Thái Lan sẵn sàng gia nhập TPP

Hồ sơ - Ngày đăng : 17:49, 01/06/2016

Theo đánh giá của Phó thủ tướng Thái Lan, việc gia nhập TPP đem lại cho nước này nhiều lợi ích hơn là thiệt hại.

Vào ngày 31.5, ông Somkid Jatusripitak, Phó thủ tướng Thái Lan đã nói rõ lập trường của nước này rằng, một khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở cửa tiếp nhận thành viên mới, Thái Lan sẵn sàng gia nhập.

Ông Somkid cũng khẳng định quyết định gia nhập TPP đã được Thủ tướng Prayut Chan-o-cha xác định rõ, thậm chí một ủy ban chuẩn bị cho việc gia nhập TPP chịu sự quản lý của bà Apiradi Tantraporn - Bộ trưởng Thương mại Thái, cũng đã được thành lập. Nhiệm vụ của ủy ban này là nghiên cứu khả năng Thái Lan tham gia vào TPP. Ngoài ra, chính quyền cũng sẽ tổ chức tiếp thu ý kiến người dân bằng các buổi điều trần công khai, dự kiến sẽ kéo dài trong 1 năm về vấn đề gia nhập TPP. Cách làm này sẽ giúp làm giảm xung đột giữa các nhóm lợi ích khác nhau trước khi gia nhập TPP, ông Somkid cho biết.

Ông Somkid khẳng định, “Thái Lan không thể tự mãn, chúng tôi cũng phải học hỏi từ các nước khác. Và vào thời điểm này, chúng tôi đã sẵn sàng gia nhập TPP, hiện tại vấn đề là khi nào thì TPP đón nhận chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã sẵn sàng để tham gia Hiệp định đối tác kinh tế Toàn diện khu vực RCEP”.

Ông Somkid cũng cho biết, chính phủ Thái tin tưởng rằng việc gia nhập TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn là thiệt hại, vì vậy mặc cho Thái Lan sẽ có chính phủ mới sau bầu cử, nhưng TPP vẫn sẽ là vấn đề quan trọng với Thái Lan trong một thời gian dài.

Vào ngày 31.5, bà Apiradi đã cho biết chính phủ đã tổ chức gặp gỡ các nhóm dân sự, gồm tổ chức FTA Watch, Aids Access Foundation, BioThai Foundation, StopDrink Network và Thailand Health Promotion Institute, để lấy ý kiến và bàn bạc về việc gia nhập TPP. Đây là những nhóm đấu tranh cho các vấn đề về sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế thuốc, bảo mật thông tin y tế, bảo vệ giống cây trồng mới và quyền khởi kiện của các nhà đầu tư.

Bà Apiradi khẳng định Bộ Thương mại sẵn sàng tiếp thu ý kiến của các tổ chức dân sự, cũng như sẵn sàng hợp tác với các thành phần dân sự khác để bảo vệ những lợi ích của quốc gia. Với những cá nhân/ tổ chức lo lắng về TPP, Bộ sẽ lắng nghe và tìm cách xóa bỏ những tác động không tốt của TPP đối với họ.

Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) là khối thương mại khu vực lớn nhất thế giới, với tổng GDP của tất cả các nước thành viên đạt đến 27,4 nghìn tỉ USD, chiếm 39,3% GDP toàn cầu. Tổng giá trị thương mại của TPP khoảng 8,7 nghìn tỉ USD, chiếm 26,17% giá trị thương mại toàn cầu. Do đó, dù có gia nhập hay không, TPP vẫn chắc chắc sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Thái Lan, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu, động lực phát triển chính của kinh tế đất nước, bà Apiradi cho biết.

Hiện các nhóm dân sự đã gửi bản đề xuất lên Bộ Thương mại. Ngược lại, các nhóm cũng yêu cầu các cơ quan liên quan thuộc chính phủ công khai các thông tin cần thiết liên quan đến TPP và việc gia nhập. Hơn nữa, các cơ quan chính phủ cũng cần phải giải thích rõ các biện pháp mà chính phủ sẽ áp dụng để hài hòa lợi ích giữa các nhóm và TPP, trong đó có vấn đề tác động của các công ty dược độc quyền của nước ngoài đối với hệ thống bảo hiểm y tế của Thái Lan. Cuối cùng, các nhóm kêu gọi chính phủ Thái và các nhà hoạch định chính sách kinh tế quyết định dựa trên mục tiêu đảm bảo lợi ích quốc gia.

