một mức suy giảm tăng trưởng rất lớn, nếu như chúng ta nhớ lại rằng tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của kinh tế Đức hiện nay chỉ khoảng trên dưới 2%.

Đó mới chỉ là thiệt hại với nền kinh tế Đức trên khía cạnh một nền kinh tế đơn lẻ do sự đứt gãy quan hệ kinh tế với Anh, chứ chưa tính đến tổng thiệt hại cho nền kinh tế Đức với tư cách nền kinh tế đang lãnh đạo kinh tế liên minh châu Âu.

Vì thế, để bù đắp những thiệt hại do Brexit gây ra, nhiều khả năng Đức nói riêng và các nước EU nói chung sẽ nối lại quan hệ kinh tế thương mại với Nga. Trên thực tế, các lệnh trừng phạt kinh tế mà EU áp đặt lên Nga đang có xu hướng giảm dần về mức độ trong thời gian gần đây, các lệnh trừng phạt này sẽ hết hạn vào ngày 31.7 tới đây nếu như Ủy ban châu Âu quyết định không gia hạn thêm thời gian.

Xu hướng xích lại gần Nga về mặt kinh tế của các nhà lãnh đạo EU đã bắt đầu xuất hiện trong thời gian gần đây, với đỉnh điểm là việc chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và thủ tướng Italia Matteo Renzi sẽ đến Nga để tham dự diễn đàn kinh tế St.Petersburg. Đây được xem là một nỗ lực hướng tới bình thường hóa quan hệ kinh tế và thương mại giữa EU và Nga trong thời gian tới.

Quốc gia đang có nhiều động lực nhất trong việc nối lại quan hệ kinh tế với Nga ở EU hiện tại là Đức, nền kinh tế lớn nhất và cũng đang là lãnh đạo nền kinh tế của liên minh châu Âu.

Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier hôm 31.5 vừa qua đã tuyên bố thẳng thừng, rằng có thể nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga của EU kể cả khi thỏa thuận hòa bình Minsk chưa được thực hiện đầy đủ đi nữa, và nếu có tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện thỏa thuận Minsk thì Đức có thể sẽ rút hoàn toàn các lệnh trừng phạt này với Nga.

Việc nối lại quan hệ kinh tế và thương mại với Nga có thể giúp Đức giảm thiếu các tác động xấu về kinh tế do Brexit gây ra, chưa kể Đức cũng đang rất muốn Nga tiếp tục dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream từ Nga sang Đức. Một khi Đức đã nới lỏng hoặc thậm chí là gỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt, thì cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia thành viên EU còn lại cũng sẽ làm điều tương tự.

Kể cả trong trường hợp người dân Anh bỏ phiếu ở lại EU và Brexit không diễn ra, thì Nga vẫn có cách để thu lợi. Những nhượng bộ lớn mà các nhà lãnh đạo EU ở Brussel phải dành cho chính phủ Anh ở London để thuyết phục nước Anh ở lại EU, có thể sẽ đem lại cho nước Anh một tiếng nói có trọng lượng hơn trong các chính sách của EU và những nước như Đức và Pháp sẽ phải chịu thiệt hơn trong các vấn đề về chính trị và đặc biệt là kinh tế.

Đức, Pháp và Ý có thể sẽ vẫn hướng về phía Nga và nới lỏng dần các lệnh trừng phạt để nối lại quan hệ kinh tế thương mại với Nga. Chắc chắn là tốc độ nới lỏng và gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga của EU sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều nếu Brexit xảy ra, nhưng kể cả khi Brexit không diễn ra thì nó vẫn sẽ là một đòn bẩy giá trị với kinh tế Nga trong việc dần nối lại quan hệ kinh tế thương mại với liên minh châu Âu.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg, Reuters)