Sau khi chính thức được ký vào đầu tháng 2.2016, TPP sẽ được đưa vào áp dụng trong 2 năm tới, vì vậy mà ngay từ bây giờ đã xuất hiện nhiều nghiên cứu và dự đoán về việc TPP sẽ ảnh hưởng đến Thái Lan như thế nào.

Về giá trị thương mại, thương mại giữa Thái và các nước thành viên TPP đang không ngừng tăng và đã đạt đến 176 tỉ USD/ năm, trong đó 92,2 tỉ USD là xuất khẩu và 83,7 tỉ USD là nhập khẩu, đem lại thặng dư thương mại cho Thái Lan trong năm 2014.

Thái Lan hiện đã ký các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với 9 trên tổng số 12 nước thành viên TPP và 9 nước này chiếm trên 70% (khoảng 65 tỷ USD) tổng xuất khẩu của Thái Lan đến tất cả các nước TPP. Hơn nữa, 12 thành viên TPP cũng đều đồng thời là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới WTO, như vậy kể cả khi Thái Lan không gia nhập TPP, thì những nước chưa kí FTA với Thái Lan cũng không thể tăng thuế quan đánh vào hàng xuất khẩu Thái nhập vào nước họ vượt quá mức trung bình từ 3,5% đến 6,7% được cho phép.

Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn ở đây là Thái Lan được lợi bao nhiêu hay mất bao nhiêu khi gia nhập hoặc không gia nhập TPP. Hiện tại, việc Thái Lan được hưởng lợi nhiều hơn thiệt hại, như chính phủ nước này tuyên bố, vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng, nhưng đã có một vài nghiên cứu cho thấy gia nhập TPP sẽ khiến Thái Lan thiệt hại nhiều hơn được lợi.

Theo dữ liệu WITS từ Ngân hàng Thế giới WB, giả định việc thực thi TPP sẽ khiến cho thuế quan giữa các nước thành viên TPP là 0% thì sẽ có hai kịch bản xảy ra cho Thái Lan.

Nếu Thái Lan gia nhập TPP, xuất khẩu hằng năm của nước này sang các nước thành viên TPP sẽ tăng khoảng 2,8 tỉ USD, thấp hơn mức tăng 4,3 tỉ USD hiện nay. Như vậy, cán cân thương mại của Thái Lan sẽ mất đi 1,5 tỉ USD.

Còn nếu Thái Lan không gia nhập thì thậm chí các nước kí TPP đã xóa bỏ hoàn toàn thuế quan, xuất khẩu của Thái sang các nước này sẽ giảm 396 triệu USD hằng năm, khiến thặng dư thương mại của Thái với các nước TPP giảm từ 8,4 tỉ USD thời điểm hiện tại xuống còn 8 tỉ USD.

Hai kịch bản này vẫn còn chưa tính đến việc các nước thành viên TPP sẽ chấp nhận “quy tắc xuất xứ tính từ sợi”, theo đó chỉ và vải sợi để sản xuất sản phẩm may mặc của bất kì nước thành viên nào đều phải được nhập từ các nước thành viên tham gia TPP để được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất sang thị trường nội khối.

Điều này có nghĩa là, các nước mạnh về xuất khẩu hàng may mặc như Việt Nam và Malaysia sẽ phải nhập sợi từ Mỹ, vốn đắt hơn sợi từ Trung Quốc vốn được sử dụng xưa nay, để sản xuất sản phẩm may mặc “made in Vietnam/ Malaysia” xuất sang Mỹ để được hưởng mức thuế ưu đãi (có thể bằng 0%). Nhưng trong trường hợp như vậy thì hàng may mặc Việt Nam/ Malaysia gắn mác “made in Vietnam/Malaysia” vẫn đắt hơn hàng Việt Nam/Malaysia gắn mác “made in China” đã chịu thuế. Như vậy thì việc liệu Việt Nam và Malaysia có thể tăng giá trị xuất khẩu khi gia nhập TPP hay không vẫn chưa rõ ràng và do đó hai quốc gia này cũng chưa chắc chiếm được thị phần của hàng xuất khẩu Thái tại thị trường Mỹ.

Cẩm Bình (theo Bangkok Post)

Ảnh: Ông Somkid Jatusripitak, Phó thủ tướng Thái Lan.